An Giang: Nâng cao hiệu quả của mô hình kinh tế tập thể
An Giang đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, khắc phục dần tình trạng canh tác manh mún, nhỏ lẻ để ngành nông nghiệp địa phương có thể nắm bắt được cơ hội vươn tầm.
Những năm gần đây, khu vực kinh tế tập thể, HTX có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, cơ bản khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện thêm nhiều loại hình, mô hình HTX, tổ hợp tác (THT) hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Phát triển hợp tác xã kiểu mới là xu thế tất yếu để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp
Năm 2019, toàn An Giang có 24 HTX thành lập mới, nâng tổng số toàn tỉnh có 198 HTX; ngoài ra còn có 836 tổ hợp tác (THT), với trên 17.000 thành viên hoạt động các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp, phi nông nghiệp và vay vốn. Hoạt động HTX ngày càng đi vào chiều sâu, nhiều HTX hoạt động mạnh, hiệu quả, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất rau an toàn, sản xuất hữu cơ để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Một số HTX như: HTX Nông nghiệp Vĩnh Bình, HTX Nông nghiệp An Bình đã liên kết với Tập đoàn Lộc Trời để tận dụng sự hỗ trợ về quản lý cũng như tiêu thụ lúa.
Đáng phấn khởi, đến nay toàn tỉnh có 17 HTX kiểu mới tham gia chuỗi giá trị với các sản phẩm chủ lực, như: lúa, gạo, xoài... chủ yếu là tiêu thụ sản phẩm.
Điển hình như 5 HTX sản xuất rau an toàn với diện tích 95ha tham gia chuỗi giá trị đạt kết quả khả quan:
HTX nông sản an toàn Kiến An (Chợ Mới) cung cấp 70 tấn rau, củ cho Siêu thị Co.opmart Long Xuyên, Siêu thị Mega Market Long Xuyên, Cửa hàng Bách Hóa Xanh và các chợ lân cận.
HTX Rau an toàn Bình Thạnh (Châu Thành) ký hợp đồng 100 tấn rau các loại cho Công ty SaigonFarm tại TP. Hồ Chí Minh.
HTX Nông nghiệp và Dịch vụ du lịch Tân Thạnh (Tri Tôn) tiêu thụ 600 tấn sen cho vựa sen Đồng Tháp.
HTX Nông nghiệp Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên) cung ứng 70 tấn rau các loại cho Siêu thị Co.opmart Long Xuyên, Siêu thị Mega Market Long Xuyên và chợ đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh.
HTX Nông nghiệp Vĩnh Gia (Tri Tôn) hợp đồng tiêu thụ 80 tấn đậu nành rau với Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco).
Bên cạnh đó, một trong những mô hình kinh doanh mới hiện nay của các HTX ở An Giang là chuyển sang những vùng chuyên trồng xoài chất lượng cao, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, những hạn chế, bất cập vẫn còn tồn tại. Phần lớn tổ chức kinh tế tập thể, HTX có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều, chưa phát triển đa dạng các dịch vụ để thu hút vốn và thành viên tham gia; tốc độ tăng trưởng còn thấp, tỷ lệ đóng góp vào GRDP của tỉnh chưa cao…
Nhiều chính sách đã được đưa ra để phát triển mô hình kinh tế tập thể ở An Giang
Để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư vừa ký quyết định ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện kết luận số 70-KL/TW, ngày 9-3-2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX). Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Hội Nông dân tỉnh, Liên minh HTX tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả; coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên.
Việc thực hiện kế hoạch này gắn với triển khai Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2030 cùng các chính sách, pháp luật có liên quan sẽ tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, HTX.
Thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh cũng đã nỗ lực khắc phục những yếu kém kéo dài về trình độ năng lực của các cán bộ quản lý và người lao động. Thông qua tổ chức các lớp sáng lập viên, đào tạo giám đốc và kế toán; hợp tác với Liên đoàn hợp tác Raffeisen Cộng hòa Liên bang Đức (DGRV) đào tạo nâng cao trình độ cũng như xác định mô hình kinh doanh cho các HTX nông nghiệp; xúc tiến thương mại...
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp Hội Nông dân tỉnh, UBND cấp huyện và các đoàn thể vận động nông dân sản xuất giỏi, có uy tín tham gia thành lập HTX nông nghiệp; xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa đặc trưng của địa phương; phát triển các THT sản xuất những sản phẩm đặc thù thành HTX nông nghiệp.
Đồng thời, chọn các HTX nông nghiệp hiệu quả tại các xã có sản phẩm đặc thù để tham gia thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”. Cùng với đó, triển khai thực hiện tốt Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, ngày 5-7-2018 của Chính phủ cũng như Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND, ngày 12-7-2019 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong triển khai hỗ trợ HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, ưu tiên 8 nhóm sản phẩm nông nghiệp được quy hoạch. Sở NN&PNT cũng được giao chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện tốt Kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển HTX và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp năm 2020; Kế hoạch sản xuất và tiêu thụ cây ăn trái trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2020.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm