6 tháng đầu năm, ngân sách Nhà nước bội thu hơn 220.000 tỷ đồng
Chỉ 6 tháng đầu năm, thu ngân sách Nhà nước hoàn thành 66% dự toán pháp lệnh, ngân sách thặng dư gần 220.000 tỷ đồng, nhiều khoản thu, sắc thuế băng băng về đích. Tuy nhiên vẫn còn nỗi lo về điệp khúc giải ngân vốn chậm cùng vật giá leo thang dồn dập.
Tăng thu nhờ nội lực của nền kinh tế
Báo cáo của Bộ Tài chính tại Hội nghị Sơ kết công tác tài chính - ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2022 cho biết, lũy kế đến hết tháng 6, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 941.300 tỷ đồng, bằng 66,7% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 63,6%, thu từ dầu thô đạt 125,6%, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 79,4% dự toán.
Nếu tính theo phân cấp, thu ngân sách trung ương đạt 66,4% dự toán, thu ngân sách địa phương đạt xấp xỉ 67% dự toán.
Trong chiều ngược lại, tổng chi ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm ước đạt 713.000 tỷ đồng, bằng 40% dự toán. Trong đó chi đầu tư phát triển đạt 28,6%, chi thường xuyên đạt 45,8%, chi trả lãi đạt 50,1% dự toán.
Như vậy sau 6 tháng đầu năm, ngân sách Nhà nước bội thu khoảng 228.000 tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, tiến độ thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm đạt khá, nhưng một số khoản thu và địa bàn tiến độ đạt thấp, nợ đọng thuế có xu hướng tăng. Tình trạng gian lận, trốn lậu thuế, quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, kinh doanh xuyên biên giới, diễn biến phức tạp.
Ngoài ra, công tác phân bổ dự toán chi ngân sách Nhà nước chậm; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, đặc biệt là vốn đầu tư ngoài nước, chưa tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Việc triển khai bán cổ phần thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp không đạt được kết quả theo kế hoạch đề ra, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách Nhà nước”, Bộ Tài chính cho biết.
Hiện tượng thao túng giá ngày càng tinh vi
Cũng theo báo cáo của Bộ tài chính về thị trường tài chính cho biết, do chịu ảnh hưởng tiêu cực của thị trường chứng khoán toàn cầu, áp lực lạm phát gia tăng, tính đến hết ngày 30/6/2022, chỉ số VN-Index đạt 1.197,6 điểm, giảm 20,1% so với cuối năm 2021.
Thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng "nóng", tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tình hình tài chính của một số doanh nghiệp phát hành còn hạn chế, một số doanh nghiệp sử dụng vốn không đúng mục đích, Bộ Tài chính cho hay.
Về công tác quản lý giá cả, thị trường, theo Bộ Tài chính với diễn biến CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2022 tăng 2,44%, mặc dù vẫn còn dư địa cho việc kiểm soát lạm phát cả năm theo mục tiêu Quốc hội đề ra (mức 4%). Tuy nhiên, áp lực kiểm soát lạm phát trong thời gian tới là rất lớn.
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng cần phải tiếp tục bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu để hỗ trợ người dân và cả nền kinh tế. Nguồn thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm nay tăng khá, phần lớn nhờ nguồn thu từ dầu thô. Song song đó, các khoản thu liên quan đến xăng dầu tiêu dùng trong nước như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu cũng đã tăng thêm vài ngàn tỉ đồng khi giá dầu thế giới liên tục đi lên. Đây chính là nguồn để Chính phủ mạnh dạn giảm các loại thuế đối với hàng hóa thiết yếu này.
Chuyên gia Bùi Trinh nhấn mạnh: dầu thô cũng như các loại tài nguyên là sở hữu toàn dân. Ngân sách được hưởng lợi từ đó thì phải dùng để hạ nhiệt giá xăng dầu trong bối cảnh giá hàng loạt hàng hóa đều gia tăng. Đây là gói hỗ trợ tốt nhất, thiết thực nhất và toàn bộ người dân lẫn nền kinh tế được hưởng lợi. Việc giảm giá xăng dầu cũng sẽ ngay lập tức có tác động lan tỏa đến hoạt động của nhiều ngành nghề, từ đó sẽ góp phần vào sự phục hồi, phát triển của kinh tế trong năm nay.
Bùi Hằng