4 cuốn Tiếng Việt 1 đều có 'sạn': Bộ Giáo dục chính thức lên tiếng
Giáo viên và phụ huynh hiện đang khá bức xúc khi phát hiện cả 4 cuốn Tiếng Việt 1 thuộc 4 bộ sách giáo khoa mới do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành đều có lỗi về ngữ liệu, ngữ pháp.
Thời gian qua, các cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt 1 xuất hiện quá nhiều sạn, những lỗi sai cơ bản về ngữ liệu và ngữ pháp. Bên cạnh những lỗi sai trong sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh diều, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, bộ Chân trời sáng tạo, bộ Vì sự bình đẳng, dân chủ trong giáo dục thì giáo viên tiếp tục tìm ra lỗi trong bộ Cùng học để phát triển năng lực (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành).
Cụ thể, cuốn sách Kết nối tri thức với cuộc sống sử dụng những ngữ liệu dễ dãi, tùy tiện, không phù hợp lứa tuổi người học, nhiều chi tiết phản cảm, phản giáo dục.
Chúng ta biết, thường thì người ta chỉ nói đến “hồn” của một người khi người đó đã chết. Ví dụ, Tố Hữu tả hình ảnh chú bé Lượm lúc hy sinh (trong bài Lượm - tập thơ Việt Bắc): “Cháu nằm trên lúa/ Tay nắm chặt bông/ Lúa thơm mùi sữa/ Hồn bay giữa đồng”.
Thế nhưng, bài đọc Nắng xuân hồng (trang 179), SGK Tiếng Việt 1, tập Một viết: “Trên đường đi đến lớp/ Hồn em vui mênh mông”.
Để nói về “phần hồn” của một người đang sống thì thiếu gì từ: “tâm hồn”, “lòng”…, chẳng lẽ tác giả SGK không biết điều này?
Trong khi đó, nhóm tác giả sách Tiếng Việt 1 bộ Cùng học để phát triển năng lực xuyên tạc bản gốc truyện “Rùa chạy thi với thỏ”: “Thỏ nghĩ chân nó dài hơn chân rùa nên rủ rùa chạy thi”... “Khi nhớ đến thi chạy, thỏ thấy rùa đã tới điểm hẹn. Thỏ xấu hổ, nấp vào bụi cây”.
Từ xưa đến nay, chưa thấy ai kể chuyện thỏ nghĩ chân nó dài hơn rùa nên rủ rùa chạy thi. Người đọc cũng không thể hiểu “điểm hẹn” là cái gì. Thông thường, ai cũng hiểu “điểm hẹn” là nơi hẹn hò, khác hẳn với “đích” là điểm xác định trong một cuộc thi thể thao, ai đến trước, người ấy thắng.
Truyện ngụ ngôn nói chung cũng không bao giờ kể với những câu nói trữ tình kiểu “Thỏ xấu hổ, nấp vào bụi cây” như trong cuốn sách giáo khoa này. Thêm một điểm vô lý nữa là thỏ xấu hổ với ai lúc đó, lúc đó có ai mà phải xấu hổ nấp vào bụi cây vì rùa đã tới “điểm hẹn” rồi.
Trang 138 (tập 2) sách Tiếng Việt 1 bộ Cùng học để phát triển năng lực có bài đọc “Đôi chân của bố”, đoạn 1 vào chuyện khá bất ngờ và phản giáo dục: “Mấy bạn trong lớp thỉnh thoảng bắt chước dáng đi tập tễnh của bố Giang, khiến Giang vừa tức vừa xấu hổ”.
Sao có thể nhồi vào đầu đứa trẻ mới 6 tuổi những hành vi phản giáo dục, làm tổn thương những người khuyết tật và người thân của họ như vậy?
Về những sự việc này, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin giáo viên, phụ huynh và báo chí phản ánh về "sạn" trong 4 cuốn sách Tiếng Việt 1 thuộc 4 bộ: Kết nối tri thức với cuộc sống; Vì sự bình đẳng, dân chủ trong giáo dục; Cùng học để phát triển năng lực và Chân trời sáng tạo.
Hiện có rất nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến "sạn" trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Đơn vị đang lắng nghe thêm ý kiến các chuyên gia, đồng thời cho rà soát lại toàn bộ chi tiết được phản ánh là sai sót, chưa chuẩn về ngữ liệu, ngữ pháp trong Tiếng Việt 1.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã gửi báo cáo kết quả rà soát, đánh giá về những thông tin do giáo viên, báo chí phản ánh lên Bộ GD&ĐT. Sau khi có thông báo, nhà xuất bản sẽ công bố. Nếu có sai sót, nhà xuất bản sẽ xem xét điều chỉnh phù hợp với học sinh để có những bộ sách đạt chuẩn giáo dục nhất có thể.
Liên quan vấn đề trên, đại diện Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết, tại Điều 9, Thông tư 33 của Bộ GD&ĐT quy định về thẩm định chỉnh sửa nội dung sách giáo khoa có ghi rõ: "Sách giáo khoa không phải là tài liệu bất biến".
Do vậy, các nhà xuất bản và lực lượng liên quan đến sách giáo khoa có trách nhiệm cũng như quyền hạn điều chỉnh, bổ sung nội dung sách giáo khoa hợp lý và ngày càng tốt hơn. Chẳng hạn một số chỉ số liên quan đến tăng trưởng kinh tế, dân số, chỉ số môi trường hoặc điều chỉnh địa giới hành chính, nếu tình hình thực tế thay đổi, sách phải cập nhật, bổ sung thường xuyên.
Đại diện Bộ cho rằng, việc chỉnh sửa này rất bình thường khi biên soạn và sử dụng sách giáo khoa hàng năm và nó được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, và tác giả là người chịu trách nhiệm cao nhất về sách giáo khoa.
Trong quá trình biên soạn và thẩm định, có thể hai đơn vị này chưa phát hiện ra nhưng trong quá trình sử dụng có những ý kiến phản hồi về những điều chưa hợp lý, đó là điều bình thường.
Như vậy, có thể hiểu, việc điều chỉnh ngữ liệu trong sách giáo khoa qua hai "kênh". Thứ nhất, tác giả và nhà xuất bản phải tự rà soát để cập nhật những thông tin thay đổi thực tế (như số lượng dân số, địa giới hành chính, tăng trưởng kinh tế…). Thứ hai, tác giả và nhà xuất bản rà soát, nghiên cứu lại những phản hồi của người sử dụng sách giáo khoa. Việc này phải làm hàng năm, sau đó báo cáo về Bộ GD&ĐT những nội dung cần chỉnh sửa hay điều chỉnh.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng có văn bản gửi các nhà xuất bản, nhà trường và các giáo viên đề nghị trong quá trình sử dụng sách giáo khoa và các tài liệu liên quan, các đơn vị phải có trách nhiệm phản ánh những nội dung cần điều chỉnh và báo cáo về Bộ GD&ĐT để sớm có phương án khắc phục.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo