3 hiểu nhầm nghiêm trọng về công trình hiệu quả năng lượng
Tồn tại những quan niệm sai lầm về công trình hiệu quả năng lượng khiến chúng không được thiết kế, xây dựng và vận hành đúng, lãng phí năng lượng và tốn kém chi phí cho chủ đầu tư. Dưới đây là 3 hiểu nhầm phổ biến nhất về công trình hiệu quả năng lượng!
Sử dụng ít năng lượng là hiệu quả năng lượng?
Không ít người cho rằng hiệu quả năng lượng trong công trình là khi công trình đó tiêu thụ ít năng lượng hơn. Nhưng ít “hơn” so với gì và ít hơn như thế nào lại cần rất nhiều kiến thức để có thể hiểu đúng và làm đúng.
Trên thực tế, công trình hiệu quả năng lượng là công trình giảm tiêu thụ năng lượng nhiều nhất có thể để sản xuất một sản phẩm hoặc cung ứng một dịch vụ nào đó mà sản phẩm cũng như dịch vụ này vẫn đạt tiêu chuẩn chất lượng tương đương. Điều này có nghĩa là giá trị chúng ta nhận được sẽ nhiều hơn vì chất lượng sản phẩm hay dịch vụ không hề giảm đi, đồng thời vẫn tiết kiệm được đáng kể mức năng lượng tiêu thụ và giảm thiểu chi phí năng lượng. Điều đáng quan tâm là công trình hiệu quả năng lượng vẫn đảm bảo cao nhất tiện nghi sống và sự thoải mái của người sử dụng.
Tắt đèn khi không sử dụng không phải ví dụ về hiệu quả năng lượng, ngay cả khi đây là một việc làm tốt và giúp tránh lãng phí năng lượng tiêu thụ. Việc hạn chế thói quen và hành vi sử dụng năng lượng để giảm tiêu thụ năng lượng chỉ là một trong những hình thức trong “Bảo toàn năng lượng” (Energy conservation).
Điều quan trọng hơn cả, hiệu quả năng lượng không chỉ đơn thuần được đo lường bằng tổng mức tiêu thụ năng lượng mà còn ở cường độ sử dụng năng lượng (Energy Use Intensity) với đơn vị kWh/m2/năm.
Có rất nhiều công trình thương mại lớn như tòa văn phòng cao tầng có mức tiêu thụ năng lượng thấp hơn so với những công trình có diện tích sàn tương tự, tuy nhiên cường độ sử dụng năng lượng của chúng lại cao hơn, do đó chưa được coi là công trình hiệu quả năng lượng.
Tăng chi phí đầu tư?
Quan niệm phổ thông hiện nay ở Việt Nam cho rằng để thực hiện công trình hiệu quả năng lượng, chủ đầu tư thường phải chi trả mức phí đầu tư thiết kế và xây dựng cao hơn. Hiểu nhầm này mang đến rào cản lớn khiến rất nhiều chủ đầu tư ngần ngại thực hiện công trình hiệu quả năng lượng.
Cần phải hiểu rằng, công trình hiệu quả năng lượng là một tài sản đầu tư có giá trị dài hạn và đem lại lợi ích kinh tế to lớn cho các chủ đầu tư trong suốt vòng đời hoạt động hàng chục năm! Tính hiệu quả kinh tế của các công trình hiệu quả năng lượng không chỉ ở việc giảm chi phí tiêu thụ điện trong vận hành, mà nó còn thể hiện ở việc tối ưu chi phí đầu tư các thành phần về nhiệt và năng lượng công trình như hệ thống HVAC, vỏ bao che công trình.
Yếu tố quan trọng nhất giúp tối ưu chi phí đầu tư chính là nhờ áp dụng đúng các kỹ thuật thiết kế tiết kiệm năng lượng công trình đã được thế giới công nhận. Đây là điều mà phần lớn đội ngũ thiết kế tại Việt Nam còn chưa nắm rõ để áp dụng trong các sản phẩm thiết kế của mình.
Phân tích theo một khía cạnh khác, công trình hiệu quả năng lượng sẽ cần phải sử dụng những hệ thống HVAC hiệu suất cao, đèn LED tiết kiệm năng lượng,... với chi phí đầu tư ban đầu cao hơn so với hệ thống và thiết bị thông thường. Tuy nhiên, chi phí chênh lệch này không nên là mối bận tâm khi cân nhắc lợi ích dài hạn về chi phí năng lượng tiêu thụ tiết kiệm được mà chúng đem lại.
Những hệ thống và thiết bị có hiệu suất cao sẽ tiêu thụ ít năng lượng hơn và có tuổi thọ cao hơn, do đó sẽ giúp giảm chi phí sử dụng năng lượng và giảm chi phí bảo trì trong suốt vòng đời công trình. Đặc biệt, nhờ áp dụng kỹ thuật thiết kế tiết kiệm năng lượng công trình “chuẩn Quốc tế”, những Chuyên gia thiết kế công trình còn có thể tư vấn cho chủ đầu tư lựa chọn thiết bị và hệ thống tối ưu nhất về mặt hiệu năng và chi phí.
Có thể thấy, công trình hiệu quả năng lượng nếu được thiết kế đúng sẽ không chỉ giúp tối ưu chi phí đầu tư ban đầu mà còn giúp giảm chi phí vận hành trong dài hạn cho các chủ đầu tư và doanh nghiệp.
Kiểm toán năng lượng là cách tốt nhất?
Rất tiếc, ở Việt Nam hầu hết mọi người đang nghĩ như vậy. Hiểu nhầm này, trái lại, gây lãng phí trên diện rộng cả về chi phí đầu tư và chi phí vận hành cho các chủ đầu tư.
Vậy, kiểm toán năng lượng là gì? Tại sao đề cao kiểm toán năng lượng lại gây lãng phí năng lượng ở diện rộng?
Kiểm toán năng lượng là công tác kiểm tra, tính toán năng lượng tiêu thụ của một công trình, tòa nhà, nhà máy hoặc các cơ sở nhằm đưa ra các giải pháp khắc phục tiết kiệm hiệu quả nguồn năng lượng tiêu thụ. Kết quả của công việc này là báo cáo kiểm toán năng lượng, bao gồm số liệu khảo sát, đo lường, thu thập số liệu về tình hình sử dụng năng lượng của cơ sở, phân tích, tính toán và đánh giá hiệu quả sử dụng năng lượng, đánh giá tiềm năng tiết kiệm năng lượng, đề xuất các giải pháp tiết kiệm năng lượng, phân tích hiệu quả đầu tư cho các giải pháp tiết kiệm năng lượng đề xuất để cơ sở lựa chọn triển khai áp dụng.
Tại Việt Nam, kiểm toán năng lượng đã trở thành một công việc bắt buộc với các cơ sở thuộc danh sách sử dụng năng lượng trọng điểm với tần suất 3 năm 1 lần. Mục đích của việc thực hiện kiểm toán năng lượng là đánh giá nhanh về hiện trạng sử dụng năng lượng, quản lý năng lượng, phát hiện các cơ hội tiết kiệm năng lượng, qua đó đem lại lợi ích toàn diện cho doanh nghiệp nói riêng và cho quốc gia nói chung.
Tại sao kiểm toán năng lượng không phải là cách thức tốt nhất để đảm bảo các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả?
Kiểm toán năng lượng là một công việc chỉ được thực hiện khi công trình đã được hoàn thiện xây dựng và đưa vào thực tế sử dụng. Khi ấy, bất cập trong vận hành và lãng phí năng lượng đã xảy ra, gây ra tốn kém một khoản chi phí không ngờ tới cho các chủ đầu tư và doanh nghiệp, thậm chí hầu hết còn đi kèm với việc kém tiện nghi cho người sử dụng.
Vậy đâu là cách tốt nhất để đảm bảo công trình sử dụng năng lượng hiệu quả?
Theo chuyên gia về công trình hiệu quả năng lượng, phương pháp tốt nhất là áp dụng kỹ thuật Mô phỏng năng lượng công trình ngay từ khâu thiết kế ban đầu. Kỹ thuật mô phỏng năng lượng sẽ số hóa toàn bộ bản vẽ thiết kế để thực hiện mô phỏng vận hành công trình, sau đó tìm kiếm giải pháp thiết kế hiệu quả năng lượng và tối ưu chi phí nhất, đảm bảo công trình sử dụng năng lượng hiệu quả ngay từ giai đoạn thiết kế cơ sở. Khi đó, công trình được vận hành khoa học và tiết kiệm năng lượng.
Mô phỏng năng lượng có khả năng đánh giá tiềm năng tiết kiệm năng lượng của dự án tại bất kỳ giai đoạn nào của quá trình thiết kế, có thể hỗ trợ thực hiện nâng cấp hiệu quả sử dụng năng lượng cho công trình đang vận hành. Việc kiểm toán năng lượng về sau sẽ chỉ mang tính hỗ trợ đánh giá lại kết quả của những tính toán kỹ thuật mô phỏng năng lượng ban đầu với những sai số được giảm đến tối thiểu và hầu như không gây ra những phiền toái lớn gây tốn kém chi phí khắc phục.
Kiểm toán năng lượng đối với những công trình đã xây dựng xong và đã đi vào vận hành bao gồm thực hiện đánh giá năng lượng tiêu thụ thực tế của công trình, kiểm tra mức độ lãng phí và tìm kiếm cơ hội để cải thiện hiệu quả năng lượng. Các tư vấn điều chỉnh sau đó được đưa ra như thay thế thiết bị chiếu sáng có hiệu suất cao hơn, lắp thêm các tấm che nắng hoặc thực hiện biện pháp cách nhiệt cho công trình. Những điều chỉnh được áp dụng sẽ cần dựa trên tính toán chi tiết về năng lượng và đánh giá khả năng tiết kiệm chi phí vận hành. Muốn đảm bảo chính xác nhất kết quả tính toán thì quá trình kiểm toán năng lượng sẽ cần có sự tham gia của các kỹ sư mô phỏng tiết kiệm năng lượng công trình.
Để đạt được lợi ích tối đa với kiểm toán năng lượng và kỹ thuật mô phỏng năng lượng công trình, trước hết chủ đầu tư cần phải nắm rõ khả năng tối ưu năng lượng trong các công trình để ra đề bài yêu cầu mức giảm tiêu thụ năng lượng và tối ưu chi phí phù hợp với công trình của mình, từ đó kiểm soát hiệu quả thiết kế công trình. Khi ấy, kết quả kiểm toán năng lượng công trình mới có cơ sở để đánh giá.
Có thể thấy, “3 hiểu nhầm nghiêm trọng nhất về công trình hiệu quả năng lượng” trên đang gây ra những cản trở lớn cho sự phát triển của các công trình hiệu quả năng lượng không chỉ trên thế giới mà còn tại Việt Nam. Dẫu vậy, để xóa bỏ những hiểu nhầm ấy sẽ hoàn toàn có thể khi chủ đầu tư và doanh nghiệp hiểu rõ được sự khác biệt và lợi thế đặc biệt của công trình hiệu quả năng lượng. Quan trọng là, chủ đầu tư và doanh nghiệp cần vạch rõ mục tiêu sử dụng năng lượng để tối ưu chi phí đầu tư và giảm chi phí vận hành công trình ngay từ khâu thiết kế ban đầu. Việc này sẽ cần sự chỉ dẫn cụ thể và tư vấn chuyên sâu từ những chuyên gia hàng đầu về công trình hiệu quả năng lượng!