11 Ngân hàng được tăng vốn tính đến tháng 10/2020
Có 11 ngân hàng thương mại được NHNN chấp thuận cho tăng vốn điều lệ đến cuối tháng 10 năm 2020 và vẫn còn một số nhà băng khác đang có kế hoạch tăng vốn các tháng cuối năm.
Theo ghi nhận sơ bộ từ hệ thống các NHTM, trong năm 2020 có 13 ngân hàng đặt ra kế hoạch tăng vốn điều lệ với tổng số vốn tăng thêm dự kiến khoảng 187.550 tỷ đồng. Đến thời điểm đầu tháng 10/2020, sau khi LienVietPostBank được NHNN chấp thuận cho tăng vốn điều lệ từ 9.769 tỷ đồng lên hơn 10.746 tỷ đồng, toàn hệ thống đã có 11 NHTMCP (bao gồm: Techcombank, MB, ACB, SHB, HDBank, SeABank, VIB, OCB, BacABank, VietCapitalBank và LienVietPostBank) hoàn thành xong các hồ sơ tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm đạt khoảng trên 158.944 tỷ đồng.
Ở khối NHTM có vốn Nhà nước, thông tin mới nhất từ VietinBank cho biết, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 121/2020/NĐ-CP, đến trung tuần tháng 10 vừa qua TCTD này đã gửi văn bản lấy ý kiến cổ đông về phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế và trích các quỹ của các năm 2017, 2018 và 2019; ngày đăng ký cuối cùng cho cổ đông là 5/11.
Việc các NHTM đồng loạt tăng vốn điều lệ trong năm 2020 như kể trên theo nhiều chuyên gia tài chính là rất cần thiết, bởi đến nay vẫn còn một số ngân hàng chưa đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của Thông tư 41/2016/TT-NHNN và theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN, chậm nhất đến 1/1/2023 các ngân hàng phải đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn vốn theo quy định. Điều này cũng có nghĩa, cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới.
Ngân hàng Maritime Bank |
Đến hiện nay trong nhóm các NHTM lớn có vốn Nhà nước, ngoài Agribank việc tăng vốn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn ngân sách, thì 3 ngân hàng còn lại khả năng đẩy nhanh lộ trình tăng vốn đều khá sáng rõ. Cụ thể, ngoài VietinBank đang gấp rút lấy ý kiến cổ đông để hoàn thiện hồ sơ tăng vốn như trình bày ở trên, thì trong năm 2019 Vietcombank và BIDV cũng đã hoàn tất quá trình phát hành cổ phiếu cho các đối tác ngoại và lần lượt tăng vốn điều lệ lên mức 37.088 tỷ đồng và 40.220 tỷ đồng.
Thống kê của Công ty chứng khoán SSI cho thấy rằng, đến cuối năm 2019 hệ số an toàn vốn (CAR) của Vietcombank và BIDV lần lượt ở mức 8,74% và 9,24% theo chuẩn Basel II. Tuy nhiên, từ đầu 2020 các khoản nợ xấu mới từ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 cũng đã đặt ra những thách thức về vốn cho các TCTD này. Bởi theo tính toán của SSI với mỗi 1 điểm % nợ xấu tăng thêm, hệ số CAR sẽ giảm từ 0,4 đến 0,8 điểm %. Vì vậy, trong năm 2021 áp lực tăng vốn sẽ vẫn khá mạnh đối với cả BIDV, VietinBank và Vietcombank.
Ở phía các Ngân hành TMCP, theo giới chuyên môn, giải pháp tăng vốn hiệu quả nhất vẫn là phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, bởi trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp hiện nay, việc gọi vốn từ các nhà đầu tư mới là không dễ, đặc biệt với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi các cổ đông hiện hữu cũng tỏ ra khá thận trọng đối với việc bỏ thêm vốn…
VietCapital bank |
Mặc dù vậy, theo giới chuyên môn việc đẩy nhanh quá trình niêm yết và bán vốn trên các sàn chứng khoán vẫn là một trong những yếu tố hỗ trợ tích cực cho quá trình tăng vốn của các nhà băng. Thực tế trong năm 2020, do áp lực phải triển khai Đề án Cơ cấu thị trường chứng khoán và bảo hiểm, hàng loạt các NHTM quy mô nhỏ như VietCapitalBank, NamABank đã bắt đầu niêm yết trên sàn UPCoM. Các ngân hàng lớn hơn như: OCB, Maritime Bank, SeABank… cũng đã có kế hoạch niêm yết trực tiếp trên HoSE vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021.
Từ đầu năm 2020 đến nay hàng loạt các NHTM đã niêm yết trên UPCoM và HNX cũng đã chuyển sang sàn HoSE. Theo SSI, việc chuyển sàn này một phần có thể do áp lực cạnh tranh, phần khác là do nhu cầu vốn, vì việc niêm yết trên HoSE sẽ cải thiện cơ hội thu hút vốn trong tương lai với định giá tốt hơn. Điều này cũng thúc đẩy nhóm các NHTM chưa hoàn thành tiêu chuẩn Basel II nhanh chóng niêm yết và tăng vốn, bởi việc niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch tập trung với độ minh bạch cao hơn sẽ tăng khả năng thu hút được nguồn lực từ nhà đầu tư nước ngoài sau khi chào sàn.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm