0915 15 67 76 [email protected]
Thứ ba, 15/12/2020 10:00 (GMT+7)

Xâm nhập mặn đe dọa an ninh nguồn nước của TP.HCM

Bên cạnh việc ô nhiễm nguồn nước thì xâm nhập mặn cũng đang đe dọa đến nguồn nước sinh hoạt của TP.HCM.

tm-img-alt
Xâm nhập mặn đe dọa nguồn nước sinh hoạt của người dân TP.HCM.

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang tác động mạnh mẽ đến đời sống sinh hoạt, phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.

Theo nghiên cứu mới nhất của Phân viện Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT, trong giai đoạn 2006-2015, độ mặn cao nhất, trung bình và thấp nhất dao động từ 4,5%-16,6%; 2,49%-13,1%; 0,4%-10,8% biên độ mặn vào mùa khô khá cao, dao động từ 9,3%-14,7%.

Do ảnh hưởng của các yếu tố BĐKH như nhiệt độ, nắng nóng, lượng mưa và nước biển dâng khiến chế độ thủy lực trong sông và khả năng lan truyền mặn vào sâu hơn trong nội đồng, gây nên những sự thay đổi so với hiện trạng. Sự thay đổi mặn và mức độ lan truyền mặn có xu hướng tăng dần trong tương lai về phía thượng nguồn hồ Dầu Tiếng sông Sài Gòn và hồ Trị An sông Đồng Nai.

Nếu trường hợp không có công trình ngăn mặn, trong tương lai, mặn có xu hướng tiến sâu lên thượng lưu, thu hẹp mức độ an toàn của nguồn nước ngọt, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân. Bên cạnh đó, hoàn thành và vận hành 6 cống ngăn triều, khả năng xâm nhập mặn trên các sông nhỏ sẽ giảm đáng kể.

Trong tương lai, khi độ mặn dâng cao, nguồn cung cấp nước ngọt cho các hoạt động sản xuất khu vực Nhà Bè, Cần Giờ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đồng thời, vấn đề cung cấp nước sinh hoạt cho TP.HCM cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Biên mặn ngày càng lấn sâu vào nội đồng, theo các kịch bản nước biển dâng, gần như chiếm toàn bộ diện tích của huyện Cần Giờ.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, để bảo vệ tài nguyên nước, thành phố cần triển khai nhiều biện pháp đồng bộ. Theo đó, đối với quản lý tài nguyên nước, cần có quy hoạch tổng thể tài nguyên nước, kế hoạch quản lý tài nguyên nước dài hạn và ngắn hạn phục vụ công tác cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước hợp lý, hiệu quả, góp phần giảm đến mức thấp nhất khối lượng điều tra, thăm dò chuyên ngành trong thủ tục đề nghị cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, cũng chính là góp phần cải cách thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, cần tập trung nghiên cứu, xây dựng hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước bằng công nghệ tự động, trực tuyến; xây dựng cơ chế phối hợp tổng thể giữa các ban, ngành có liên quan công tác quản lý theo định hướng thống nhất quản lý; tăng cường công tác quản lý hoạt động xả thải…

Theo PGS.TS Mai Tuấn Anh, Trưởng phòng Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu TP.HCM, những rủi ro thiên tai, nặng nề mà con người đang phải gánh chịu có nguyên nhân từ tác động của BĐKH. Cùng với bối cảnh tác động chung của BĐKH trên thế giới, thiên tai, dịch bệnh, xâm nhập mặn, bão lũ... đang là những tác động mạnh mẽ và trở thành thách thức lớn, đe dọa nghiêm trọng đến đời sống xã hội của người dân Việt Nam.

Không nằm ngoài diễn biến chung, TP.HCM đã nhận thức và thực hiện nhiều giải pháp, xây dựng kế hoạch hành động nhằm ứng phó với BĐKH. Theo Th.S Phạm Hữu Tâm, Phân viện Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, để thích ứng với BĐKH, đơn vị đã tư vấn cho TP.HCM đưa ra một loạt nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cơ bản như áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ sở sản xuất, chế biến, gia công sản phẩm hàng hóa. Thành phố đã phát triển trồng rừng 50ha trên đất ngập nước, bãi bồi ven sông, rạch tại các tiểu khu trong rừng phòng hộ Cần Giờ, kết hợp thực hiện kiểm kê khí nhà kính định kỳ 2 năm/lần trên địa bàn.

Ở góc độ khác, thành phố triển khai nhiều giải pháp công trình như thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các metro, tuyến buýt BRT, các cống ngăn triều. Không chỉ vậy, thành phố cũng đang đẩy mạnh nghiên cứu mô hình tận dụng năng lượng mặt trời phát điện cho khu vực nông thôn, cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước nhằm đảm bảo tránh ngập úng do lượng mưa và triều cường trong điều kiện BĐKH và nghiên cứu quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp, giống cây trồng, nuôi trồng thủy sản, hải sản thích ứng với BĐKH.

Không chỉ hạn mặn mà tình trạng lấn chiếm, xả rác bừa bãi, khai thác nước ngầm quá mức, xả nước thải sản xuất chưa qua xử lý xuống kênh rạch… đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng nguồn nước của TP.HCM.

tm-img-alt
Nguồn nước tại một số dòng sông lớn cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Mới đây, trong báo cáo của Chính phủ về tình hình ô nhiễm môi trường nước tại một số dòng sông lớn cho thấy nhiều đoạn hạ lưu ở sông Sài Gòn ô nhiễm vượt mức cho phép. Theo đó, kết quả quan trắc ở các khu vực này có thông số COD, BOD5, Amoni vượt giá trị giới hạn. Cụ thể, các điểm quan trắc tại cầu Ông Buông (kênh Tân Hóa - Lò Gốm), cầu Chữ Y (kênh Tàu Hũ - Bến Nghé), cầu An Lộc (kênh Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật) và cảng Phú Định (sông Chợ Đệm) chất lượng nước vẫn ở mức xấu.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến nguồn nước tại TP.HCM bị ô nhiễm. Trong đó, nguyên nhân đứng đầu vẫn là nước thải sinh hoạt, tiếp đó là từ công nghiệp, chăn nuôi, y tế và nước rỉ từ các bãi rác.

Trước những vấn đề còn tồn tại, TP.HCM cần quy hoạch tổng thể tài nguyên nước; lồng ghép khả năng cung cấp của nguồn nước vào quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở kiểm kê đánh giá tài nguyên nước và cân bằng kinh tế nguồn nước; xây dựng, ban hành chiến lược bền vững về nguồn tài nguyên nước. Bổ sung mạng lưới điều tra quan trắc tài nguyên nước, bao gồm cả nước mặt và nước ngầm, cả lượng và chất. Dự kiến, đến năm 2021, TP.HCM sẽ có 12 trạm quan trắc môi trường nước tự động, trong đó 8 trạm trên sông Đồng Nai và Sài Gòn, 4 trạm trên hệ thống kênh rạch.

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Bạn đang đọc bài viết Xâm nhập mặn đe dọa an ninh nguồn nước của TP.HCM. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023