WHO công bố dịch virus corona dựa trên những cơ sở nào?
Quyết định này dựa trên các yếu tố như nguy cơ lây lan quốc tế và sự phối hợp toàn cầu trong nỗ lực đáp ứng dịch.
Theo chia sẻ của Trưởng nhóm đáp ứng sự kiện khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, bà Satoko, cho biết, ngày 30/1 vừa qua, Tổng Giám đốc của WHO đã triệu tập cuộc họp và công bố dịch virus corona mới là sự kiện y tế khẩn cấp toàn cầu gây quan ngại quốc tế. Quyết định này dựa trên các yếu tố như nguy cơ lây lan quốc tế và sự phối hợp toàn cầu trong nỗ lực đáp ứng dịch.
“WHO rất hiểu sự lo lắng của dân chúng về việc công bố sự kiện này. Tuy nhiên đây không phải nâng cấp độ nguy cơ hay đe dọa trên toàn cầu vì phần lớn ca bệnh vẫn chỉ ở Trung Quốc. Ý nghĩa của việc công bố sự kiện này nhằm khẳng định, cần sự hỗ trợ toàn cầu để đáp ứng dịch bệnh và đưa ra biện pháp tốt nhất chống lại dịch bệnh”, bà Satoko chia sẻ.
Bà Satoko cũng đánh giá rất cao tinh thần phòng và chống dịch cũng như các công tác chuẩn bị khẩn cấp đang được nhanh chóng triển khai trong những ngày qua tại Việt Nam để đối phó với virus corona: “Chúng tôi đánh giá rất cao và tin tưởng Chính phủ, ngành Y tế Việt Nam trong việc phát hiện, giám sát và điều trị bệnh”.
Tại Việt Nam, vào chiều ngày 31/1 vừa qua, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra đã họp triển khai chỉ thị của Thủ tướng về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh này.
Tại cuộc họp, giải thích về việc WHO chính thức tuyên bố dịch virus nCoV là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, song đến thời điểm hiện tại Việt Nam vẫn chưa công bố, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Việc công bố tình trạng y tế khẩn cấp phải dựa trên các tiêu chí như: Số lượng người mắc, số lượng bệnh nhân tử vong, mức độ lan tràn của dịch bệnh, đã áp dụng các biện pháp nhưng chưa ngăn chặn được dịch bệnh,…
Trên thực tế từ trước đến nay, WHO đã công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu với 4 loại dịch bệnh, nhưng Việt Nam chưa lần nào công bố. Kể cả năm 2009 số lượng người mắc virus H5N1 ở Việt Nam lên tới gần 10000 người, 22 ca tử vong, thời điểm đó chúng ta cũng không công bố tình trạng khẩn cấp – PGS.TS Nguyễn Thanh Long thông tin.
Đối với dịch bệnh nCoV hiện đang diễn biến rất phức tạp Việt Nam đã và đang triển khai các giải pháp phòng, chống còn mạnh hơn cả khuyến cáo của WHO. Do vậy cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến, đồng thời cần thống nhất các tiêu chí để tham mưu cho cấp có thẩm quyền công bố tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật vào đúng thời điểm.
Cũng nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân trong nước và giảm thiểu tình trạng đầu cơ, trục lợi đối với các mặt hàng khẩu trang y tế đang gây sốt trong những ngày qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp này đã chỉ đạo cần tập trung kiểm soát chặt chẽ thị trường, xử lý nghiêm các đối tượng gom hàng, đầu cơ, tăng giá khẩu trang y tế; chỉ xuất khẩu khẩu trang y tế khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép,…
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo