Vụ tiêu hủy 15 con chó ở Cà Mau: Cơ quan chức năng nói gì?
Thông tin tạị buổi họp báo ngày 10/10, ông Trần Tấn Công - Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) khẳng định, việc tiêu hủy đàn chó là đáp ứng yêu cầu chống dịch Covid-19.
Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin, clip ghi lại hình ảnh 2 vợ chồng đi xe máy, chở theo 15 con chó từ Long An trở về quê ở Cà Mau. Tuy nhiên, khi gia đình được đưa đến khu cách ly thì những con chó trên đã bị tiêu hủy.
"Tiêu hủy đàn chó là cần thiết để chống dịch"
Theo ông Trần Tấn Công - Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau), ngày 8/10, chính quyền xã Khánh Hưng tiếp nhận 7 người về từ vùng dịch, trong đó có 2 người mang theo chó mèo, gồm 15 con chó và 1 con mèo.
Những người cùng cách ly phản ảnh nhiều lần về bầy chó mèo này đi lung tung, sợ lây nhiễm bệnh. Sau đó vợ chồng ông Phạm Minh Hùng (xác định là người mang theo bầy chó mèo vào khu cách ly ) dương tính Covid-19 và được đưa đi trị bệnh, trong khi những người cách ly cùng lại tiếp tục phản ánh, đề nghị tiếp với phải giải quyết đàn chó. Cạnh đó do áp lực chống dịch, lực lượng chống dịch Covid-19 của xã lập biên bản tiêu hủy.
Cũng theo ông Trần Tấn Công, sau khi tiêu hủy đến nay, phía những người chủ đàn chó vẫn chưa có phản ảnh gì.
"về quy trình xử lý tiêu hủy sẽ làm rõ thêm và thông tin cho báo chí sau. Nếu có sai sẽ xử lý nghiên khắc đúng quy định", Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) khẳng định.
Chưa có nghiêm cứu chứng minh vật nuôi có thể lây Covid-19
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với VTCNews, BS Trương Hữu Khanh, Cố vấn chuyên môn Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, hiện nay chưa có nghiên cứu nào nói virus SARS-CoV-2 có thể lây từ người sang động vật hay ngược lại.
Theo BS Khanh, về mặt lý thuyết, dòng virus ở người và ở động vật rất khác nhau. Thụ thể trên tế bào người và động vật cũng khác nhau rất xa. Virus ở người không thể nhiễm cho động vật và virus ở động vật không lây sang người được vì khi virus của người “nhảy sang” động vật gặp thụ thể khác không bám lại được sẽ bị đẩy ra.
“Do đó động vật (chó mèo) không thể mắc bệnh (Covid-19) và lây bệnh cho người được”, BS Khanh nói.
Nói về nguy cơ lây bệnh Covid-19 từ chó mèo, PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), cho biết chưa có bằng chứng rõ ràng về việc chó, mèo, vật nuôi là vật chủ trung gian truyền bệnh Covid-19 cho người.
Tuy nhiên, đã có những công bố xét nghiệm thấy virus SARS-CoV-2 trong chó, mèo nhưng nguy cơ lây lan theo cơ chế qua đường hô hấp của vật nuôi rất thấp.
"Việc lây nhiễm virus từ chó mèo là có nếu như người mắc Covid-19 ôm ấp, vuốt ve, chăm sóc chó mèo. Khi đó, người nhiễm có thể ho, hắt hơi, lây dính nước bọt mang virus SARS-CoV-2 lên lông, da của vật nuôi. Từ đó, người không mắc bệnh ôm ấp chó mèo thì có thể lây dính virus lên tay, đưa lên mũi, miệng và lây nhiễm Covid-19 hoặc lông chó mèo mang virus có thể lây dính lên các đồ vật khác và có nguy cơ lây sang người khác"- PSG Phu nói.
Theo ông Phu, chó, mèo hay các vật nuôi khác có thể giống như "vật dụng" lây dính virus khác và lây nhiễm qua người khác khi cầm nắm, sờ phải rồi đưa lên mũi miệng. Vì vậy, bệnh nhân F0 không nên ôm ấp, vuốt ve chó, mèo.
Ngày 10/10, Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Đức Thánh có văn bản gửi Sở Y tế, Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND huyện Trần Văn Thời, yêu cầu rà soát, cung cấp thông tin chính thống cho báo chí liên quan vụ 15 con chó của một gia đình đang cách ly bị trạm y tế xã Khánh Hưng tiêu hủy.
“Sở Y tế phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Trần Văn Thời cùng các cơ quan, đơn vị liên quan, rà soát thông tin nêu trên báo chí, báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước 10h ngày 11/10”, văn bản của UBND tỉnh Cà Mau nêu.