Vĩnh Long và khát vọng xây dựng thương hiệu mạnh cho doanh nghiệp
Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của thị trường đòi hỏi mỗi doanh nghiệp trên cả nước nói riêng và tỉnh Vĩnh Long nói riêng cần có những chiến lược phát triển kinh doanh đúng đắn, phù hợp.
Ông Lữ Quang Ngời - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, từ nhiều năm trước UBND tỉnh Vĩnh Long đã chú trọng việc xây dựng và phát triển thương hiệu bằng nhiều chương trình hành động thiết thực. Cụ thể, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ra quyết định số 161/QĐ-UBND, ngày 20 tháng 02 năm 2014 về việc ban hành Đề án Hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2013 – 2015; Quyết định số 103/QĐ-UBND ngày 13/01/2016 về việc ban hành đề án hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020. Các sở ban ngành như Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn… đã triển khai nhiều đề án, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về công nghệ, thiết bị, tư vấn phát triển thị trường, đầu tư thương hiệu...
Đặc biệt giai đoạn 2013 – 2017 Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long, Trung tâm Khuyến Công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp kết hợp với Viện Quản trị Quốc Tế đã hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng chiến lược thương hiệu tiêu biểu trong địa bàn tỉnh, từ đó tạo thêm khả năng cạnh tranh và giúp các thương hiệu có chỗ đứng trên thị trường như bưởi Năm Roi, cam sành Tam Bình, gốm đỏ Vĩnh Long, nước mắm Gia Hỷ, gạo Phước Thành, bánh kẹo Sơn Hải, bún Ba Khánh, Phú Vĩnh Long…
Tuy nhiên, các hoạt động kể trên mới được tổ chức ở mức độ riêng lẻ, chỉ hỗ trợ cho những doanh nghiệp có vốn đối ứng tham gia hoặc chỉ dành cho nhóm các doanh nghiệp chủ động tiếp cận những giải pháp mới về thị trường, chưa mang tính chiến lược tổng thể của địa phương, chưa có tiêu chí chung về xây dựng phát triển thương hiệu mạnh, và chưa trở thành chương trình xuyên suốt hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh.
Được biết, Vĩnh Long hiện nay đang có 919 văn bằng bảo hộ gồm: 810 nhãn hiệu; 17 nhãn hiệu tập thể, 100 kiểu dáng công nghiệp, 1 sáng chế, 7 giải pháp hữu ích và 1 chỉ dẫn địa lý (Bưởi Năm Roi Bình Minh). Nhưng trong khảo sát của Viện Quản trị Quốc tế năm 2016, có đến hơn 87% các doanh nghiệp Vĩnh Long chưa có tầm nhìn, sứ mệnh doanh nghiệp, chiến lược kinh doanh, chưa lập kế hoạch kinh doanh hằng năm, không có người chuyên trách làm thương hiệu, chưa có hệ thống quản lý doanh nghiệp hoàn chỉnh, chưa có hệ thống đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh, chưa có hệ thống nhận diện thương hiệu.... Đây là những lý do chính dẫn đến kết quả là Vĩnh Long chưa có nhiều thương hiệu mạnh nằm trong nhóm thương hiệu Quốc gia. Số thương hiệu doanh nghiệp bước ra thị trường thế giới còn rất khiêm tốn, chủ yếu chỉ phục vụ cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, theo khảo sát của Viện Quản trị Quốc tế, có đến 52% doanh nghiệp không có người chuyên trách làm marketing, thương hiệu hay một số doanh nghiệp có người chuyên trách lại thiếu trình độ chuyên môn này. Đa số nhân sự phụ trách marketing tại các doanh nghiệp Vĩnh Long đều chưa được đào chuyên môn bài bản, chiếm 63% số doanh nghiệp khảo sát. Có đến 63% doanh nghiệp không có bất kỳ chương trình huấn luyện/đào tạo cho nhân sự marketing, số còn lại có 1- 2 lần theo kế hoạch hoặc khi có nhu cầu. Có 41% doanh nghiệp không tìm được nhân sự chuyên môn dẫn đến rào cản khi triển khai xây dựng thương hiệu.
Do vậy, xây dựng và phát triển thương hiệu mạnh cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long là nhiệm vụ quan trọng, mang tính cấp thiết. Hơn bao giờ hết, Vĩnh Long cần có một đề án mang tính tổng thể, thể hiện chiến lược quan trọng về xây dựng và phát triển thương hiệu mạnh doanh nghiệp của Lãnh đạo tỉnh, nâng tầm nhận thức cho doanh nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp vùng, cấp quốc gia cho doanh nghiệp….Để khắc phục tình trạng này và thực hiện Nghị quyết 05 – NQ/TU ngày 26/7/2016 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển thương hiệu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016 – 2020, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ký Quyết định số 1715 QĐ-UBND ngày 11/8/2017 phê duyệt Danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ đợt 4 năm 2017 – 2018, trong đó có đề án “Xây dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long”. Đề án được giao cho Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Quản trị Quốc tế thực hiện từ tháng 6/2018 đến cuối năm 2020.
“Đề án hoàn thành sẽ giúp định vị và nâng cao giá trị hình ảnh của doanh nghiệp và của tỉnh Vĩnh Long; nét đặc trưng của hàng hóa, dịch vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường, gia tăng thị phần; thu hút và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Triển khai các hoạt động ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu trên thị trường trong nước và nước ngoài; ưu tiên đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản, làng nghề, sản phẩm chế biến và xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội”- Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tân – Viện trưởng Viện Quản trị Quốc tế, chủ nhiệm đề án “Xây dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long” nhấn mạnh.
Sau hơn hai năm triển khai, đến nay đã có 20 thương hiệu được đề xuất trao tặng danh hiệu Thương hiệu mạnh Vĩnh Long 2019 -2020 như: Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long, gạo Phước Thành, bún Ba Khánh, nước mắm Gia Hỷ, vận tải Phú Vĩnh Long, du lịch Cửu Long, chả lụa Thành Công, cơm sấy Nhật Quỳnh, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, Trường Đại học Xây dựng Miền Tây, Trường Đại học Cửu Long, Đông Phát Food…
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo