Việt Nam đã bảo hộ 94 chỉ dẫn địa lý
Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế (Cục Sở hữu trí tuệ) cho biết, tính đến hết năm 2020, Việt Nam đã bảo hộ 94 chỉ dẫn địa lý.
Năm 2020, mặc dù bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, biến động nhưng số lượng đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý được tiếp nhận và giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý được cấp đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận 22 đơn và cấp 21 giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Tương tự các năm trước đây, cơ cấu sản phẩm các chỉ dẫn địa lý được cấp Giấy chứng nhận đăng ký trong năm vừa qua không có nhiều thay đổi, chủ yếu vẫn là các sản phẩm nông nghiệp, không có sản phẩm chế biến.
Sản phẩm tôm hùm bông “Phú Yên” đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong năm 2020. UBND tỉnh Phú Yên là tổ chức quản lý |
Các sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý trong năm đều là các sản phẩm tươi sống, trong đó có 06 sản phẩm là hoa quả tươi (sầu riêng Cái Mơn, na dai Lục Nam, thanh long Châu Thành Long An, cam Hàm Yên, bưởi Khả Lĩnh, khóm Cầu Đúc), 03 sản phẩm thủy hải sản (tôm hùm Phú Yên, ba ba Văn Chấn, yến sào Khánh Hòa), còn lại các nông sản khác bao gồm gia vị, động vật tươi sống và gạo (tỏi An Thịnh, tỏi Lý Sơn, thảo quả Vị Xuyên, quế Trà Bồng, vịt Cổ Lũng và gạo Ba Chăm Mang Yang).
Các tổ chức nộp đơn đăng ký và quản lý các chỉ dẫn địa lý được nộp trong năm 2020 vẫn là các cơ quan hành chính nhà nước bao gồm: UBND huyện/ thành phố trực thuộc tỉnh, UBND cấp tỉnh và các sở Khoa học và Công nghệ, sở NN&PTNT. Trong đó, UBND cấp huyện/ thành phố trực thuộc tỉnh vẫn là tổ chức nộp đơn và quản lý số lượng chỉ dẫn địa lý lớn nhất (với 09 chỉ dẫn địa lý). Điều này cho thấy sự tham gia của các hội nghề nghiệp, các tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm chỉ dẫn địa lý vào quá trình xây dựng hồ sơ đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý vẫn còn rất hạn chế.
Như vậy, tính đến hết năm 2020, Việt Nam đã bảo hộ 94 chỉ dẫn địa lý trong đó có 88 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và 06 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài. Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) (chính thức được Quốc hội của hai Bên phê chuẩn, có hiệu lực vào ngày 01/08/2020) cũng đã mở ra “cơ hội vàng” cho 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam khi được chính thức bảo hộ và hưởng các ưu đãi thuế quan trong xuất khẩu tại Liên minh Châu Âu. Đồng thời, theo Hiệp định này, Việt Nam đã bảo hộ thêm 169 chỉ dẫn địa lý của Liên minh châu Âu.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những khó khăn chung trên toàn thế giới trong năm 2020, các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam chưa phát huy được những lợi thế sau khi được bảo hộ tại Liên minh châu Âu.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm