0915 15 67 76 [email protected]
Thứ hai, 18/04/2022 14:35 (GMT+7)

Vì sao vẫn khó thu hồi xe cũ nát?

Nhiều chuyên gia cho rằng, lộ trình thải loại xe cũ nát đang gặp một số vướng mắc nhất định, chủ yếu là do hành lang pháp lý vẫn chưa hoàn thiện. Việc thu hồi những chiếc xe máy cũ nát, chở hàng hóa cồng kềnh hiện vẫn đang là vấn đề nan giải hiện nay.

Tiềm ẩn nguy hiểm từ những chiếc xe cũ nát

Những chiếc xe máy cũ nát, quá đát chở hàng hóa cồng kềnh hiện vẫn đang là vấn đề nan giải đối với các đơn vị chức năng. Những phương tiện cũ nát này gây không ít phiền toái đối với người tham gia giao thông, gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông.

Năm 2010, Thủ tướng phê duyệt Đề án kiểm soát khí thải môtô, xe máy với mục tiêu năm 2015, tỷ lệ kiểm định xe máy tại TP.HCM và Hà Nội đạt 80-90% và các thành phố loại 1, 2 là 60%. Nhiều năm qua, các cơ quan chức năng cũng có nhiều giải pháp kiểm tra, kiểm soát ôtô, xe máy cũ nát không bảo đảm an toàn, gây ô nhiễm môi trường, song hiệu quả đem lại chưa cao.

Tính đến tháng 1/2022, cả nước có 20.680 ô tô hết niên hạn sử dụng, theo quy định phải nộp lại chứng nhận đăng ký, biển số và bị cấm lưu thông. Mặc dù hành lang pháp lý cho việc quản lý, loại bỏ xe hết niên hạn sử dụng khá rõ ràng, song, chủ xe, lái xe này vẫn ngang nhiên hoạt động, vận chuyển hàng hóa và chở người, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, tai nạn giao thông.

Tại Hà Nội, thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho thấy, hiện thành phố có hơn 5,7 triệu xe máy, trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy đăng ký trước năm 2000.

Tại TP.HCM cũng có gần 8 triệu xe máy đang lưu hành; trong đó một nửa là xe đã sử dụng lâu năm, thậm chí được sản xuất từ những năm 90 của thế kỷ XX.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện cả nước có gần 60 triệu mô tô, xe gắn máy đang lưu hành, chiếm 95% số lượng xe cơ giới, thải ra 80-90% lượng khí CO, HC và các độc tố có trong xăng, 50% lượng NOx trong tổng lượng phát thải xe cơ giới. Trong đó, các đô thị lớn như: Hà Nội và TP.HCM có lượng xe máy chiếm 1/4 lượng xe cả nước và có mức gây ô nhiễm từ xe máy khá cao.

Vì sao vẫn khó thu hồi xe cũ nát? - Ảnh 1
Việc hạn chế những chiếc xe cũ nát thải nhiều khí độc hại ra môi trường là điều cần thiết để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.

Theo ông Trần Nhật Quang, Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) Hà Nội, việc thu hồi, loại bỏ xe máy cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành là vấn đề cấp thiết nhưng không phải việc dễ. Trước đây, vào tháng 6/2017, khi xây dựng đề án quản lý phương tiện giao thông để UBND Thành phố trình HĐND Thành phố Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội đã tính toán phối hợp với Bộ GTVT xây dựng, trình Chính phủ ban hành tiêu chuẩn về khí thải xe máy.

Theo đó, từ ngày 1/1/2018, Hà Nội sẽ thu hồi xe máy cũ nát, không đảm bảo điều kiện về môi trường, an toàn lưu thông. Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản biện cho rằng cần phải xem xét, tính toán kỹ hơn nên nội dung này đã được đưa ra khỏi dự thảo đề án.

Tính đến nay, theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, cả nước có hơn 220.000 xe hết niên hạn sử dụng, trong đó hơn 170.000 xe tải và gần 53.000 xe chở người. Riêng năm 2020, cả nước có gần 16.500 ô tô hết niên hạn sử dụng. Điều đáng nói là rất ít chủ các xe này chấp hành quy định nộp lại biển số và đăng ký xe cho cơ quan quản lý.

Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Môi trường, TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông nhận định, phương tiện cũ nát là một trong những thủ phạm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hiện nay. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, việc hạn chế những chiếc xe cũ nát thải nhiều khí độc hại ra môi trường là điều cần thiết. Tuy nhiên, để kiểm soát cũng như thu hồi các phương tiện cũ nát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường phải có biện pháp đồng bộ toàn diện và theo lộ trình chứ không thực hiện nửa vời.

Cần có hành lang pháp lý chặt chẽ

Nhiều chuyên gia cho rằng, lộ trình thải loại xe cũ nát hiện đang gặp một số vướng mắc nhất định; chủ yếu là do hành lang pháp lý vẫn chưa đầy đủ, hoàn thiện. Việc chưa triển khai thực hiện Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố theo đúng lộ trình của Chính phủ là một khó khăn trong việc đề xuất quy định này trong thời gian tiếp theo. Hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy vẫn chưa được xem xét, phê duyệt và ban hành.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phương, Phó trưởng Phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết, hiện nay mới chỉ có quy định niên hạn sử dụng đối với ôtô; còn các loại mô tô, xe gắn máy chưa có. Do chưa có quy định nên đến nay cũng chưa có thống kê cụ thể nào về tình trạng xe cũ nát trên toàn quốc.

“Việc thu hồi xe máy cũ nát cũng không hề đơn giản bởi đó là tài sản của người dân. Do đó cần xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ, đầy đủ”, ông Phương thông tin.

Cùng quan điểm, TS. Phan Lê Bình, Chuyên gia giao thông của cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), giảng viên trường Đại học Việt Nhật, cũng cho rằng, việc hồi và xử lý những chiếc xe cũ nát như vậy cũng gặp không ít khó khăn và vướng mắc do những phương tiện này đều liên quan đến quyền tài sản của mỗi công dân.

“Nếu nhìn nhận vấn đề từ góc nhìn cơ quan quản lý kỹ thuật phương tiện, đối với xe máy, ông nghĩ phải dùng hàng rào kỹ thuật để kiểm soát mức độ phát thải chứ không quy định niên hạn sử dụng được. Trong quá trình xây dựng kế hoạch và lộ trình đối với việc thu hồi xe cũ nát, cơ quan chức năng nên tính đến phương án hỗ trợ tài chính cho những người sở hữu phương tiện bị thu hồi để họ có điều kiện mua xe mới, từ đó sinh kế của họ sẽ ít bị ảnh hưởng”, ông Bình phân tích.

Ngoài ra, sau khi thu hồi cũng cần có giải pháp xử lý đối với những loại xe này bởi hiện nay chúng ta chưa phát triển được công nghiệp tái chế, đặc biệt là tái chế kim loại mà những loại xe này chủ yếu là kim loại.

Liên quan đến tiêu chí xác định phương tiện cơ giới cần thu hồi, loại bỏ, nhiều ý kiến cho rằng, cần có quy định về niên hạn sử dụng với tất cả chủng loại ôtô, xe máy. Mới đây, TP.Hà Nội đã đề nghị Bộ GTVT báo cáo, đề xuất Chính phủ quy định niên hạn sử dụng với xe máy để làm căn cứ xây dựng các biện pháp xử lý.

Bên cạnh đó, trong năm 2021, TP.Hà Nội kết hợp Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) tổ chức đo khí thải xe máy và hỗ trợ chủ xe máy cũ được đổi xe mới bằng hình thức trợ giá từ 1-4 triệu đồng. Tuy nhiên, không có nhiều chủ xe máy mặn mà với chương trình này.

Khẳng định chương trình đo khí thải, đổi xe máy cũ lấy xe mới là hướng đi đúng, giúp cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, song chuyên gia giao thông, TS, Nguyễn Hữu Đức cho rằng, các tiêu chí mà Sở TN&MT Hà Nội đưa ra rất khó thu hút người dân.

“Chương trình hiện nay mới dừng ở mức thí điểm, nên cần thay đổi các tiêu chí để phù hợp với thực tế. Từ thí điểm lần này, các cơ quan chức năng cần nới lỏng các tiêu chí tham gia, nâng mức hỗ trợ, vì số tiền 2 - 4 triệu đồng như hiện nay còn quá thấp”, TS. Đức nói.

Trao đổi với báo chí, Luật sư Vũ Tuấn - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết, cần phải làm rõ định nghĩa thế nào là phương tiện cũ nát. Các cơ quan chức năng cần thông qua việc kiểm tra, đo đạc các phương tiện rồi đối chiếu với các quy chuẩn an toàn kỹ thuật sau đó đưa ra các tiêu chí để đánh giá, phân loại các xe.

Bên cạnh đó, do xe máy là tài sản cá nhân và không có quy định về niên hạn sử dụng nên nếu muốn thu hồi loại phương tiện này, cơ quan chức năng cần phải xây dựng hành lang pháp lý vững chắc. Mặc dù Luật Giao thông đường bộ có quy định nghiêm cấm đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham gia giao thông đường bộ; tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào điều này để thu hồi phương tiện cũ nát là không khả thi.

Cũng theo luật sư Tuấn, để triển khai thu hồi xe máy cũ nát, các ngành chức năng sẽ thực hiện việc kiểm tra, đo đạc các quy chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường để xác định xe thuộc đối tượng thu hồi. Trong trường hợp xe sử dụng thời gian quá lâu, khung xe gỉ sét không đủ an toàn thì nên thu hồi, không được phép lưu thông để tránh gây ra tai nạn hoặc phát thải quá nhiều khi lưu thông trên đường. Cần phải kiểm tra cả việc này chứ không phải chỉ kiểm tra động cơ về khí thải.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Vì sao vẫn khó thu hồi xe cũ nát?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Vị thế Việt Nam nhìn từ “tài sản” tự nhiên
Quả thực viết một bài báo ngắn về một đề tài lớn như vậy rất khó. Hơn nữa tôi chỉ là công dân bình thường làm gì có tầm nhìn đủ bao quát để tìm và chỉ ra những vị thế tài sản tự nhiên của Việt Nam.
Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3
Tăng giá trần vé máy bay nội địa, quy định về chuẩn quốc gia với cơ sở giáo dục đại học, thu phí khai thác sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản... là những chính sách mới sẽ có hiệu lực trong tháng 3/2024.

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023