Vì sao vắc xin Covid-19 không có tác dụng mãi mãi?
Một số loại vắc xin có tác dụng 5-10 năm thậm chí bảo vệ trọn đời cho một người khỏi nhiễm bệnh. Nhưng vắc xin Covid-19 thì không. Vì sao vậy?
Được biết, vắc xin sởi bảo vệ trọn đời cho 96% số người được tiêm, vắc xin thủy đậu bảo vệ bạn từ 10 tới 20 năm và các mũi tiêm phòng uốn ván kéo dài tác dụng một thập kỷ.
Trong khi đó, nhiều nước đang xem xét phê duyệt tiêm nhắc lại cho những người trưởng thành vừa mới chỉ tiêm vắc xin Covid-19 được 6-8 tháng.
Mục tiêu của vắc xin Covid-19 là cung cấp khả năng bảo vệ, tránh nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng hoặc tử vong.
Giáo sư sinh học Rustom Antia, Đại học Emory (Mỹ), người nghiên cứu các phản ứng miễn dịch, cho biết: “Một loại vắc xin thực sự tốt sẽ giúp bạn không bị mắc bệnh ngay cả khi tiếp xúc với virus. Nhưng không phải tất cả các loại vắc xin đều lý tưởng".
Ba cấp độ bảo vệ bao gồm bảo vệ đầy đủ chống lại nhiễm bệnh và lây truyền; bảo vệ chống lại bệnh trở nặng và lây truyền; hoặc chỉ bảo vệ chống lại bệnh nghiêm trọng.
Hiệu quả phụ thuộc vào cường độ của phản ứng miễn dịch mà vắc xin tạo ra, tốc độ suy giảm của các kháng thể, virus hoặc vi khuẩn có xu hướng đột biến hay không và cơ quan bị nhiễm bệnh.
Ngưỡng bảo vệ là mức độ miễn dịch đủ để không bị ốm.
Giáo sư Mark Slifka, Đại học Khoa học & Sức khỏe Oregon cho biết: “Về cơ bản, đó là mức độ kháng thể hoặc kháng thể trung hòa trên mỗi ml máu”.
“Chúng ta đã xác định được ngưỡng bảo vệ với bệnh uốn ván, bạch hầu và sởi. Bạn theo dõi sự suy giảm kháng thể theo thời gian và nếu bạn biết ngưỡng bảo vệ, bạn có thể tính toán độ bền của vắc xin. Với Covid-19, chúng ta không biết điều đó"-Giáo sư Mark Slifka cho biết thêm
Trong lịch sử, các loại vắc xin hiệu quả nhất đã sử dụng virus sao chép, tạo ra khả năng miễn dịch suốt đời như sởi.
Các loại vắc xin không dùng virus sao chép và vắc xin dựa trên protein (uốn ván) dễ phai nhưng hiệu quả của chúng có thể được nâng cao khi có chất bổ trợ giúp tăng cường mức độ của phản ứng. Đó là vắc xin ngừa uốn ván và viêm gan A.
Vắc xin Johnson & Johnson và AstraZeneca sử dụng vector virus không sao chép và không chứa chất bổ trợ. Vắc xin Pfizer và Moderna dùng công nghệ mRNA, không chứa bất kỳ loại virus nào.
Câu chuyện còn phức tạp hơn khi virus đột biến để thoát khỏi phản ứng miễn dịch của cơ thể.
Theo Tạp chí Y khoa Anh, các yếu tố gây bệnh sởi, quai bị, rubella và thủy đậu hầu như không đột biến. Trong khi đó, virus SARS-CoV-2 có nhiều biến thể.
Tiến sĩ Slifka nhận định: “Điều đó làm cho hoạt động của vắc xin trở nên phức tạp hơn. Theo thời gian, bạn phải theo đuổi nhiều mục tiêu. Virus gây cảm cúm cũng đột biến. Chúng tôi sản xuất các loại vắc xin mới mỗi năm sao cho phù hợp nhất với chủng cúm hiện hành”.
Thuốc chủng ngừa cúm có thể bảo vệ cơ thể trong ít nhất sáu tháng.
Trong tương lai, vắc xin Covid-19 sẽ được cập nhật để chống lại các biến thể của virus. Thế hệ vắc xin tiếp theo có thể tập trung vào tăng cường khả năng miễn dịch ở các bề mặt ẩm ướt của mũi và phổi.
Trong thời gian chờ đợi, để tránh virus lây lan, có thể cần mũi tiêm nhắc lại.
4 yếu tố tăng nguy cơ nhiễm Covid-19 của người đã tiêm vắc xin
Loại vắc xin, các biến thể, thời gian sau tiêm và hệ miễn dịch của từng người tác động tới khả năng mắc bệnh.
Các tác dụng, phản ứng phụ sau tiêm:
Giống như bất kỳ loại vắc xin nào, vắc xin COVID-19 có thể gây ra các phản ứng phụ, hầu hết đều ở mức độ nhẹ hoặc trung bình và tự biến mất trong vài ngày. Theo kết quả của các thử nghiệm lâm sàng, các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn hoặc kéo dài có thể xảy ra. Việc tiêm vắc xin phải được giám sát liên tục để phát hiện các tác dụng phụ.
Các tác dụng phụ được báo cáo của vắc xin COVID-19 hầu hết đều ở mức độ nhẹ đến trung bình và không còn kéo dài sau vài ngày. Các tác dụng phụ điển hình bao gồm đau tại chỗ tiêm, sốt, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, ớn lạnh và tiêu chảy. Khả năng xảy ra bất kỳ tác dụng phụ nào sau khi tiêm là khác nhau tùy theo loại vắc xin cụ thể.