Ứng dụng phát triển khoa học công nghệ trong lâm nghiệp
Ngành lâm nghiệp cũng đã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ viễn thám trong trong việc xây dựng bản đồ hiện trạng rừng cho 39 tỉnh, thành phố...
Sáng nay ngày 26/6, Tổng cục Lâm nghiệp, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo "Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lâm nghiệp Thành tựu và định hướng phát triển” với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp, đơn vị quản lý rừng, lâm nghiệp trên địa bàn cả nước.
Đánh giá tình hình hình thành và phát triển của ngành lâm nghiệp Việt Nam trong 75 năm qua, GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho rằng, ngành lâm nghiệp đã giành được những thành tựu to lớn trong việc nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, chất lượng rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện hoạt động chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Hội thảo "Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lâm nghiệp Thành tựu và định hướng phát triển”
Các nhà khoa học lâm nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận với công nghệ tiên tiến trên thế giới để ứng dụng và tạo ra những sản phẩm có hàm lượng khoa học ngày càng cao, phục vụ sản xuất lâm nghiệp ngày càng hiệu quả.
Nhiều giống cây lâm nghiệp mới có năng suất cao, chất lượng tốt đã được chọn, tạo và phát triển trong sản xuất. Nhiều tiến bộ kỹ thuật về thâm canh rừng, quản lý rừng bền vững, quy trình công nghệ, thiết bị, nguyên liệu phụ trợ tiên tiến trong khai thác, bảo quản, chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ đã chuyển giao vào sản xuất và mang lại hiệu quả thiết thực.
Những thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực lâm nghiệp đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam năm 2019 đạt hơn 11,3 tỷ USD, xuất siêu đạt 8,77 tỷ USD, bằng 84% xuất siêu ngành Nông nghiệp và bằng 7,88% của cả nước.
Đến hết tháng 5/2020, tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ bền vững toàn quốc là 278.976ha tại 27 tỉnh…
Thực hiện Chiến lược nghiên cứu lâm nghiệp giai đoạn 2008-2020, ngành lâm nghiệp cũng đã nghiên cứu và công nhận được 277 giống cây lâm nghiệp, 61 tiêu chuẩn và 11 tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực phát triển rừng. Điều này đã đưa năng suất rừng trồng đạt năng suất bình quân 20m3/ha/năm, nhiều nơi đạt 40m3/ha/năm.
Đến nay ngành lâm nghiệp cũng đã công nhận 163 tiêu chuẩn và 15 tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực chế biến lâm sản đã ứng dụng vào sản xuất, mang lại kết quả, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho ngành lâm nghiệp.
Ngành lâm nghiệp cũng đã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ viễn thám trong trong việc xây dựng bản đồ hiện trạng rừng cho 39 tỉnh, thành phố; điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc và đã xây dựng hệ thống bản đồ, bộ số liệu gắn với bản đồ kiểm kê rừng; xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng; dự báo, cảnh báo lửa rừng, sâu bệnh hại rừng…
Khoa học lâm nghiệp đã giúp nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, chất lượng rừng, bảo vệ môi trường sinh thái
Những nghiên cứu hiệu quả gắn với từng khâu sản xuất, chế biến, từng sản phẩm, dịch vụ môi trường rừng. Kết quả nghiên cứu góp phần thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu gỗ của nước ta đạt trên 11,3 tỷ USD năm 2019 với giá trị xuất siêu đạt trên 8,7 tỷ USD, chiếm 84% giá trị xuất siêu của lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, các kết quả nghiên cứu làm cơ sở xây dựng nhiều chính sách quan trọng cho ngành.
Những kết quả kể trên đã khẳng định khoa học công nghệ thực sự là động lực trực tiếp thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, năm 2020 mặc dù gặp khó khăn do dịch bệnh nhưng dự kiến, ngành Lâm nghiệp vẫn tăng trưởng bằng những năm trước.
Định hướng nghiên cứu khoa học lâm nghiêp trong giai đoạn 2021-2030, Tổng cục Lâm nghiệp đặt mục tiêu nâng cao năng suất rừng trồng lên 30 m3/ha/năm vào năm 2025 và 40 m3/ha/năm vào năm 2030; bảo vệ diện tích rừng hiện có cùng với bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững nguồn đa dạng sinh học, nguồn gen của rừng, nguồn lâm sản ngoài gỗ; cải tiến công nghệ trồng, chăm sóc và thâm canh rừng; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để phát triển ngành công nghệ chế biến gỗ, lâm sản để nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm