Tuyên Quang: Nạn 'cát tặc' ở Trường Sinh - Sơn Dương khiến người dân mất đất nông nghiệp
Không được cấp phép nhưng các phương tiện khai thác cát, sỏi (tàu hút, tàu cuốc hoán cải, tàu cẩu dây văng) vẫn ngang nhiên “đục khoét” lòng sông Lô, khiến soi bãi của người dân xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang bị xói mòn, sạt lở...
Từ nhiều năm qua, sông Lô đoạn chảy qua địa phận tỉnh Tuyên Quang là một trong nhiều điểm nóng về tình trạng khai thác cát trái phép.
Cát tặc hoành hành không chỉ gây thất thoát lớn tài nguyên mà còn để lại hậu quả khôn lường. Đê nứt, hàng trăm hécta đất bãi bồi bị sạt lở, ô nhiễm môi trường, nhiều công trình bị dòng nước cuốn trôi...
Trước tình trạng đó, UBND tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều biện pháp cứng rắn nhằm xử lý quyết liệt tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên lòng sông Lô. Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát trái phép trên lòng sông Lô, đoạn chảy qua địa phận xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương vẫn diễn biến phức tạp.
Những ngày đầu tháng 10, có mặt trên địa bàn xã Trường Sinh (Sơn Dương, Tuyên Quang) phóng viên phát hiện ra hàng loạt tàu hút, tàu cuốc hoán cải “lầm lũi” kéo sát vào bãi bồi thuộc địa phận Khu 6 khai thác cát trái phép. Có 3 - 4 tàu hút, tàu cuốc hoán cải không số hiệu, không đăng ký luôn hoạt động hết công suất. Hàng trăm khối cát được đưa khỏi lòng sông lấp đầy “bụng" những chiếc tàu hàng đang cập bến sát bên để nhận hàng. Cách đó không xa, hàng chục chiếc tàu chở hàng từ khắp nơi đang neo đậu chờ để “ăn hàng”.
Theo người dân xã Trường Sinh, tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn đã diễn ra gần một tháng nay. Những ngày đầu tháng 9/2021, các đối tượng bắt đầu khai thác cát tại đây. Ban đầu họ chỉ đưa một, hai tàu về khai thác cát tại đâu. Lúc đầu thấy người dân phản đối họ còn hút cát xa bờ. Sau thấy người dân không ý kiến gì họ cắm thẳng tàu vào bãi soi của người dân để hút cát. Họ hoạt động suốt gần một tháng nay nhưng không thấy cơ quan chức năng xử lý.
Hoạt động khai thác cát diễn ra liên tục từ 5h sáng đến 18h cùng ngày. Trong khi quy định tại Nghị định 23 của Chính phủ thì hoạt động thác cát, sỏi lòng sông chỉ được phép diễn ra từ 7 giờ đến 17 giờ cùng ngày. Cũng theo thông tin người dân địa phương cung cấp thì khu vực các tàu hút, tàu cuốc hoán cải này đang khai thác cát hiện không có doanh nghiệp nào được cấp phép.
Theo hình ảnh từ những video người dân cung cấp mới đây, những tàu cuốc này ngang nhiên hoạt động trong khu vực cắm biển cảnh báo sạt lở, cấm khai thác cát. Tại khu vực tàu cuốc hoán cải đang khai thác cát, tình trạng khai thác sạt lở diễn ra nghiêm trọng. Hàng trăm mét vuông đất soi bãi của người dân đã bị đánh sập xuống lòng sông Lô, tạo thành những vách đất dựng đứng gây nguy hiểm cho người và vật nuôi. Không những vậy, an toàn của tuyến đê Tuyên Quang cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Toàn bộ quá trình khai thác cát của các tàu này được cảnh giới hết sức cẩn thận. Chỉ cần xuất hiện phương tiện có biển lạ gần khu vực đang diễn ra hoạt động khai thác cát thì các đối tượng đang khai thác dưới sông đã nắm được. Mỗi khi “có động”, các đối tượng này sẵn sàng đưa phương tiện sang địa phận tỉnh Phú Thọ để “né” sự kiểm tra của cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang. Thậm chí, sẵn sàng chấp nhận để phương tiện nằm bờ nhiều ngày liền. Sau khi “yên ắng” mới hoạt động trở lại.
Về hậu quả của hành vi khai thác cát, sỏi trái phép, người dân xã Trường Sinh có lẽ hiểu hơn ai hết. Đất đai nhà cửa lần lượt sẽ bị "kéo" xuống lòng sông, đến tuyến đê Tuyên Quang đoạn chảy qua địa bàn cũng bị ảnh hưởng. Tình trạng sạt lở đất bãi cũng diễn ra khá nghiêm trọng, nhất là ở các thôn Hưng Thành, Lương Thiện, Hưng Thịnh, Hưng Ðịnh, Phú Thọ, Quyết Thắng.
Trả lời báo Đại biểu Nhân dân, Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường về tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn ông Đỗ Xuân Trường – Chủ tịch UBND xã Trường Sinh Đỗ Xuân Trường, cho biết: “Anh em tổ công tác đặc biệt của tỉnh, huyện đang phối hợp với lực lượng cán bộ của xã kiểm tra xử lý. Đồng chí Trưởng công an huyện yêu cầu báo cáo với đồng chí Chủ tịch huyện ngày 2 lần về tình trạng khai thác cát sỏi ngày 2 lần bằng hình ảnh, văn bản”.
Cũng theo ông Trường thì hiện các doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn chưa chấp hành nghiêm quy định về khai thác cát, hiện chính quyền địa phương đã lập hồ sơ, đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang xử phạt hành chính về hành vi không cắm biển báo, không lập danh giới.
Ngoài ra theo ông Trường cho biết thì trên địa bàn hiện chỉ có Công ty Cổ phần Khoáng sản Tân Hà (phường Tân Hà, TP. Tuyên Quang) được cấp phép khai thác cát.
Tuy nhiên, đến nay, doanh nghiệp này cũng chưa bàn giao cụ thể mốc giới khu vực được phép khai thác, cắm biển báo, thả phao neo theo quy định nên gây rất nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý. UBND xã đã có văn bản báo cáo các cấp thẩm quyền có liên quan về sự việc trên.
Trong khi đó, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương Giang Tuấn Anh cho biết: Cách đây một tuần, ông cũng nhận được thông tin phản ánh về tình trạng khai thác cát sỏi ngoài phạm vi danh giới được cấp phép khai thác trên địa bàn xã Trường Sinh.
Tuy nhiên, khi đến kiểm tra thực địa thì không phát hiện được phương tiện khai thác. Huyện đã ghi nhận ý kiến của cử tri, Nhân dân và có báo cáo gửi cơ quan có thẩm quyền cấp trên.
Liên quan đến trường hợp của Công ty Tân Hà, ông Giang Tuấn Anh cho biết: UBND huyện đã yêu cầu doanh nghiệp dừng khai thác cho đến khi hoàn thành thủ tục cắm mốc, cắm biển báo, thả phao neo theo quy định.
Đối với hành vi khai thác ngoài giờ, Chủ tịch UBND huyện khẳng định là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, huyện cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý do thiếu phương tiện giám sát hoạt động khai thác cát sỏi của doanh nghiệp trên địa bàn.
Sau khi nhận được phản ánh của người dân, huyện cho người xuống kiểm tra, nếu phát hiện tổ chức ghi hình, báo cáo các cơ quan chuyên môn của tỉnh xử lý theo quy định.
Liên quan đến sự việc xảy ra vào ngày 16.9, ông Giang Tuấn Anh cho biết, chưa nắm được sự việc và cũng chưa nhận được báo cáo từ phía UBND xã Trường Sinh hay sự có mặt của Đoàn kiểm tra liên ngành như lời Chủ tịch UBND xã trao đổi.