0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ tư, 22/04/2020 07:48 (GMT+7)

Từng bước nới lỏng nhưng phải có kiểm soát đúng mức

Thủ tướng Chính phủ cho biết, tình hình dịch bệnh có chuyển biến tốt hơn, cần phải nới lỏng từng bước và kiểm soát đúng mức để không có tình trạng chủ quan.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia, tính đến 12h ngày 20/4, thế giới ghi nhận hơn 2,4 triệu trường hợp mắc tại 212 quốc gia, vùng lãnh thổ, hơn 165.000 trường hợp tử vong, trong đó số tử vong tại cao nhất tại Mỹ với 40.565 trường hợp.

Tại Việt Nam, trong tuần qua chỉ ghi nhận thêm 8 trường hợp mắc mới, trong khi đó có 64 bệnh nhân đã khỏi bệnh. Số mắc mới trong tuần cao nhất được ghi nhận vào ngày 13/4 với 5 trường hợp, 3 ngày sau đó mỗi ngày chỉ ghi nhận thêm 1 trường hợp và liên tiếp 4 ngày từ 17-20/4 không ghi nhận trường hợp mắc mới. 208 trường hợp đã khỏi bệnh (chiếm 78% tổng số bệnh nhân). Ba bệnh nhân diễn biến nặng (số 20, 91, 161) đang được điều trị tích cực và đã có tiến triển trong những ngày gần đây.

Điều đó cho thấy tình hình dịch hiện nay tại Việt Nam đang được kiểm soát tốt và cho thấy hiệu quả của việc thực hiện cách ly xã hội trong những tuần vừa qua.

Tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo Quốc gia, hiện chúng ta vẫn chưa thể chủ quan trước tình hình này. Các đơn vị chức năng vẫn cần tiếp tục giám sát chặt chẽ các ổ dịch mới phát hiện tại Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội) và rà soát, theo dõi các trường hợp tiếp xúc gần với các ca nhiễm mới gần đây.

Bên cạnh đó, do dịch đã lây lan ra cộng đồng nên vẫn tiềm ẩn các nguy cơ lây nhiễm và có thể bùng phát thành ổ dịch bất cứ lúc nào, do đó, Ban chỉ đạo quốc gia yêu cầu các cơ quan y tế, chính quyền địa phương và mỗi người dân cần tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tích cực, nâng cao ý thức phòng bệnh của mỗi cá nhân, không được phép chủ quan, lơ là.

thu tuong nguyen xuan phuc

Phiên họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 sẽ đưa ra quyết định về việc hạ mức độ kiểm soát nhưng công tác nới lỏng hạn chế sẽ được tiến hành từng bước để tránh tâm lý chủ quan.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, các địa phương nhất là TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua đã làm tốt công tác triển khai cách ly xã hội theo tinh thần kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 vào ngày 15/4. Ban Chỉ đạo Quốc gia đã tham khảo nhiều kênh thông tin, ý kiến chuyên gia để tham mưu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý những vấn đề cụ thể.

Thủ tướng cho rằng tình hình phòng chống COVID-19 tại Việt Nam đã có nhiều tiến triển tốt hơn so với ngày 15/4, hiện nước ta đã có thể nới lỏng từng bước nhưng vẫn phải kiểm soát đúng mức; tránh tư tưởng chủ quan, coi thường để dịch bệnh quay trở lại.

Nhắc lại một số sự việc buông lỏng kiểm soát dẫn đến bùng phát dịch trở lại ở một số nơi trên thế giới, Thủ tướng nhấn mạnh, việc thực hiện chủ trương cách ly xã hội cần tiếp tục được thực hiện nghiêm và đến ngày 22/4 sẽ có những biện pháp mới.

Đánh giá tình hình phòng, chống dịch bệnh, Thủ tướng cho rằng còn 2 thành phố có nguy cơ cao và sẽ được tiếp tục xem xét vào ngày 22/4. Bên cạnh đó, các địa phương thuộc các nhóm nguy cơ đã giảm xuống nhiều so với trước đây. Ban Chỉ đạo báo cáo Thủ tướng Chính phủ để công bố và quyết định các chủ trương phù hợp trong ngày 22/4; đồng thời xem xét phương án hoạt động trở lại bình thưởng trong tình hình dịch bệnh vẫn xảy ra ở toàn cầu và chưa có vắc xin chữa trị.

Tại cuộc họp, Thủ tướng cũng lưu ý nguy cơ lây nhiễm của bệnh dịch vẫn còn cao, do đó, đòi hỏi các địa phương cần tiếp tục kiên định thực hiện các nguyên tắc phòng, chống dịch ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng dập dịch khi phát hiện, chữa trị theo phương châm 4 tại chỗ với tinh thần không lơ là, chủ quan, thỏa mãn.

Về những biện pháp cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục thực hiện cách ly tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam, đặc biệt là phát hiện nhanh những người nhiễm bệnh; nhanh chóng phát hiện ca bệnh để khoanh vùng dập dịch và chữa trị hiệu quả; tăng cường ứng dụng công nghệ mới trong chữa trị; từng bước nới lỏng các hoạt động xã hội để phát triển kinh tế sau thời gian 20 ngày cách ly xã hội.

Trong phiên họp ngày 22/4 tới, dựa trên cơ sở tình hình thực tế, Thủ tướng sẽ đưa ra quyết định về việc hạ cấp cấp độ nguy cơ tại các địa phương; đồng thời tin tưởng ngày càng có nhiều tỉnh, thành phố sẽ trở lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên thời điểm này, vẫn phải tiếp tục thực hiện các biện pháp theo tinh thần Kết luận của Thủ tướng tại phiên họp ngày 15/4.

Thủ tướng lưu ý tinh thần tự quản tại các địa phương, vận động người dân đeo khẩu trang nơi công cộng, không tập trung đông người, không đi lại khi không cần thiết và hạn chế một số ngành, công việc không được khuyến khích hoạt động trong thời điểm này như: lễ hội, sự kiện thể thao đông người, hoạt động massage, karaoke, vũ trường...

Thủ tướng hoan nghênh và giao Bộ GD&ĐT xem xét các phương án tổ chức dạy và học trong thời gian tới, nhất là việc tổ chức các kỳ thi tốt nghiệp, xét tuyển Đại học sắp tới.

Về các kiến nghị của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng đồng ý với đề nghị của Bộ Y tế sửa đổi Nghị quyết số 20/NQ-CP về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 (theo hướng tăng cường xuất khẩu trên cơ sở chúng ta đã có cơ số dự trữ cần thiết).

Thủ tướng nhất trị việc tiếp tục giao nhiệm vụ cho Tổ 4 người (gồm Thứ trưởng các Bộ: Y tế, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Quốc phòng) phối hợp quyết định cho phép các chuyến bay đơn lẻ đón người về Việt Nam, trên cơ sở diễn biến dịch bệnh trong nước và quốc tế, nhu cầu về nước của công dân Việt Nam, khả năng tổ chức tiếp nhận, cách ly và tổ chức các chuyến bay.

Thủ tướng giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố xác định cấp độ nguy cơ cụ thể của từng huyện, xã, thậm chí thôn, bản, khu vực dân cư địa phương và có hình thức áp dụng các biện pháp phù hợp với diễn biến thực tế của dịch bệnh tại địa phương.

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo

Bạn đang đọc bài viết Từng bước nới lỏng nhưng phải có kiểm soát đúng mức. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới