Tưng bừng lễ hội đầu năm trên khắp miền Tổ quốc
Mỗi dịp Tết đến xuân về, trên khắp miền Tổ quốc lại tưng bừng mở hội thu hút du khách khắp nơi nô nức về tham dự, đồng thời cũng là để thể hiện lòng thành, cầu mong một năm bình an, may mắn. Dưới đây là một vài lễ hội nổi tiếng.
Hội chùa Keo
Hội chùa Keo được tổ chức tại Chùa Keo (thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Lễ hội được tổ chức vào hai kỳ trong năm: Hội Xuân được tổ chức vào ngày 4 Tết Nguyên Đán và Hội Thu được tổ chức từ ngày 13 đến 15 tháng 9 âm lịch.
Hội chùa Keo với tục thờ thiền sư Không Lộ, theo xuân thu nhị kỳ đã có sức cuốn hút mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp cư dân trong vùng. Hội vui xuân chùa Keo xưa, ngoài lễ Phật là các cuộc đua tài giải trí gắn với sinh hoạt của cư dân nông nghiệp, trong đó, đáng chú ý là ba trò thi: bắt vịt, nấu cơm và ném pháo.
Lễ hội chùa Hương
Đi lễ chùa đầu năm không thể bỏ qua lễ hội chùa Hương bắt đầu từ ngày mùng 6 tháng Giêng cho đến hết tháng 3 Âm lịch. Nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, hàng năm chùa Hương đón cả triệu lượt khách hành hương từ khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc.
Đây là lễ hội kéo dài nhất Việt Nam, không chỉ là địa điểm linh thiêng để ghé thăm đầu năm cầu may mắn, lễ hội chùa Hương còn là nơi hội tụ các sinh hoạt văn hóa dân tộc độc đáo như bơi thuyền, leo núi và các chiếu hát chèo, hát văn …
Lễ khai ấn đền Trần
Lễ khai ấn đền Trần diễn ra giữa đêm 14 và mở đầu cho ngày 15 tháng Giêng, tại Khu di tích đền Trần phường Lộc Vương, TP.Nam Định, tỉnh Nam Định. Đây là sự hồi ảnh của tập tục cổ. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, thường từ ngày 13 đến 15 tháng Giêng hàng năm. Đây là một trong những lễ hội đầu xuân nổi tiếng nhất Việt Nam nhằm tri ân công đức các vị vua Trần. Hội mở đầu bằng lễ khai ấn bắt đầu từ giờ Tý. Ấn được phát tại 3 nhà là nhà Giải Vũ, nhà trưng bày đền Trùng Hoa và một điểm trong khu vực vườn cây đền Trần.
Hội Lim
Chính hội của Hội Lim được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Hội Lim được coi là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hóa Kinh Bắc.Hội Lim được mở đầu bằng lễ rước. Đoàn rước với đông đảo người dân tham gia trong những bộ lễ phục ngày xưa, sặc sỡ sắc màu và vô cùng cầu kì, đẹp mắt kéo dài tới cả gần km. Trong ngày lễ, có nhiều nghi lễ và tục trò dân gian nổi tiếng, trong đó có tục hát thờ hậu. Toàn thể quan viên, hương lão, nam đinh của các làng xã thuộc tổng Nội Duệ phải tề tựu đầy đủ tại lăng Hồng Vân để tế lễ hậu thần. Trong khi tế có nghi thức hát quan họ thờ thần.Hội Lim là lễ hội lớn của vùng Kinh Bắc, với những hoạt động lễ và hội phong phú, gần như hội đủ những hoạt động văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh của các lễ hội trên vùng quê Bắc Ninh - mảnh đất có nhiều lễ hội dân gian.
Lễ hội cũng là dịp để các Liền anh, Liền chị có cơ hội được giao lưu, hát giao duyên, thể hiện giọng ca và truyền thống quan họ rất riêng ở Bắc Ninh.Ngoài ra, tại lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian như: đấu võ, đấu vật, đấu cờ, thi dệt cửi, nấu cơm,...
Lễ hội núi Bà Đen
Lễ hội núi Bà Đen (Tây Ninh) là một trong những lễ hội lớn nhất miền Nam. Lễ hội bắt đầu diễn ra từ mùng 4 Tết và kéo dài suốt tháng Giêng. Tuy nhiên, bắt đầu từ chiều 30 Tết cho đến hết tháng Giêng Âm lịch du khách thập phương đã đổ về đây dâng hương, cầu bình an, may mắn cho bản thân, gia đình. Ngoài ra, du khách có thể ngắm phong cảnh hùng vĩ, tận hưởng không khí nơi đền chùa thiêng liêng.
Lễ hội đền Đức Thánh Trần
Lễ hội đền Đức Thánh Trần là một trong những lễ hội tâm linh lớn nhất của TP Hồ Chí Minh. Lễ hội được diễn ra từ ngày mùng 8 đến ngày 10 tháng Giêng Âm lịch hàng năm.
Lễ hội diễn ra nhằm tri ân công đức Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Đồng thời là dịp để giáo dục truyền thống, lịch sử cho thế hệ thanh niên kế cận tiếp bước.
Lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu (Bình Dương)
Lễ hội diễn ra từ ngày 13 đến 15 tháng Giêng. Đây là một lễ hội dân gian mang những nét văn hóa độc đáo riêng của vùng Ðông Nam Bộ. Theo tín ngưỡng của người Hoa, bà Thiên Hậu là một vị thần phò trợ cho họ trong những chuyến đi dài trên biển, tiếp đến là che chở cho họ ở những vùng đất mới.
Tương truyền bà là người có thật, tên gọi Lâm Mị Châu người Phúc Kiến, đời Tống với những biệt tài rất đặc biệt từ lúc còn nhỏ như nghe và nhìn thấy một sự vật cách xa hàng vạn dặm.
Điểm nhấn của ngày chính lễ là nghi thức rước kiệu bà đi một vòng quanh thành phố. Sau đó, mọi người có thể vào viếng Bà, thắp nén hương thơm để tưởng nhớ tới công đức của Bà.
Lễ hội Dinh Cô
Lễ hội Dinh Cô diễn ra từ ngày 10 tới ngày 12/2 Âm lịch tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Nơi đây thờ bà Lê Thị Hồng Thủy – sau khi chết xác trôi dạt vào bờ được người dân chôn cất cô và lập miếu thờ trên đồi cao.
Vào ngày chính hội, du khách đều cầm trên tay một cành huệ trắng – tượng trưng của sự tinh khiết của cô gái và một nén nhang để thắp trên bàn thờ. Và hàng trăm ngàn ghe thuyền xếp hàng ngay ngắn trên biển để chuẩn bị cho nghi lễ “Nghinh Cô” đầy tôn kính và linh thiêng.
Thanh Vân