Trước giờ G, loạt ngân hàng quy mô vừa và nhỏ 'tăng tốc' đăng ký giao dịch trên UPCoM
Yêu cầu 100% ngân hàng phải niêm yết vào năm 2020 dường như khó thực hiện khi thị trường chưa thuận lợi.
Năm 2019, hầu hết các ngân hàng đều đã lên kế hoạch cho việc niêm yết và đăng ký giao dịch. Tuy nhiên, hết năm vẫn không có ngân hàng nào mới niêm yết.
Một loạt kế hoạch theo yêu cầu đã được công bố. Đơn cử như MSB, Nam A Bank, OCB đều cho biết sẵn sàng niêm yết khi điều kiện thị trường thuận lợi. Các kế hoạch này dự định sẽ được triển khai trong cuối năm 2019 hoặc nửa đầu năm 2020.
Cũng vào cuối năm 2019, Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) đã nhận hồ sơ niêm yết gần 1,175 tỷ cổ phiếu MSB (Ngân hàng Hàng hải) trên sàn này. MSB được kỳ vọng là gương mặt mới nhất của ngành ngân hàng chào sàn năm 2020, bổ sung cho danh mục 10 cổ phiếu ngân hàng đang được giao dịch trên sàn HOSE.
Tương tự, OCB đã được chấp thuận bán 11% vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để chuẩn bị niêm yết trên HOSE. Hay như Nam A Bank, bên cạnh kế hoạch niêm yết, nhà băng này cũng được NHNN có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ từ hơn 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng.
Thế nhưng, trong 4 tháng đầu năm nay, diễn biến dịch Covid-19 kéo dài đã khiến các kế hoạch này bị chậm lại, chưa có thông tin mới sau các kế hoạch đã được công bố.
Theo thống kê thì trên cả 2 sàn HOSE, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và thị trường UPCoM, tính tới quý 1/2020, mới có 17 nhà băng niêm yết và đăng ký giao dịch gồm: VCB, CTG, BID, ACB, EIB, STB, SHB, MB, TCB, HDB, TPB, NVB, LPB, VIB, VBB, BAB, VPB.
Đây là con số khiêm tốn so với tổng 31 ngân hàng thương mại cổ phần đang hoạt động tại Việt Nam.
Ngân hàng quy mô vừa và nhỏ "tăng tốc" lên UPCoM trước giờ G
Trong Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, được Thủ tướng phê duyệt cuối tháng 2/2019, đã đề ra một loạt giải pháp cơ cấu lại thị trường. Trong đó, việc bắt buộc các ngân hàng thương mại (NHTM) lên sàn là một trong các biện pháp nhằm đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường.
Cụ thể, Đề án yêu cầu thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các NHTM cổ phần theo hướng đến hết năm 2020, toàn bộ các NHTM phải niêm yết trên thị trường chính thức HOSE, HNX hoặc đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Trước áp lực trên, từ tháng 5/2020 đến nay, phía các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ đang chạy nước rút hoàn tất thủ tục đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM.
Cụ thể, đầu tháng 9/2020, Nam A Bank đã đăng ký giao dịch cổ phiếu NAB trên thị trường UPCoM tại HNX.
Theo đó, hơn 389 triệu cổ phiếu của Nam A Bank đã được lưu ký tại VSD, với mã chứng khoán là NAB. Giá trị chứng khoán đăng ký tương đương hơn 3.890 tỷ đồng.
Đồng thời, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cũng có thông báo về tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài của mã chứng khoán NAB là 30% vốn điều lệ. Hiện cổ đông lớn nhất của ngân hàng là Công ty TNHH Rồng Thái Bình Dương với tỷ lệ sở hữu gần 11% và chưa có cổ đông lớn nước ngoài.
Ngày 1/9/2020 vừa qua, Nam A Bank thông báo thay đổi vốn điều lệ từ 3.890 tỷ đồng lên mức hơn 4.564 tỷ đồng, tương ứng tăng thêm hơn 67,4 triệu cổ phiếu thông qua chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu, phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và chào bán cổ phiếu riêng lẻ.
Tại Saigonbank, sau nhiều lần thông báo đăng ký giao dịch trên UPCoM nhưng rồi lại “biệt vô âm tín”. Cho tới gần đây nhất, ngân hàng mới chính thức thông báo cổ phiếu Saigonbank sắp lên UPCoM. Theo đó, HNX chấp thuận cho Saigonbank đăng ký giao dịch 308 triệu cổ phiếu với mã SGB. Vốn điều lệ của ngân hàng là 3.080 tỷ đồng, xếp cuối trong ngành.
Trước Saigonbank, HNX cũng đã thông báo chấp thuận đăng kí giao dịch cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank).
Theo đó, Viet Capital Bank sẽ đưa 317,1 triệu cổ phiếu lên giao dịch tại thị trường UPCoM với mã giao dịch BVB. Ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu này là ngày 9/7 với giá tham chiếu trong phiên ở mức 10.700 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, có tới 21 ngân hàng được phép giao dịch chứng khoán trên thị trường tập trung, bao gồm 10 mã niêm yết tại HOSE là VCB (Vietcombank), CTG (Vietinbank), BID (BIDV), TCB (Techcombank), MBB (MBBank), VPB (VPBank), HDB (HDBank), EIB (Eximbank), STB (Sacombank), TPB (TPBank); 3 cổ phiếu niêm yết trên sàn HNX là ACB, SHB, NVB (NCB) và 6 cổ phiếu trên sàn UPCoM là LPB (LienVietzPostBank), VIB, VBB (VietBank), BAB (Bac A Bank), KLB (Kienlongbank) và BVB (Ngân hàng Bản Việt); NAB (Nam A Bank) và SGB (Saigonbank).
Thực tế, thị trường chưa thuận lợi, đồng thời lộ trình tăng vốn, bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại đang quá trình đàm phán nên trước mắt các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ đã chọn đưa cổ phiếu lên UPCoM, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ trước khi năm tài chính 2020 kết thúc.
Mới đây nhất, HOSE vừa thông báo đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).
Theo đó, Ngân hàng đăng ký niêm yết gần 1.76 tỷ cp SHB trên sàn HOSE, tương ứng vốn điều lệ hơn 17,558 tỷ đồng.
Trước đó, ĐHĐCĐ 2020 của SHB cũng đã thông qua kế hoạch chuyển sàn niêm yết từ HNX sang HOSE trong năm nay với lý do thực hiện chủ trương tái cấu trúc thị trường chứng khoán Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ sau khi Đề án Thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt nam trên cơ sở sáp nhập sàn HNX và HOSE.
Không chỉ SHB, ACB cũng có kế hoạch sẽ chuyển sàn niêm yết từ HNX sang HOSE trong năm 2020 nay.
Tính đến hiện tại, BaoViet Bank, VietA Bank, … vẫn chưa có động tĩnh gì đối với kế hoạch lên sàn mặc dù trước đó VietA Bank đã nhiều lần nhắc đến kế hoạch lên sàn trong các kỳ đại hội thường niên.
Yêu cầu “lên sàn” đối với các cổ phiếu ngân hàng còn được đề ra trước đó tại một văn bản quan trọng khác là Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 8/2018.
Ngoài ra, NHNN và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cũng nhiều lần có công văn nhắc chủ trương, lộ trình tất cả NHTM phải niêm yết trên sàn chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch những năm trước đây.
Yêu cầu đưa cổ phiếu lên sàn được nhắc lại nhiều lần, điều đó cho thấy tính cấp bách và tầm quan trọng của việc này.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm