Trung Quốc có đủ điện để xuất khẩu cho Việt Nam?
Kết nối lưới điện xuyên biên giới là tận dụng công suất dư thừa ở quốc gia này cấp điện cho quốc gia khác (do sự khác nhau về tiêu thụ theo thời gian).
Hệ thống điện của Trung Quốc có quy mô lớn nhất thế giới (cả về công suất đặt, sản lượng và năng lực truyền tải). Đến cuối tháng 4 năm 2023, công suất lắp đặt của toàn hệ thống điện quốc gia này đạt 2.650 GW, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2022.
TT | Loại nguồn | Công suất đặt, GW |
1 | Nhiệt điện than | 1.130 |
2 | Nhiệt điện khí | 120 |
3 | Sinh khối | 42,31 |
4 | Thủy điện | 420 |
5 | Điện gió | 380 |
6 | Điện mặt trời | 440 |
7 | Điện hạt nhân | 56,76 |
8 | Các nguồn khác | 60 |
Tổng | 2.650 |
Nguồn: China Electricity Council.
Để đáp ứng cho nền kinh tế đất nước, năm 2022 Trung Quốc phải khai thác 4,5 tỷ tấn than và nhập khẩu 290 triệu tấn than. Lượng than tiêu thụ ở Trung Quốc lớn hơn lượng than tiêu thụ của phần còn lại của thế giới.
Về dầu, khí, lượng dầu mỏ nhập khẩu trong năm 2022 của Trung Quốc là 508 triệu tấn, lớn hơn gấp đôi lượng khai thác trong nước (205 triệu tấn), còn lượng khí đốt nhập khẩu đạt 109 triệu tấn và sản lượng khai thác trong nước là 218 tỷ m3 (tương đương 158 triệu tấn).
Về đặc điểm tiêu thụ điện (như đồ thị ở dưới), Trung Quốc có mức tiêu thụ cao nhất vào tháng 7, 8 mùa hè và tháng 12 vào mùa đông. Tiêu thụ điện thấp nhất là vào tháng 4. Chênh lệch giữa tháng cao nhất và tháng thấp nhất là khoảng 230 tỷ kWh (gần bằng với lượng điện tiêu thụ cả năm của Việt Nam). Còn chênh lệch sản lượng điện tiêu thụ giữa tháng 6 và tháng cao điểm (tháng 8) là khoảng 100 tỷ kWh.
Đỉnh phụ tải của Trung Quốc rơi vào tháng 8, năm nay dự kiến sẽ là 1.370 GW, bằng một nửa tổng công suất đặt, tương đương công suất đặt của nhiệt điện và điện hạt nhân cộng lại. Trong khi đó, quốc gia này còn có 420 GW từ nguồn thủy điện và 820 GW điện gió, mặt trời.
Dù chỉ có một múi giờ chính thức (GMT+8), đất nước Trung Quốc trải trên 5 múi giờ khác nhau, nên với hệ thống truyền tải phát triển, điện mặt trời tại các vùng ở Trung Quốc có thể bù đắp cho nhau. Trung Quốc lệch 1 giờ so với Việt Nam, nên ngay trong ngày, đỉnh phụ tải cũng lệch nhau.
Trong tháng 4/2023, sản lượng thủy điện Trung Quốc giảm 25,9% so với cùng kỳ năm ngoái, do lượng nước về các hồ thủy điện thấp. Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng hạn hán của thời tiết giống như Việt Nam. Riêng tỉnh Vân Nam, thủy điện giảm tới 41,9% so với cùng kỳ năm ngoái. (Tỉnh Vân Nam cấp điện cho tỉnh Lào Cai và Hà Giang nên có liên quan tới Việt Nam).
Tuy nhiên, vì ngay cả phụ tải đỉnh cũng chưa vượt qua được công suất có khả năng điều độ, nên nhìn chung lưới điện của Trung Quốc vẫn an toàn khi mất tới 25,9% công suất thủy điện. Cao điểm tiêu thụ về công suất của Việt Nam vào cuối tháng 5 và trong tháng 6, nên không bị trùng với cao điểm của Trung Quốc.
Đến tháng 7 nhu cầu công suất đỉnh của Việt Nam có thể bắt đầu giảm do vào mùa mưa từ Bắc vào Nam. Lúc đó có thể giảm lượng điện phải nhập khẩu từ Trung Quốc, hoặc cắt hẳn (nếu hợp đồng cho phép).
Như trên đã nêu, chênh lệch sản lượng điện giữa tháng 6 và tháng 8 của quốc gia này lên tới 100 tỷ kWh, nên việc xuất khẩu vài chục triệu kWh/tháng cho Việt Nam không hề ảnh hưởng đến khả năng cấp điện của phía Trung Quốc.
Về thị trường điện, Trung Quốc đã đổi sang chế độ giá thả nổi (trong biên độ 20%) theo thị trường đối với các hộ tiêu thụ điện lớn, nên giá điện bán buôn sang Việt Nam cũng sẽ được áp dụng theo giá thả nổi (dựa theo giá than ở tỉnh Quảng Tây). Nhưng giá đó sẽ không quá đắt, vì Trung Quốc chủ yếu dùng than nội địa và hầu hết các nhà máy điện được đặt ở gần mỏ than.
Trong tương lai dài hạn, theo chúng tôi, tự chủ về điện năng của Việt Nam vẫn được ưu tiên. Nhưng bên cạnh đó, khi nguồn điện năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng cao, thì vấn đề kết nối lưới điện xuyên biên giới cần phải được coi trọng để tận dụng sự khác biệt về thời tiết và múi giờ giữa các nước, không chỉ với Trung Quốc, mà còn với các nước Đông Nam Á.