0915 15 67 76 [email protected]
Thứ hai, 25/04/2022 08:39 (GMT+7)

TP.HCM sẽ hạn chế dự án gần sông Sài Gòn không phục vụ cộng đồng

Quy hoạch sông Sài Gòn giai đoạn 2020 - 2045 sẽ hướng đến không gian phục vụ cộng đồng nhiều hơn, cùng với đó là hạn chế sự xâm hại và những dự án không hướng đến mục tiêu phục vụ cộng đồng.

Đó là thông tin được ông Nguyễn Thanh Nhã - Giám đốc Sở QH&KT TP.HCM đưa ra tại Hội thảo Quy hoạch phát huy tiềm năng và lợi thế sông Sài Gòn diễn ra vào ngày 22/4.

Mong người dân chia sẻ

Ông Nhã cho biết, Sở QH&KT TP.HCM được giao chuẩn bị đề án “phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ dọc sông Sài Gòn giai đoạn 2020 - 2045”. Đến nay, các bước đi rất bài bản từ ý tưởng đến quy hoạch.

Theo đó, Sở QH&KT đã đề xuất UBND TP.HCM tổng rà soát lại quy hoạch sông Sài Gòn trong suốt chiều dài từ Củ Chi tới mũi Đèn Đỏ. Trong đó, tập trung rà soát khu vực đã và đang thực hiện theo quy hoạch cùng những khu vực phát triển không phù hợp với chính sách chiến lược của sông Sài Gòn rồi đưa ra giải pháp cụ thể.

Trong quá trình lập quy hoạch sông Sài Gòn, Sở QH&KT TP.HCM sẽ xác định không gian phục vụ cộng đồng nhiều hơn, cùng với đó là hạn chế sự xâm hại và những dự án không hướng đến mục tiêu phục vụ cộng đồng.

TP.HCM sẽ hạn chế dự án gần sông Sài Gòn không phục vụ cộng đồng - Ảnh 1
Nhiều đoạn 2 bên bờ sông Sài Gòn đang bị bức tử bởi các dự án.

Bên cạnh đó, Sở QH&KT đề xuất UBND Thành phố những định hướng về cơ chế, chính sách tạo nguồn lực phát triển sông Sài Gòn và mở ra những điều kiện tham gia đầu tư cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân đối với sự phát triển của sông Sài Gòn.

Để đạt được mục đích trên, ông Nguyễn Thanh Nhã cho rằng, cần những cơ chế đặc thù phát triển không gian dọc sông Sài Gòn. Theo ông Nhã, quy hoạch phát triển sông Sài Gòn với tinh thần ổn định cuộc sống người dân tối đa. Tuy nhiên, thành phố không có nhiều quỹ đất nên mong người dân chia sẻ cùng thành phố. Nếu chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư hợp lý và tốt đẹp thì người dân sẽ chấp hành di dời.

Được biết, theo kế hoạch chỉnh trang đô thị ven các kênh rạch từ nay đến năm 2025 mà TP.HCM ban hành hồi cuối năm 2021 ước tính, ngân sách thành phố cần hơn 28.400 tỉ đồng (tương đương gần 1,3 tỉ USD) để di dời gần 14.000 hộ dân ven các kênh rạch.

Theo ông, Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, để hoàn thành mục tiêu đề ra, TP.HCM cần phải có khoảng 30.000 căn hộ để tái định cư và cần khoảng 15.000 - 20.000 căn hộ để chủ đầu tư bán thu hồi vốn. Trong khi đó, việc chỉnh trang chủ yếu là ở các quận nội thành cũ bây giờ hệ số sử dụng đất, dân số đã hết, tầng cao cũng bị hạn chế.

Không thay đổi nhanh sẽ nhận hậu quả

KTS Hồ Viết Vinh cho rằng, sông Sài Gòn là bố cục chính của tổng thể TP.HCM. Phía Bắc thành phố có rừng Củ Chi, phía Nam có rừng Sác, rất giống với đô thị Paris. Đây như 2 lá phổi cân bằng hệ sinh thái. Do đó, KTS Hồ Viết Vinh cảnh báo nếu không thay đổi cách ứng xử với sông Sài Gòn thì chỉ một phần tư thế kỷ nữa chúng ta sẽ nhận hậu quả.

Nói về khai thác tiềm năng sông Sài Gòn, kỹ sư cầu đường Trần Văn Tường cho hay, hai bên bờ sông Sài Gòn có dải đất rộng lớn rất thuận lợi cho việc mở rộng không gian, làm đẹp cảnh quan, giải quyết giao thông và thoát nước… Trên 90% nguồn nước sạch cung cấp cho sinh hoạt của người dân TPHCM được lấy từ nguồn nước mặt sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Nên việc hạn chế các khu dân cư và nhà cao tầng dọc hai bên bờ chính là biện pháp ngăn ngừa từ xa, loại trừ cơ hội xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Sài Gòn.

Bên cạnh đó, sông Sài Gòn là nơi đẹp nhất dành cho cộng đồng khi không gian trung tâm đã quá tải, hầu hết các quỹ đất đều được xây dựng, nén chặt nhà cao tầng. Quỹ đất hai bên bờ sông Sài Gòn rất thích hợp làm dự án phục vụ cộng đồng, mở rộng không gian làm cảnh quan đẹp kết nối khu vực trung tâm và lân cận.

Từ đó, ông Trường đề nghị rà soát quỹ đất dọc dòng sông này và cần một chủ trương đúng đắn, thích hợp nhất để phát triển bền vững.

Theo ông Trường, cần xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm hành lang sông Sài Gòn; Dừng ngay và không cấp phép thêm các dự án ven sông, lấn mặt tiền sông. Cùng với đó, xem lại 83 dự án đầu tư nhà ở, khu phức hợp nhà ở thương mại, dịch vụ, khu công viên vui chơi giải trí với diện tích thống kê chưa đầy đủ đã hơn 454 ha.

"Để khai thác hiệu quả sông Sài Gòn cùng quỹ đất hai bên bờ, phải có tiêu chí rõ ràng theo một hệ thống xuyên suốt. Cần một quy hoạch tổng thể trọn vẹn trên cơ sở định hướng phát triển bền vững và có đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện theo lộ trình đề ra, tránh tư duy nhiệm kỳ", ông Tường nêu quan điểm.

Khánh Hưng

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM sẽ hạn chế dự án gần sông Sài Gòn không phục vụ cộng đồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bảo đảm quỹ đất cho dự án trọng điểm, cấp bách
Chiều 5/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc trực tiếp, trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về dự thảo quyết định điều chỉnh phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg.

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023
GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.