0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ bảy, 09/07/2022 13:30 (GMT+7)

TP.HCM chủ trương đầu tư hai dự án thoát nước hơn 16.000 tỷ đồng

Dự án cải thiện thoát nước lưu vực Tham Lương - Bến Cát và Tây Sài Gòn được thông qua chủ trương đầu tư. Dự kiến hoàn thành vào năm 2028.

Dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn và khu vực Tham Lương - Bến Cát được đại biểu HĐND TP.HCM khóa X, kỳ họp thứ 6 thông qua chủ trương đầu tư, vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á tổng cộng hơn 16.000 tỷ đồng.

Trong đó, dự án tại lưu vực Tây Sài Gòn, tổng vốn thực hiện là hơn 8.121 tỷ đồng. Vốn vay ưu đãi 6.961 tỷ đồng và vốn đối ứng là hơn 1.160 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công của ngân sách TP.HCM.

Đối với Dự án Tham Lương - Bến Cát có tổng vốn đầu tư 8.168 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ưu đãi 6.678 tỷ đồng và vốn đối ứng hơn 1.300 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công của ngân sách TP.HCM.

Hai dự án đóng vai trò cải thiện hệ thống thoát nước mưa, nước thải, tăng khả năng tiêu thoát nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngập nước do mưa, triều, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lưu vực Tây Sài Gòn và Tham Lương - Bến Cát.

Riêng Dự án kênh Tham Lương - Bến Cát có nhiệm vụ thoát nước, chống ngập cho 7 quận, huyện (quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh).

Đồng thời, hình thành tuyến giao thông thủy - bộ kết nối TP.HCM đi miền Tây; đi các tỉnh miền Đông như Bình Dương, Đồng Nai (không đi qua trung tâm thành phố) nhằm giảm kẹt xe, phát triển du lịch và vận chuyển hàng hóa; góp phần chỉnh trang cho khu vực và giải quyết ô nhiễm.

TP.HCM chủ trương đầu tư hai dự án thoát nước hơn 16.000 tỷ đồng - Ảnh 1
Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt đô thị, góp phần cải thiện đời sống, môi trường. (Ảnh internet)

Ngoài ra, dự án này được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt đô thị, góp phần cải thiện đời sống, môi trường cho khoảng 2 triệu dân trong lưu vực rộng gần 15.000 ha.

Được biết, kênh Tham Lương - Bến Cát có chiều dài hơn 20 km, là một phần của hệ thống kênh Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật, rạch Nước Lên, chảy qua địa bàn các quận Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, 12, Gò Vấp...

Nhiều năm nay, tuyến kênh này ô nhiễm trầm trọng, gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống người dân quanh khu vực bởi mùi hôi thối và nước bẩn.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, giai đoạn 2021-2025, TP.HCM cần hơn 100.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án trọng điểm về chống ngập, cải thiện hệ thống thoát nước và xây dựng nhà máy xử lý nước thải.

Trong đó, vốn ngân sách thành phố là hơn 31.400 tỷ đồng, còn lại các nguồn vốn khác từ Trung ương, xã hội hóa, ODA.

Hiện TP.HCM còn 15 tuyến đường chính thường xuyên ngập nước do mưa, gồm: Nguyễn Hữu Cảnh, Bàu Cát, Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (Cây Trâm cũ), Đặng Thị Rành, Bạch Đằng, Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, quốc lộ 1A, Phan Anh, Hồ Học Lãm.

Bên cạnh đó, có 4 tuyến đường thường xuyên ngập nước do triều cường, gồm: Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn, Lê Văn Lương, Quốc lộ 50.

Theo tính toán của Sở Xây dựng TP.HCM, thành phố cần hơn 100.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án trọng điểm về chống ngập, cải thiện hệ thống thoát nước và xây dựng nhà máy xử lý nước thải trong giai đoạn 2021-2025. Về phân bổ nguồn kinh phí, Sở đề xuất ngân sách thành phố hỗ trợ 31.400 tỷ đồng, còn lại các nguồn vốn khác sẽ huy động từ Trung ương, xã hội hóa, ODA.

Trong những năm qua, TP.HCM đã và đang nỗ lực cải tạo, khôi phục lại các kênh rạch bị ô nhiễm trầm trọng, với mục tiêu kéo giảm tình trạng ngập nước, ô nhiễm môi trường, đồng thời chỉnh trang lại bộ mặt đô thị. Với hy vọng biến kênh Tham Lương - Bến Cát trở thành kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thứ hai, TP.HCM chủ trương đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để cải tạo. Dự án “xanh hóa” dòng kênh này được khởi động từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai do chưa có nguồn vốn.

Theo Ban QLDA Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM, dự án đang chờ nguồn vốn vay, khi có tiền đầu tư mới có thể xác định được quy mô dự án. Hiện dự án đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng và đang tìm nhà đầu tư phù hợp để thực hiện.

Theo đó, kênh Tham Lương - Bến Cát có chiều dài hơn 32km. Dự án “xanh hóa” tuyến kênh này chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 gồm nạo vét bùn dưới kênh, làm đường dọc 2 bên kênh; Giai đoạn 2 sẽ thực hiện nhiều hạng mục như xây kè, làm đường dọc 2 bên kênh, xây dựng 2 cống ngăn triều ở 2 đầu và cuối kênh (cống rạch Nước Lên và cống Vàm Thuật)… Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 8.200 tỷ đồng, trong đó sẽ sử dụng 4.000 tỷ đồng từ nguồn Trung ương, còn lại là vốn đối ứng từ thành phố.

Những năm qua, TP.HCM đã có nhiều nỗ lực để ngăn chặn lấn chiếm, giảm thiểu ô nhiễm kênh rạch và hạn chế rác thải sinh hoạt xả thẳng ra môi trường, nhưng vẫn chưa giải quyết được tận gốc. Tình trạng kênh rạch bị ô nhiễm vẫn tái diễn. Nguyên nhân được đưa ra là do khó khăn về nguồn vốn để đầu tư, cải tạo các dự án. Hàng ngày, thành phố vẫn duy trì phương pháp thủ công là thuê công nhân đi ghe, thuyền trên kênh để vớt rác đưa lên bờ. Song đây chỉ là giải pháp hạn chế ô nhiễm chứ không thể giải quyết triệt để.

Theo TS Nguyễn Văn Hồng, Phân viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, để bảo vệ kênh rạch không bị ô nhiễm, thành phố cần đầu tư các trạm xử lý nước tập trung để gom về nhà máy xử lý. Kênh rạch nào có mật độ dân cư cao, ô nhiễm nặng thì ưu tiên đầu tư xây dựng trước. Do ngân sách có hạn nên không thể làm trong ngắn hạn, mà phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức người dân không xả rác thải, nước thải trực tiếp ra kênh rạch.

Trao đổi về vấn đề này, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, để giải quyết bài toán về vốn khi thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị, thành phố nên khuyến khích những giải pháp xã hội hóa. Sau khi chỉnh trang, làm sạch kênh, rạch thì giá trị nhà, đất sẽ tăng lên hàng chục lần. Đây là vấn đề kinh tế khả thi, trong đó Nhà nước lo bồi thường, giải tỏa, tư nhân lo phát triển dự án.

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng khoa Đô thị học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, thành phố nên tính toán giải pháp sử dụng nguồn lực tại chỗ để hồi sinh các kênh, rạch bị bồi lắng, ô nhiễm. Khi tiến hành dự án cải tạo, chỉnh trang kênh, rạch, cần tính toán mở rộng biên giải tỏa để có thêm quỹ đất sạch đấu giá, lấy nguồn lực đó triển khai dự án. Đồng thời, có thể triển khai xây dựng các chung cư, nhà cao tầng trên nguồn đất sạch đó để tái định cư tại chỗ cho người dân bị ảnh hưởng.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM chủ trương đầu tư hai dự án thoát nước hơn 16.000 tỷ đồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới