Tổng cục Đường bộ: Giảm thuế VAT, xả trạm thu phí khi ùn tắc
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các nhà đầu tư BOT, đơn vị cung cấp dịch vụ phân làn, phân luồng và có giải pháp phù hợp, không để xảy ra ùn tắc giao thông tại khu vực trạm thu phí.
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện vừa ký văn bản yêu cầu các nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án BOT; Công ty cổ phần giao thông số Việt Nam (VDTC) và Công ty trách nhiệm hữu hạn thu phí tự động VETC triển khai giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH16 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, ban hành ngày 11/1/2022.
"Các đơn vị triển khai thực hiện ngay các chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam áp dụng mức thuế giá trị gia tăng 8% đối với giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại các trạm thu phí của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ Giao thông Vận tải quản lý," ông Nguyễn Văn Huyện yêu cầu.
Các nhà đầu tư BOT, đơn vị cung cấp dịch vụ phải công khai mức giá, chuẩn bị tiền có mệnh giá nhỏ để trả lại cho chủ phương tiện; tổ chức đảm bảo giao thông khu vực trạm thu phí; phân làn, phân luồng và có giải pháp phù hợp, không để xảy ra ùn tắc giao thông tại khu vực trạm thu phí; mở barie giải tỏa phương tiện trong trường hợp ùn tắc tại khu vực trạm thu phí.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị liên quan hoàn lại 2% tiền thuế giá trị gia tăng trong giá vé tháng, vé quý cho chủ phương tiện đã mua từ ngày 1/2-31/12.
Số tiền hoàn lại bằng số tiền chênh lệch giữa giá vé bao gồm 10% thuế giá trị gia tăng (chủ phương tiện đã mua còn hiệu lực từ ngày 1/2 trở đi) và giá vé bao gồm 8% thuế giá trị gia tăng (được áp dụng từ ngày 1/2) chia cho 30 ngày (đối với vé tháng) hoặc chia cho 90 ngày (đối với vé quý) nhân với số ngày còn hiệu lực của vé tính từ ngày 1/2.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải có công điện yêu cầu triển khai giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP đối với giá dịch vụ sử dụng đường bộ.
Theo nhận định của Bộ Giao thông Vận tải, việc thay đổi mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ có thể sẽ ảnh hưởng tới tốc độ giao dịch và có khả năng gây ùn tắc tại các trạm thu phí đặc biệt tại các làn thu phí một dừng.
Để đảm bảo giao thông suốt, an toàn, không ùn tắc tại các trạm thu phí khi triển khai áp dụng chính sách giảm thuế từ 10% xuống 8% theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam hướng dẫn các nhà cung cấp dịch vụ, các nhà đầu tư BOT và các cơ quan đơn vị có liên quan triển khai thực hiện việc điều chỉnh mức giá phí dịch vụ bảo đảm đồng bộ, thống nhất, phù hợp Nghị định số 15/2022/NĐ-CP.
Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu tăng cường phối hợp trong quá trình tổ chức giao thông tại các trạm thu phí bảo đảm công khai, minh bạch, an toàn thông suốt.
Từ ngày 1/2 sẽ giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT), áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ.
Việc giảm thuế VAT được quy định tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, ban hành ngày 11/1.
Chính sách giảm VAT áp dụng với tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh không phân biệt phương pháp tính thuế khấu trừ hay tính tỷ lệ % trên doanh thu, áp dụng đến hết 31/12 và chỉ áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm nay.
Để người tiêu dùng thực sự được hưởng lợi từ việc giảm thuế VAT, Chính phủ cũng giao các bộ, ngành chức năng và UBND tỉnh, TP chỉ đạo các cơ quan liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, trong đó tập trung các giải pháp ổn định cung cầu hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế để giữ bình ổn mặt bằng giá cả thị trường (giá chưa có thuế) từ ngày 1/2 đến hết năm 2022.