Tik Tok chịu chỉ trích vì vi phạm quyền riêng tư trẻ em
Tik Tok đang vướng nhiều vụ kiện tập thể, vì ứng dụng này đang vi phạm Đạo luật Bảo mật Thông tin Sinh trắc học của bang Illinois (BIPA).
Những người phải ở nhà do đại dịch Covid-19 đang tìm đến Tik Tok để giải trí, nhưng không phải ai cũng hài lòng với ứng dụng quay video này.
Trong 2 tuần trước, hàng loạt đơn kiện đã nhắm vào Tik Tok. Cáo buộc cho rằng “Nhiều tính năng và hiệu ứng video của Tik Tok yêu cầu quét khuôn mặt của người dùng để đặt các bộ lọc hoặc hiệu ứng lên khuôn mặt ấy”. Và luật sư của Janik từ công ty Cafferty Clobes có trụ sở tại Chicago cho rằng các tính năng này đã vi phạm BIPA vì công ty không nhận được sự đồng ý bằng văn bản của người dùng để thu thập, sử dụng hoặc lưu trữ thông tin sinh trắc học. Ứng dụng cũng không thông báo với người dùng về việc nắm các dữ liệu này; không có chính sách công khai nào chấp nhận liên quan đến mục đích thu thập các thông tin này; và Tik Tok bị cáo buộc chia sẻ thông tin sinh trắc học với các bên thứ ba mà không có sự đồng ý.
Trong khi đó một nhóm các tổ chức cũng tuyên bố TikTok đang vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận và cả Đạo luật Bảo vệ Quyền riêng tư Trực tuyến của Trẻ em.
Các nhóm này cho rằng TikTok không thể hủy tất cả thông tin cá nhân được thu thập từ người dùng dưới 13 tuổi và ứng dụng hiện có những người dùng chưa đủ tuổi mà cha mẹ chúng không đồng ý. Trên thực tế, họ lập luận rằng vì TikTok không yêu cầu thông tin liên lạc của cha mẹ đứa trẻ, nên ứng dụng không có “cách nào để có được sự chấp nhận của họ”.
Trong một tuyên bố với tờ Hollywood Reporter, phát ngôn viên của TikTok cho biết: “Chúng tôi rất coi trọng quyền riêng tư và cam kết giúp đảm bảo rằng TikTok tiếp tục là một cộng đồng an toàn và giải trí dành cho người dùng".
Đây không phải là lần đầu tiên Tik Tok bị cáo buộc vì các hoạt động thu thập dữ liệu của mình. Ủy ban Thương mại Liên bang FTC đã phạt công ty một mức kỷ lục trị giá 5,7 triệu đô la vì vi phạm luật về quyền riêng tư trẻ em ở Mỹ. Mức phạt đó dựa trên các phương pháp thu thập dữ liệu của musical.ly, một ứng dụng mà ByteDance mua lại vào năm 2017 và ngừng hoạt động vào năm 2018 sau khi hợp nhất đối tượng của nó với Tik Tok.
Vào tháng 12, TikTok đã ra mắt phiên bản giới hạn của ứng dụng có tên TikTok dành cho người dùng trẻ tuổi hơn (Younger Users) với việc không cho phép chia sẻ nội dung, nhận xét về video hoặc nhắn tin cho người dùng khác.
Thế nhưng, những người khiếu nại với FTC nói rằng TikTok vẫn chưa thực hiện đầy đủ và ứng dụng giới hạn độ tuổi còn có thể khiến trẻ em sử dụng ngày sinh giả để có quyền truy cập vào ứng dụng chính. Có nhiều ví dụ về người dùng Tik Tok dưới 13 tuổi được đưa ra, thậm chí một trong số đó sở hữu đến 1,2 triệu người theo dõi trên tài khoản.
“Hành vi của TikTok cho thấy họ đang tiếp tục theo đuổi tăng trưởng bất chấp việc gây nguy hiểm cho trẻ em", các khiếu nại cho biết.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo