0915 15 67 76 [email protected]
Thứ hai, 18/10/2021 15:10 (GMT+7)

Tiêm vắc xin cho trẻ em có tác dụng phụ không?

Ngoài phản ứng phản vệ trẻ có thể gặp phải sau tiêm giống như người lớn, một trong những biến chứng khác trẻ có thể "đối mặt" là viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, nhưng tỉ lệ này rất thấp.

Tùy vào tình trạng bệnh lý nền của trẻ

Theo Bác sĩ Nguyễn Huy Luân - Trưởng đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, ngoài phản ứng phản vệ trẻ có thể gặp phải sau tiêm như người lớn thường diễn ra trong 30 phút hay 24 giờ sau tiêm, một trong những biến chứng khác trẻ có thể "đối mặt" là viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim.

Biến chứng này thường xảy ra từ 2 - 4 ngày sau tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi thứ 2, gặp ở bé trai nhiều hơn bé gái. Cần lưu ý các triệu chứng của viêm cơ tim như: đau ngực, hụt hơi, cảm giác có nhịp tim nhanh, không đều hoặc đập thình thịch...

tm-img-alt
Campuchia tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em  -  Ảnh: AFP

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) cho biết trẻ khỏe mạnh không có bệnh nền, không có tiền căn dị ứng, được tiêm như tiêm vắc xin bình thường khác. Trẻ có bệnh nền được thăm khám sàng lọc kỹ trước tiêm và được tiêm ở nơi có điều kiện chăm sóc tốt như ở các cơ sở y tế.

Với trẻ em bình thường, khỏe mạnh khi tiêm vắc xin thường sẽ an toàn. Nhưng với những trẻ mắc các bệnh nền như ung thư, mắc các bệnh lý về máu, huyết học, tim bẩm sinh, hen suyễn... có thể có tác dụng phụ phức tạp hơn do tình trạng bệnh lý nền của trẻ. Do vậy, những trẻ em có bệnh nền nên được tiêm trong các bệnh viện để được cấp cứu kịp thời nếu có "tình huống" nào xảy ra.

Về nguyên tắc tiêm vắc xin phòng COVID-19 chỉ chống chỉ định với những trẻ có cơ địa dị ứng như dị ứng với thuốc, dị ứng với các loại vắc xin khác...

Bác sĩ Minh Tiến cũng cho hay tỉ lệ viêm cơ tim sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo các nghiên cứu có khoảng 90-161/1 triệu trẻ bị viêm cơ tim, tuy nhiên tất cả đều ở mức độ nhẹ trung bình, được nhập viện điều trị theo dõi và tự giới hạn, phục hồi sau đó.

Phụ huynh và trẻ cần làm gì sau khi tiêm?

Người thân nên ở bên cạnh trẻ 24/24 giờ, ít nhất là trong ba ngày đầu sau tiêm vacicne để có thể kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó Trưởng đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, khuyên.

"Tùy từng trẻ có thể xuất hiện những triệu chứng sau tiêm khác nhau, kéo dài 2-3 ngày. Có những trường hợp triệu chứng xuất hiện muộn hơn 7-14 ngày sau tiêm", bác sĩ Minh nói.

Tại chỗ tiêm có thể có các phản ứng như sưng, đỏ, đau nhức. Cánh tay nhức mỏi hoặc nổi cục nhỏ, ngứa. Trẻ có thể sốt, mệt mỏi, nhức đầu, nhức mỏi toàn thân, buồn nôn. Một số trẻ buồn ngủ hoặc đói bụng nhiều hơn bình thường.

Phụ huynh cần thường xuyên đo thân nhiệt cho trẻ. Nếu sốt dưới 38,5 độ C, cho mặc quần áo mỏng, thoáng mát song lưu ý không để nhiễm lạnh, nhắc nhở trẻ uống nhiều nước. Sốt từ 38,5 độ C trở lên hoặc sưng đau nhiều tại chỗ tiêm, cho uống thuốc hạ sốt với liều cho trẻ 12-17 tuổi là mỗi lần uống một viên paracetamol 500 mg (như panadol, hapacol, tylenol, efferalgan...), ngày uống 3-4 lần.

"Không nên bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì như lá cây, dầu gió, trứng gà... vào chỗ sưng đau. Có thể massage nhẹ nhàng cánh tay cho trẻ. Các loại thuốc kháng dị ứng nên được dùng với sự hướng dẫn của nhân viên y tế", bác sĩ khuyên.

Ngoài ra, phụ huynh theo dõi những dấu hiệu bất thường sau tiêm, đặc biệt là biến chứng viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, dù rất hiếm gặp. Biến chứng này có thể xảy ra sau tiêm vaccine mRNA, thường gặp ở trẻ nam và sau liều tiêm vaccine thứ hai. Các dấu hiệu thường vào 2-4 ngày sau tiêm vaccine (cũng có thể gặp sớm 12 giờ sau tiêm hoặc muộn hơn), như: đau ngực, cảm giác ép nặng hoặc khó chịu ở ngực, thở hụt hơi, khó thở, cảm giác nhịp tim nhanh hay chậm bất thường, không đều hoặc đập thình thịch, hồi hộp đánh trống ngực. Đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi có những dấu hiệu trên.

"Tuy nhiên phụ huynh không nên quá lo lắng vì các trường hợp này rất hiếm gặp, đều khá lành tính và thường sẽ hồi phục nhanh chóng", bác sĩ Hiền Minh chia sẻ.

Trước đó, Bộ Y tế ngày 14/10 cho phép tiêm vaccine Covid-19 trẻ 12-17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, tiêm trước cho trẻ 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi, theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.

Tại TP HCM, Sở Y tế TP HCM đề xuất Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 thành phố cho phép triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi từ ngày 22/10. Sở Y tế dự kiến tiêm tất cả trẻ trong độ tuổi này đang sinh sống hoặc học tập trên địa bàn, học sinh đang đi học từ lớp 6-12, số lượng khoảng 780.000. Theo dự thảo, trẻ em trên toàn thành phố sẽ được tiêm mũi một trong 5 ngày.

Đến nay, các chuyên gia và Bộ Y tế vẫn tiếp tục xem xét về an toàn của vắc xin khi tiêm cho trẻ. Trả lời báo chí về việc loại vắc xin nào sẽ được lựa chọn tiêm cho trẻ, đại diện Bộ Y tế cho biết, vắc xin là loại đã được Bộ Y tế phê duyệt dùng cho lứa tuổi này, theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và Bộ Y tế.

Bạn đang đọc bài viết Tiêm vắc xin cho trẻ em có tác dụng phụ không?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023