Thương mại điện tử: Nơi tiếp tay cho hàng giả tung hoành
Thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng phát triển và giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên đây cũng được xem là những "ổ hàng giả" nguy hiểm khiến người tiêu dùng hoang mang.
Trong những năm gần đây, TMĐT trên thế giới phát triển một cách bùng nổ, năm 2019 đã vượt doanh thu hơn 2.000 tỷ USD. Xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó khu vực châu Á Thái Bình Dương là khu vực mà TMĐT đang phát triển sôi động.
Không thể phủ nhận những ưu điểm nổi bật của việc mua sắm trên các trang thương mại điện tử khá thuận tiện, thanh toán dễ dàng, hàng hóa đa dạng, giá nào cũng có…Tuy nhiên với việc mua kiểu này người tiêu dùng khó có thể biết được chất lượng hàng hóa cũng như nguồn gốc xuất xứ của các mặt hàng này như thế nào. Thế nhưng với những ưu điểm trên thì dù biết rủi ro nhiều người vẫn ra sức mua. Song hành cùng với sự phát triển và tiện lợi của thương mại điện tử thì hàng giả, hàng nhái vẫn là câu chuyện cần phải nhắc tới.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), thời gian gần đây, có nhiều khiếu nại của người tiêu dùng về việc mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng trên các sàn thương mại điện tử. Tuy chưa có nhiều vụ kiện lớn nhưng nếu lướt qua các trang mạng bán hàng lớn như Lazada, Sendo, Tiki, Shoppee... không khó để tìm thấy các sản phẩm “hàng hiệu” như Chanel, Valentino, Giovani, Lacoste... được bày bán công khai với mức giá rất rẻ. Thực tế, chỉ trong một thời gian ngắn, khi các sàn thương mại điện tử phối hợp với Bộ Công Thương xử lý đã phát hiện hàng chục nghìn trường hợp các nhà cung cấp bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên các khu chợ điện tử được cho là lớn nhất Việt Nam như: Shopee, Chợ tốt...
Khi đề cập tới vấn đề này, đại diện các sàn thương mại điện tử trên cho biết, dù doanh nghiệp đã có nhiều biện pháp để quản lý người bán hàng như: Chặn từ khóa, theo dõi lịch sử người bán, phân tích hệ thống phản hồi từ khách hàng, nhưng vẫn chưa giải quyết được triệt để tình trạng bán hàng kém chất lượng trên các chợ trực tuyến của họ.
Tại “Hội thảo Công tác phối hợp bảo vệ người tiêu dùng và Quyền sở hữu trí tuệ từ môi trường mạng đến thị trường trong khu vực Châu Á”do Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với Hải quan Việt Nam và Hiệp hội chống hàng giả quốc tế REACT, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho hay: Đang có những bất bình đẳng giữa việc kinh doanh trực tuyến (online) và kinh doanh theo phương thức truyền thống (offline) khi việc thực hiện công việc kinh doanh online rất đơn giản, dễ dàng. Vì vậy, Bộ Công Thương đang cố gắng xây dựng khung pháp lý hoàn thiện để mang lại sự bình đẳng cho 2 loại hình kinh doanh này.
Theo ông Ronald Brohm - Giám đốc điều hành Hiệp hội Chống hàng giả quốc tế (React), hàng giả đang trở thành một vấn nạn nghiêm trọng tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Trên thế giới, 3,3% tổng sản lượng kinh doanh bị ảnh hưởng bởi hàng giả.
“Cần có sự chung tay của các lực lượng chức năng cũng như doanh nghiệp mới có thể giải quyết và ngăn ngừa tình trạng trên” - Ông Ronald nhấn mạnh.
Lực lượng QLTT Việt Nam cũng đề cao sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, lực lượng chức năng, các nhãn hàng và chính người tiêu dùng. Theo đó, các cơ quan tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân quan tâm đến tính minh bạch của các trang TMĐT, không mua hàng ở những nơi không có địa chỉ rõ ràng hoặc niêm yết giá bán rẻ hơn nhiều so với giá trị thực tế hàng hóa. Đồng thời có giải pháp cụ thể để xác minh, xác định địa chỉ các website đang hoạt động, đặc biệt là các website có tên miền quốc tế.
Cùng với đó, chủ sở hữu của các nhãn hàng hóa cần phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm có được những thông tin nhanh, kịp thời xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong TMĐT.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo