Thông tin chi tiết về dự kiến các điều kiện được cấp thẻ xanh, thẻ vàng COVID ở TP.HCM
Đối với thẻ xanh COVID dự kiến được TP.HCM cấp cho người tiêm 2 mũi vaccine và đủ thời gian tạo kháng thể; người nhiễm COVID-19 đã khỏi trong vòng 6 tháng. Thẻ vàng COVID cấp cho người tiêm một mũi vaccine và đủ thời gian tạo kháng thể.
Thẻ xanh, thẻ vàng COVID được cấp cho đối tượng nào?
Mới đây, theo thông tin từ bản dự thảo kế hoạch phòng chống COVID-19 và phục hồi kinh tế của TP.HCM, thành phố sẽ từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, triển khai thí điểm thẻ xanh COVID và thẻ vàng COVID.
Dự kiến, thẻ xanh COVID được cấp từ hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử thể hiện cá nhân đó đáp ứng một trong các điều kiện sau:
- Đối với loại vaccine tiêm 2 mũi (AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm, Sputnik V...): 14 ngày sau mũi thứ 2 và xét nghiệm kháng nguyên định kỳ đối với một số môi trường làm việc.
- Đối với vaccine chỉ cần tiêm 1 mũi (Johnson & Johnson’s Janssen...): 14 ngày sau khi tiêm và xét nghiệm kháng nguyên định kỳ đối với một số môi trường làm việc.
- Người nhiễm SARS-CoV-2 khỏi bệnh, đã hoàn thành thời gian cách ly, trong vòng 180 ngày tính từ khi khỏi bệnh.
- Người nhiễm SARS-CoV-2, tự làm xét nghiệm, tự cách ly sau đó khỏi bệnh thì phải xét nghiệm chứng minh có kháng thể.
Thẻ vàng COVID là những người đảm bảo điều kiện:
- Tiêm 1 mũi đối với vaccine có yêu cầu 2 mũi (AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm, Sputnik V..) và đã qua 14 ngày.
- Có kết quả xét nghiệm định kỳ (3 ngày/lần) âm tính (có xác nhận theo hướng dẫn của Sở Y tế và được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử để cấp và gia hạn thẻ).
Người có thẻ xanh, thẻ vàng COVID thế nào sẽ được kiểm soát như thế nào?
Theo dự thảo, thẻ xanh COVID sẽ liên thông, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) và TP.HCM (HCM LGSP): mã QR cá nhân, khai báo y tế điện tử (Bộ TT-TT, Bộ Y tế), tiêm chủng (Bộ Y tế), khai báo di chuyển nội địa (Bộ Công an), mã QR cho phương tiện vận tải (Bộ GTVT).
Ngoài ra, TP.HCM cũng phát triển nền tảng khai báo y tế điện tử của TPHCM thành nền tảng ứng dụng thống nhất phục vụ quản lý hoạt động sản xuất an toàn.
Định hướng của TP.HCM là người dân sử dụng một ứng dụng trên điện thoại thông minh để thực hiện các công việc như: lấy mã QR để tham gia lưu thông, tới nơi công cộng, tham gia làm việc tập trung; khai báo y tế, đăng ký tiêm vaccine, xét nghiệm; “check-in” tại các địa điểm.
Tùy điều kiện dịch tễ, hiện trạng tiêm vaccine và xét nghiệm của mỗi cá nhân, mã QR sẽ tự động hiển thị màu sắc tương ứng. Trong trường hợp người dân không dùng điện thoại thông minh, thì sẽ được cấp mã số (qua tin nhắn điện thoại) hoặc được cơ quan nhà nước in mã QR ra thẻ.
Người có thẻ xanh, thẻ vàng COVID được làm gì?
Theo kế hoạch của TP.HCM, việc phục hồi kinh tế trải qua 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (dự kiến từ 16.9 đến 31.10), người có thẻ xanh COVID được tham gia tất cả hoạt động (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại). Người có thẻ vàng COVID cộng với xét nghiệm âm tính chỉ được tham gia một số lĩnh vực.
Riêng tổ chức có 100% lao động thẻ xanh COVID được tham gia tất cả lĩnh vực (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại). Bộ phận có tiếp xúc người ngoài phải sử dụng 100% lao động thẻ xanh.
Trong giai đoạn 2 (dự kiến 31.10 đến 15.1.2022), thành phố sẽ mở rộng các hoạt động được phép cho người có thẻ xanh COVID, gồm: trung tâm thương mại; trung tâm tập luyện thể dục thể thao; hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời; dịch vụ ăn uống có quy mô nhỏ và đảm bảo giãn cách theo quy định (dưới 20 người).
Đến giai đoạn 3 (dự kiến sau 15.1.2022), TPH.CM lên kế hoạch mở cửa tất cả hoạt động nền kinh tế. Đối với hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar, massage, bắt buộc người tham gia phải có thẻ xanh COVID.