Thị trường thời trang Việt Nam - mỏ vàng chưa khai phá
Giám đốc điều hành H&M khu vực Đông Nam Á Fredrik Famm đánh giá: Việt Nam là thị trường hấp dẫn, đầy tiềm năng, dự kiến Việt Nam trở thành thị trường thứ 68 của H&M toàn cầu.
Theo thống kê, hiện có khoảng hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài từ hàng trung bình đến cao cấp như: Chanel, Giovanni, Mango, Zara, H&M, Uniqlo... đã có mặt tại Việt Nam.
Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu: Sự xuất hiện của nhiều nhãn thời trang nước ngoài tại thị trường nội địa cho thấy, các hãng thời trang thế giới đang rất quan tâm tới Việt Nam bởi đây là thị trường có sức tiêu thụ lớn.
“Gia nhập thị trường Việt Nam vào tháng 9/2016 đến nay, doanh thu của Zara Việt Nam đã không ngừng tăng cao, trung bình đạt doanh thu 2,8 tỷ đồng/ngày. H&M sau 2 năm kinh doanh tại Việt Nam đã mở 6 cửa hàng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh” - bà Hậu nêu ví dụ.
Thời trang Việt Nam còn nhiều tiềm năng chưa khai thác. Ảnh TP
Không tiết lộ chi tiết về kết quả kinh doanh tại Việt Nam, nhưng Giám đốc điều hành H&M khu vực Đông Nam Á Fredrik Famm đánh giá: Việt Nam là thị trường hấp dẫn, đầy tiềm năng, dự kiến Việt Nam trở thành thị trường thứ 68 của H&M toàn cầu.
Theo khảo sát trực tuyến gần đây của hãng Nielsen, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 trên thế giới về yêu chuộng hàng hiệu, 56% người Việt sẵn sàng chi tiền mua hàng hiệu, chỉ sau Trung Quốc (74%) và Ấn Độ (59%).
Còn theo Công ty nghiên cứu thị trường Statista (CHLB Đức), quy mô thị trường thời trang Việt Nam năm 2019 ước đạt 5,6 tỷ USD, dự kiến trong giai đoạn 2019 - 2023 sẽ đạt mức tăng trưởng 8,8%/năm. Số liệu này cho thấy, điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, người Việt ngày càng quan tâm đến trang phục nên sức tiêu thụ mặt hàng thời trang cũng tăng lên.
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng cũng nhận định: Với mức tăng trưởng về kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 7.000% trong 25 năm qua như đã đề cập, chứng tỏ tiềm năng, lợi thế và hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam với bên ngoài còn rất nhiều dư địa.
Lợi thế xuất khẩu của phía Việt Nam là các nhóm ngành hàng dệt may, giày dép, thời trang, thủy sản và nhiều lĩnh vực khác nữa. Song song đó, sau biến cố của dịch Covid-19 và xung đột thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam đang có cơ hội tiếp nhận làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Đây đang là thời điểm vàng để tăng cường mối quan hệ và sự liên kết giữa cộng đồng doanh nghiệp các nước.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm