Thị trường iPhone 12 xách tay có giá lên đến 45 triệu đồng
Thị trường iPhone 12 xách tay hiện nay rất sôi động, bất chấp giá cả hỗn loạn và quy định xử phạt nặng có hiệu lực từ 15/10.
Ngày 14/10 vừa qua, iPhone 12 chính thức ra mắt. Trong khi các đại lí phân phối chính thức của Apple có phần "im hơi lặng tiếng" thì các cửa hàng bán lẻ, cá nhân trên mạng xã hội hoạt động khá sôi nổi. Họ lần lượt cập nhật giá, cho phép khách đặt cọc để sở hữu chiếc smartphone đời mới nhất này, với mức cọc dao động từ 500.000 đồng đến cả chục triệu đồng.
Mức giá xách tay iPhone về cũng có sự hỗn loạn, giữa các nơi chênh nhau cả triệu đồng. Thậm chí, nhiều cửa hàng ở Việt Nam nhận đặt hàng iPhone 12 và 12 Pro sớm với giá đắt gấp đôi mức niêm yết tại Mỹ.
iPhone 12 bản 64 GB có giá 23 đến 26,5 triệu đồng. Còn iPhone 12 Pro đang được chào giá từ 28 đến 30 triệu đồng cho bản 128 GB. Bản 12 Pro dung lượng cao nhất (512 GB) có nơi được tăng lên 45 triệu đồng.
Ảnh chụp màn hình 1 nơi rao bán iphone 12 xách tay |
Trong khi đó, FPT Shop - đại lí ủy quyền cao cấp nhất của Apple tại Việt Nam đã công bố giá bán dự kiến iPhone 12 từ 21,99 - 43,99 triệu đồng.
Ở Việt Nam, nhiều người tiêu dùng ưa chuộng sử dụng iPhone có nguồn gốc từ Mỹ hay Singapore.
Một người bán hàng xách tay iPhone cho biết, việc vận chuyển đã khó khăn hơn và mất thời gian hơn trước do dịch Covid-19, và do Nghị định 98 mới có hiệu lực từ ngày 15/10, nên việc tăng giá cọc và giá sản phẩm là đương nhiên.
Có thể thấy, ngay khi quy định mới được áp dụng, thị trường điện thoại di động xách tay tại Việt Nam xảy ra nhiều xáo trộn. Trong những năm qua, điện thoại xách tay nói chung và iPhone xách tay nói riêng đã trở nên quen thuộc với nhiều người tiêu dùng.
Chúng có mức giá rẻ hơn hẳn vì không phải chịu các loại thuế phí nhập khẩu. Thêm vào đó, loại hàng xách tay thường xuất hiện rất sớm.
Ví dụ như những chiếc iPhone xách tay, các cửa hàng có thể đưa về Việt Nam ngay trong ngày đầu tiên Apple mở bán thiết bị trên thế giới.
Trong khi đó, đối với hàng chính hãng mã VN/A, người dùng sẽ phải chờ thêm ít nhất khoảng một tháng để có thể mua được thiết bị. Nếu muốn trải nghiệm sớm iPhone 12, người dùng sẽ buộc phải tìm đến hàng xách tay.
Tuy nhiên, hầu hết iPhone xách tay đang được bày bán tại Việt Nam đều không có hóa đơn hay chứng từ kèm theo, nhiều nhất chỉ có hoá đơn lúc mua tại cửa hàng bên Mỹ, hoặc Singapore. Điều này có nghĩa rằng việc buôn bán mặt hàng này sau ngày 15/10 sẽ vi phạm qui định mới về hàng xách tay.
Thị trường iPhone xách tay trong thời gian gần đây cũng không còn công khai như trước. Nhiều cửa hàng hiện đã ngừng hẳn việc nhập máy xách tay, hoặc loại bỏ hẳn danh mục đặt trước iPhone 12 xách tay trên trang web của họ. Bên cạnh đó, một số cửa hàng khác lại sử dụng chiêu thức lách luật khi gọi iPhone xách tay là hàng "chính hãng" kèm theo mã máy tại thị trường mua về.
Theo Nghị định 98/2020, hàng hóa xách tay (từ nước ngoài về Việt Nam) nếu thuộc các trường hợp dưới đây thì bị coi là hàng hóa nhập lậu: Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục cấm hoặc tạm ngừng nhập khẩu; không có giấy phép nhập khẩu và không đi qua cửa khẩu qui định, không làm thủ tục hải quan theo qui định của pháp luật hoặc có hành vi gian lận số lượng, chủng loại. Hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ hoặc chứng từ không hợp pháp,... Về mức xử phạt, đối với hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 3 triệu đồng có thể bị phạt 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Đối với hàng hóa có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, có thể bị phạt từ 40 triệu đến 50 triệu đồng. Người kinh doanh hàng xách tay không chứng từ, không khai báo hải quan mức nặng nhất sẽ bị phạt 200 triệu đồng. |
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm