Tham vọng đạt Top 25 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới của “ông trùm” thép Việt
Hãng dữ liệu của Anh quốc Refinitiv Eikon vừa công bố, Tập đoàn Hoà Phát đứng thứ 15 trong Top 30 công ty thép vốn hóa lớn nhất thế giới.
Mục tiêu tiếp theo của tập đoàn này là đạt Top 25 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.
Hòa Phát là tập đoàn tư nhân đầu tiên thành lập ngay trong thời kỳ đầu Luật doanh nghiệp Việt Nam được ban hành năm 1995, khởi đầu từ công ty buôn bán máy móc xây dựng, đến nay Hòa Phát đã trở thành một tập đoàn kinh doanh đa ngành nghề, mở rộng hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực như nội thất, thép và ống thép xây dựng, chế tạo kim loại, điện lạnh, nông nghiệp và bất động sản.
Đối với lĩnh vực sản xuất thép xây dựng, Tập đoàn Hòa Phát là chủ đầu tư Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép tại Hải Dương. Giai đoạn 1 của Khu liên hợp được đầu tư từ năm 2008 đến cuối 2009 đi vào hoạt động với tổng đầu tư 2.500 tỷ đồng.
Giai đoạn 2 được đầu tư từ cuối năm 2010 và đi vào hoạt động cuối năm 2012 với tổng đầu tư 3.300 tỷ đồng. Phát huy lợi thế từ hạ tầng sẵn có, lợi thế của việc đầu tư sản xuất từ thượng nguồn nguyên liệu (sản xuất sắt thép xây dựng từ quặng sắt) Tập đoàn Hòa Phát hiện đang triển khai giai đoạn 3 khu liên hợp với tổng đầu tư 3.800 tỷ đồng, dự án dự kiến đi vào vận hành vào quý I/2016.
Hiện nay, Hòa Phát là 1 trong 3 doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng lớn nhất Việt Nam với thị phần 22%.
Cuối tháng 10/2021, tổ chức UK Cares, Vương quốc Anh đã cấp Chứng nhận sản phẩm thép thanh từ D10 đến D40 của Hòa Phát Dung Quất đáp ứng 3 tiêu chuẩn BS 4449:2005, SS 560:2016 và CS2:2012, mác Grade B500B. Đây là chứng nhận cần thiết khi xuất khẩu vào thị trường Anh, Singapore, Hồng Kông và các nước Trung Đông.
Với lợi thế về cảng biển, Hòa Phát dễ dàng xuất khẩu tới các thị trường lớn trên thế giới. Trong 10 tháng vừa qua, Hòa Phát đã xuất 810.000 tấn thép xây dựng thành phẩm, chiếm 24% tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Tập đoàn. Thị trường xuất khẩu gồm 18 quốc gia như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, các nước ASEAN, Kenya,… Thời gian tới thép Hòa Phát có thể khai thác thị trường Anh và một số quốc gia khác.
Ông Trần Đình Long hiện là chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát, là một doanh nhân, tỷ phú người Việt Nam. Ông còn được biết đến là “ông trùm ngành thép Việt”, "ông vua thép". Đồng thời cũng là người giàu thứ 2 chỉ sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng trên sàn chứng khoán.
Tỷ phú Trần Đình Long (SN: 1961) quê tại Hải Dương. Ông tốt nghiệp bằng cử nhân kinh tế tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân tại (Hà Nội) năm 1986. Bằng trí thông minh cùng khát khao làm giàu, ông đã bôn ba khắp cả trong lẫn ngoài nước. Hiện nay ông sống tại Hà Nội.
Khởi nghiệp bằng hai bàn tay trắng nhưng lại có bản tính “nói ít làm nhiều”, Trần Đình Long cho thấy mình là một người có bản lĩnh nhưng lại khá kín tiếng trên thương trường.
Năm 1992, ông Long cùng một số người bạn khởi nghiệp bằng việc lập một công ty cung cấp thiết bị, phụ tùng, tiền thân của Tập đoàn Hòa Phát sau này. Sau đó, ông dần lấn sân sang các lĩnh vực ống thép, điện lạnh, nội thất, nông nghiệp, bất động sản, thương mại…
Hiện Hòa Phát có vốn hóa trên thị trường chứng khoán khoảng 180.000 tỷ đồng (khoảng 8 tỷ USD). Ông Trần Đình Long đang nắm giữ 25,35% số cổ phần của Hòa Phát.
Tài sản của ông Trần Đình Long – nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT của Hòa Phát đạt 3,8 tỷ USD (theo cập nhật của Forbes ngày 07/10/2021), đứng thứ 1.444 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới.
Đại dịch COVID19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, nhiều ngành nghề… Tuy nhiên, Hoà Phát lại ghi nhận nhiều thành quả đáng tự hào nhất.
Năm 2020, lợi nhuận sau thuế cả năm của Hòa Phát đạt 13.506 tỷ đồng, vượt 50% kế hoạch đề ra, tăng 78% so với cùng kỳ và cao gấp gần 10 lần so với năm 2010. Doanh thu đạt trên 91.000 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2019 và gấp 6,3 lần sau 10 năm (so với năm 2010).
Có thể nói, đây là con số kỷ lục đối với một doanh nghiệp sản xuất như Hòa Phát. Với kết quả kinh doanh cao, Hòa Phát đóng góp cho Ngân sách Nhà nước 7.300 tỷ tương đương với 1 tỉnh nằm trong Top 40 nộp thuế cao nhất.
Mảng kinh doanh sắt thép là cốt lõi của Tập đoàn Hoà Phát, đóng góp 84% doanh thu và 82% lợi nhuận sau thuế. Thép xây dựng và ống thép Hòa Phát tiếp tục giữ vững thị phần số 1 tại Việt Nam, lần lượt là 32,5% và 31,7%. Lượng đơn đặt hàng thép cuộn cán nóng (HRC) vượt 300% so với công suất của Hòa Phát.
Khởi đầu là nhà máy luyện phôi thép theo công nghệ lò điện 300.000 tấn/năm, đến đầu năm 2021, năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát đạt trên 8 triệu tấn/năm. Với công suất này, Hòa Phát đã vươn lên vị trí số 1 về sản xuất thép thô tại Đông Nam Á và tương đương với nhà sản xuất đứng thứ 48 trong Top 50 đơn vị sản xuất thép thô lớn nhất toàn cầu (theo World Steel 2020).
Tại đại hội cổ đông thường niên cuối tháng 04/2021, Tập đoàn Hòa Phát đặt kế hoạch tiêu thụ 5 triệu tấn phôi thép, thép xây dựng, 2,7 triệu tấn thép cuộn cán nóng, 920.000 tấn ống thép và trên 300.000 tấn tôn mạ các loại vào năm 2021. Về chỉ tiêu kinh doanh, kế hoạch 120.000 tỷ đồng doanh thu và 18.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng mức tăng 31,4% và 33% so với thực hiện năm 2020.
Lũy kế 9 tháng của năm 2021, Tập đoàn Hòa Phát đạt sản lượng thép thô 6,1 triệu tấn, tăng 50% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 6,3 triệu tấn, tăng 43%. Trong đó, thép xây dựng là 2,8 triệu tấn, tăng 12%. Thép cuộn cán nóng (HRC) đạt gần 2 triệu tấn. Tôn Hòa Phát ghi nhận 273.000 tấn, gấp 2,6 lần cùng kỳ. Sản phẩm ống thép là 498.000 tấn, giảm 12% so với 9 tháng 2020.
Trong 9 tháng năm 2021, Tập đoàn Hòa Phát đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước 8.106 tỷ đồng, cao hơn 11% so với số nộp cả năm 2020.
Hoà Phát cũng công bố, tập đoàn này sẽ triển khai Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 từ năm 2022.
Cụ thể, Dung Quất 1 đã hoàn thành và bắt đầu hoạt động thử nghiệm đồng bộ từ tháng 1/2021. Tấn thép HRC thứ 1 triệu đã ra đời một tháng sau đó. Các nhà máy hiện tại đều đã chạy hết công suất thiết kế nhưng vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu thị trường.
Chủ tịch Tập đoàn Hoà phát Trần đình Long đã chia sẻ với các cổ đông dịp đầu năm: tổng nhu cầu HRC 12 triệu tấn, tăng trưởng 10%/năm. Hòa Phát và Formosa làm được khoảng 8 triệu nên mới quyết định đầu tư Dung Quất 2. Hiện nay mỗi tháng Hòa Phát sản xuất 250.000-300.000 tấn HRC nhưng nếu có 1 triệu tấn cũng bán hết.
Hòa Phát đang đẩy nhanh thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng để triển khai dự án Dung Quất 2 từ đầu năm 2022. Dự án có quy mô công suất dự kiến 5,6 triệu tấn/năm, trong đó có 4,6 triệu tấn thép dẹt (HRC); 01 triệu thép thanh, thép dây chất lượng cao. Tiến độ thực hiện dự kiến là 36 tháng từ ngày được bàn giao đất và cấp phép xây dựng.
Dự án Dung Quất 2 với diện tích 283,73 ha, dự kiến có tổng đầu tư 85.000 tỷ đồng, trong đó, vốn cố định là 70.000 tỷ đồng, vốn lưu động 15.000 tỷ đồng.
Khi hoàn thành dự án này, năng lực sản xuất thép của Hòa Phát sẽ là 14 triệu tấn/năm, dự kiến lọt vào Top 25 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.
Hiện vị trí Top 25 này đang thuộc về Tập đoàn JSW Steel của Ấn Độ với 14,86 triệu tấn vào năm 2020.
Lĩnh vực bất động sản (BĐS) là mảng thứ 2 của Hoà Phát, đặc biệt là BĐS công nghiệp. Không chỉ “làm vua” trong ngành thép, Chủ tịch tập đoàn Hoà Phát Trần Đình Long cũng đã tuyên bố muốn “chơi lớn” với BĐS.
BĐS của Hoà Phát do Công ty CP phát triển bất động sản Hòa Phát (Tổng công ty bất động sản) đảm nhiệm. Công ty này được thành lập vào tháng 12/2020 với vốn điều lệ 2.000 tỉ đồng, gồm hai mảng kinh doanh chính là bất động sản khu công nghiệp (KCN) và khu đô thị.
Về bất động sản KCN, Hòa Phát đang đầu tư khai thác hạ tầng kỹ thuật 3 KCN bao gồm: KCN Phố Nối A (600ha) và KCN Yên Mỹ II (giai đoạn 1: 97,5ha) – Hưng Yên; KCN Hòa Mạc – Hà Nam (131ha).
KCN Hòa Mạc đã nâng tỷ lệ lấp đầy lên 75% diện tích, trong khi KCN Phố Nối A, Yên Mỹ II đạt 100% diện tích đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật, tính đến thời điểm cuối năm 2020.
Hoà Phát tập trung mở rộng các KCN kịp thời đón cơ hội chuyển dịch dòng vốn đầu tư sản xuất từ Trung Quốc và một số quốc gia khác cũng trong năm 2020 vừa qua.
Đối với mảng BĐS khu đô thị, Hòa Phát đã đầu tư xây dựng các dự án như Khu phức hợp Mandarin Garden 1 (diện tích: 2,5ha) tại Khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội; Khu phức hợp Mandarin Garden 2 (diện tích: 1,3ha) tại 493 Trương Định, Quận Hoàng Mai, Hà Nội và Khu Chung cư tại 70 Nguyễn Đức Cảnh.
Mặt khác, Hoà Phát đang phát triển một dự án khu đô thị lớn khác là Khu đô thị Bắc Phố Nối, Hưng Yên, tại xã Phan Đình Phùng, xã Nhân Hòa, thị trấn Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên với diện tích 262ha.
Dự án Khu đô thị Bắc Phố Nối được phát triển với mục tiêu trở thành tổ hợp khu đô thị gắn liền hạ tầng xã hội, bao gồm trung tâm thương mại, dịch vụ văn phòng, chung cư cao tầng, thấp tầng, nhà liền kề, nhà biệt thự. Tại thời điểm cuối năm 2020, dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng cây xanh và cơ sở hạ tầng và bán ra thị trường năm 2021.
Tập đoàn Hòa Phát cũng được khảo sát, nghiên cứu, xây dựng 2 dự án tại các quận Cái Răng và Ninh Kiều (Cần Thơ). Dự án đầu tiên là Khu đô thị thương mại dịch vụ có quy mô 88,2ha tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng. Trong đó bao gồm khu nhà ở 58,2ha và trung tâm hội chợ triển lãm 30ha. Dự án tiếp theo là Khu đô thị thương mại – dịch vụ quy mô 6,24ha tại đường Lê Lợi và đường Trần Văn Khéo thuộc phường Cái Khế, quận Ninh Kiều.
Thời điểm này, mảng BĐS đóng góp khoảng 4% doanh thu và 6% lãi sau thuế hợp nhất của Tập đoàn Hòa Phát.
Công ty CP Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát cũng nhanh chóng khẳng định uy tín, tiềm lực của mình trong các mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi heo, chăn nuôi bò và chăn nuôi gia cầm khi kế thừa kinh nghiệm sản xuất công nghiệp theo chuỗi.
Lĩnh vực nông nghiệp hiện tại có tỷ trọng đóng góp lớn thứ 2 về doanh thu và lợi nhuận sau thuế toàn Tập đoàn, chỉ sau lĩnh vực sản xuất kinh doanh thép.
Hiện Hòa Phát đã đang vận hành 02 nhà máy thức ăn chăn nuôi với công suất 300.000 tấn/năm/nhà máy tại Hưng Yên, Đồng Nai. Toàn bộ dây chuyền thiết bị đều được nhập khẩu từ châu Âu nhằm đảm bảo chất lượng cao, an toàn cho vật nuôi và người tiêu dùng.
Năm 2016 bắt đầu hoạt động đã tạo ra doanh thu, nhưng đối với lĩnh vực này, trở nên khả quan từ năm 2019. Thời điểm này, doanh thu của Thức ăn chăn nuôi Hòa Phát Đồng Nai đã chinh phục ngưỡng 1.050 tỷ đồng và lãi đột biến 58 tỷ đồng. Tổng tài sản qua đó cũng nảy nở lên mức 665 tỷ đồng. Tương tự, Thức ăn chăn nuôi Hòa Phát Hưng Yên cũng hồi phục doanh thu về mức 1.004 tỷ đồng và doanh nghiệp đạt lãi kỉ lục 66,8 tỷ đồng.
Với mảng thức ăn chăn nuôi thời gian qua chiếm tỷ trọng không đáng kể trong kết quả kinh doanh hợp nhất của doanh nghiệp lớn ngành thép, tuy nhiên nếu nhìn nhận với vai trò là hạt nhân quan trọng thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp - đang là nguồn thu lớn thứ hai chỉ sau mảng thép cốt lõi.
Mảng nông nghiệp chiếm tỷ trọng 12% trong tổng doanh thu hợp nhất và 7% về lợi nhuận sau thuế năm 2019. Với tâm lý lạc quan, năm 2020 tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu nông nghiệp sẽ đóng góp 10.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 1.200 tỷ đồng, tiếp tục giữ ví trí thứ hai sau mảng thép.
Đối với chăn nuôi bò thịt, Hòa Phát đang vận hành nhiều trại chăn nuôi bò thịt tại tỉnh Thái Bình, Quảng Bình và Đồng Nai. Đồng thời, Công ty CP Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát cũng đã hoàn thành và đưa vào hoạt động trang trại chăn nuôi gia cầm tại tỉnh Phú Thọ với quy mô 300 triệu quả trứng gà sạch/năm. Trang trại bắt đầu cung cấp trứng gà sạch, có giá trị dinh dưỡng cao cho thị trường từ năm 2018.
Bò Úc của Hòa Phát đang chiếm thị phần số 1 với hơn 50%, trứng gà sạch dẫn đầu về sản lượng ở khu vực phía Bắc với 550.000 quả/ngày. Hòa Phát dự kiến cung cấp cho thị trường 150.000 con bò Úc, khoảng 250.000 con heo thương phẩm (chưa tính lượng heo giống) và đạt sản lượng 700.000 trứng/ngày vào thời điểm cuối năm 2020.
Đến năm 2022, mục tiêu của Công ty sẽ đạt sản lượng tối đa công suất thiết kế 600.000 tấn thức ăn chăn nuôi/năm; 500.000 đầu heo thương phẩm/năm; 250.000 bò thịt và 300 triệu trứng gà sạch mỗi năm.
Ông Trần Đình Long cho hay, thế giới thay đổi rất nhanh nên rất khó để hình dung đến tương lai 20-30 năm nữa. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là Hòa Phát sẽ luôn giữ triết lý kinh doanh hòa hợp cùng phát triển, xây dựng mối quan hệ đối tác bền vững lâu dài với khách hàng, đối tác và cổ đông, cung cấp các sản phẩm dẫn đầu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Khởi đầu từ một Công ty chuyên buôn bán các loại máy xây dựng từ tháng 8/1992, Hòa Phát lần lượt mở rộng sang các lĩnh vực Nội thất (1995), Ống thép (1996), Thép (2000), Điện lạnh (2001), Bất động sản (2001)
Tháng 6/2009: Công ty CP Đầu tư khoáng sản An Thông trở thành công ty thành viên Hòa Phát Tháng 12/2009: KLH Gang thép Hòa Phát hoàn thành đầu tư giai đoạn 1
Tháng 1/2011: Cấu trúc mô hình hoạt động Công ty mẹ với việc tách mảng sản xuất và kinh doanh thép
Tháng 8/2012: Hòa Phát tròn 20 năm hình thành và phát triển, đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba của Chủ tịch nước
Tháng 10/2013, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát hoàn thành đầu tư giai đoạn 2, nâng tổng công suất thép Hòa Phát lên 1,15 triệu tấn/năm.
Ngày 9/3/2015: Hòa Phát chính thức Ra mắt công ty TNHH MTV Thương mại và sản xuất thức ăn chăn nuôi Hòa Phát, đánh dấu bước phát triển mới trong lịch sử Tập đoàn khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp
Tháng 2/2016: Thành lập Công ty CP Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát, công ty thành viên thứ 18 của Tập đoàn, quản lý, chi phối hoạt động của tất cả các công ty trong nhóm nông nghiệp (gồm thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi).
Tháng 2/2016: Hoà thành đầu tư Giai đoạn 3 – Khu liên hợp gang thép Hoá Phát, nâng công suất thép xây dựng Hoà Phát lên 2 triệu tấn/năm.
Tháng 4/2016: Thành lập Công ty TNHH Tôn Hoà Phát, bắt đầu triển khai dự án Tôn mạ màu, tôn mạ kẽm, mạ lạnh các loại công suất 400.000 tấn/năm.
Tháng 2/2017: Thành lập Công ty CP Thép Hoà Phát Dung Quất, triển khai Khu Liên hợp Gang thép Hoà Phát Dung Quất tại tỉnh Quảng Ngãi, quy mô 4 triệu tấn/năm với tổng vốn đầu tư 52.000 tỷ đồng, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới của Tập đoàn Hoà Phát.
Năm 2018: Công ty TNHH ống thép Hoà Phát quyết định đầu tư xây dựng, lắp đặt dây chuyền sản xuất ống thép cỡ lớn tại Nhà máy ở Hưng Yên.
Năm 2020: Hoà Phát cơ cấu lại mô hình hoạt động của Tập đoàn. Theo 4 Tổng Công ty trực thuộc tập đoàn đã được thành lập bao gồm: Tổng Công ty Gang thép, Tổng Công ty Sản phẩm Thép, Tổng Công ty Bất động sản, Tổng Công ty Nông nghiệp.
Năm 2021: hoà Phát lại một lần nữa cơ cấu để đơn giản lại bộ máy và đổi tên Tổng Công ty Sản phẩm Thép thành công ty Ống thép và Tôn mạ màu.