0915 15 67 76 [email protected]
Thứ sáu, 20/10/2023 15:16 (GMT+7)

Tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới muốn xây nhà máy lọc hoá dầu tại Việt Nam mạnh cỡ nào?

Trong buổi gặp mặt Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Aramco Yasser M.Mufti bày tỏ mong muốn tìm hiểu thị trường, nắm bắt các cơ hội để tiến hành đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là trong xây dựng các nhà máy lọc hóa dầu.

Lợi nhuận 161 tỷ USD

Chiều ngày 19/10 (theo giờ địa phương), nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN- Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) và thăm Vương quốc Saudi Arabia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi tiếp ông Yasser M.Mufti, Phó Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Aramco và ông Mohammed Al-Khrashi, Trợ lý Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia.

Tại buổi tiếp, ông Phó Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Aramco cho biết, tập đoàn này mong muốn tìm hiểu thị trường, nắm bắt các cơ hội để tiến hành đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là trong xây dựng các nhà máy lọc hóa dầu. Hiện Aramco cung cấp dầu thô cho các doanh nghiệp ở Việt Nam, song chưa có đầu tư trực tiếp.

Tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới muốn xây nhà máy lọc hoá dầu tại Việt Nam mạnh cỡ nào? - Ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Yasser M.Mufti, Phó Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Aramco. (Ảnh:VGP)

Sau khi nghe mong muốn của lãnh đạo Tập đoàn Aramco, Thủ tướng đề nghị Aramco tham gia đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí, đặc biệt là những dự án lọc hóa dầu lớn của Việt Nam, phát triển hợp tác thương mại trong lĩnh vực sản phẩm dầu, khí, hóa chất dầu khí như dầu thô, khí hỏa lỏng, hạt nhựa, phân bón…

Thủ tướng muốn Aramco tạo điều kiện cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) tham gia các hoạt động cung cấp dịch vụ dầu khí tại Saudi Arabia, tìm các dự án lớn để cùng đầu tư và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực dầu khí.

Thủ tướng cũng đề nghị ngay sau cuộc gặp PVN và Aramco thu xếp làm việc trực tiếp về kế hoạch hợp tác.

Saudi Aramco là tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới và nhiều thời điểm giữ vị trí công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất toàn cầu.

Năm 2022, nhờ việc giá dầu tăng vọt, Aramco đạt lợi nhuận kỷ lục hơn 161 tỷ USD, tăng 46% so với mức 110 tỷ USD năm 2021, mức lợi nhuận này của Aramco gần bằng lợi nhuận của cả Apple, Alphabet (công ty mẹ của Google) và Microsoft cộng lại.

Hành trình trở thành đế chế dầu mỏ

Tháng 11/1933, công ty dầu khí California Arabian Standard Oil (Casoc) được thành lập. Thời điểm này, Saudi Arabia chưa phát hiện ra dầu và không có một cuộc thăm dò nghiêm túc nào được triển khai vì không ai chắc chắc rằng Saudi Arabia có dầu.

Sự kiện đánh dấu mốc bắt đầu của ngành dầu lửa Saudi Arabia khi các nhà địa chất khảo sát khu vực Dammam Dome, một hệ địa chất gần thành phố Dammam trên bờ biển phía Đông Saudi Arabia và phát hiện một lượng dầu đáng kể tại đây vào tháng 3/1938.

Tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới muốn xây nhà máy lọc hoá dầu tại Việt Nam mạnh cỡ nào? - Ảnh 2
Saudi Aramco là 1 trong những công ty có giá trị lớn nhất thế giới.

Sau đó vào năm 1944, Casoc đổi tên thành Công ty Arabian American Oil, hay còn gọi là Aramco. Với nguồn dầu dồi dào được phát hiện, Aramco tăng dầu sản lượng vào những năm 1940 và đạt mốc 500.000 thùng/ngày vào năm 1949.

Khả năng xuất khẩu dầu mỏ của Saudi Arabia tăng mạnh vào năm 1951, sau khi nước này mở đường ống xuyên Saudi Arabia. Đường ống kéo dài hơn 1.200 km trên khắp vùng Vịnh, đưa dầu ra Địa Trung Hải và giảm đáng kể thời gian, công sức để đưa dầu lên tàu.

Một bước tiến lớn của Aramco là vào năm 1960 với sự ra đời của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). OPEC hiện là tổ chức quan trọng nhất của thị trường dầu mỏ và ảnh hưởng lớn đến giá cả của loại năng lượng này.

Trong những năm đầu thành lập, Aramco là 1 doanh nghiệp độc lập, không thuộc sở hữu của nhà nước Saudi Arabia. Nhưng đến năm 1973, Chính phủ Saudi Arabia dần quốc hữu hoá doanh nghiệp này khi nắm giữ 25% cổ phần Aramco và tăng lên 60% vào năm 1974 và hoàn tất việc quốc hữu hóa trong năm 1980. Năm 1988, Aramco đổi tên thành Saudi Aramco.

Trong những thập niên tiếp theo, Saudi Aramco phát triển mạnh mẽ thông qua 1 loạt vụ mua lại và mở nhiều cơ sở sản xuất dầu mới. Năm, 2019 tập đoàn này có khả năng sản xuất lên tới 12 triệu thùng dầu thô mỗi ngày.

Vào những năm đầu thế kỷ 21, nền kinh tế Saudi Arabia phụ thuộc hoàn toàn vào dầu mỏ. Tuy nhiên, năm 2014 giá dầu lao dốc khiến nền kinh tế của quốc gia này lao đao, khiến Saudi Arabia phải thay đổi.

Thái tử Mohammed bin Salman là người đã đưa ra kế hoạch Tầm nhìn 2030 nhằm hiện đại hóa và đa dạng hóa nền kinh tế Saudi Arabia, bao gồm khai thác trữ lượng khoáng sản chưa từng khai thác, nâng cao vị thế trong thương mại toàn cầu và tăng doanh thu du lịch. Một phần của kế hoạch Tầm nhìn 2030 là niêm yết Saudi Aramco trên thị trường tài chính quốc tế.

Vào cuối năm 2019, Saudi Aramco đã IPO thành công và huy động được 25,6 tỷ USD, định giá Saudi Aramco ở mức 1.700 tỷ USD, đưa tập đoàn trở thành công ty đại chúng đắt giá nhất thế giới. Đây cũng được xem là thương vụ IPO lớn nhất lịch sử, lớn hơn con số 25 tỷ USD trong vụ IPO của hãng thương mại điện từ Trung Quốc Alibaba hồi năm 2014.

Saudi Aramco là công ty không phải của Mỹ duy nhất nằm trong top 10 công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn thế giới, bên cạnh những cái tên đình đám như Microsoft, Alphabet, Amazon, Tesla, Berkshire Hathaway, Meta, Johnson & Johnson và United Health.

Saudi Aramco có trữ lượng dầu thô được chứng minh lớn thứ hai thế giới, với hơn 260 tỷ thùng và có sản lượng dầu thường nhật lớn thứ hai thế giới. Tập đoàn này hiện còn đang điều hành mạng lưới hydrocarbon riêng lẻ lớn nhất thế giới mang tên Master Gas System. Saudi Aramco khai thác mỏ dầu trên bờ lớn nhất thế giới là Ghawar, và mỏ dầu trên biển lớn nhất thế giới là Safaniya.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới muốn xây nhà máy lọc hoá dầu tại Việt Nam mạnh cỡ nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023