0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ tư, 13/04/2022 08:29 (GMT+7)

Tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1/7, liệu có hợp lý?

Theo các chuyên gia, tăng lương thời điểm này vừa là để hỗ trợ người lao động, nhưng đồng thời cũng để hỗ trợ người sử dụng lao động. Bởi lẽ, tăng lương tạo động lực tăng năng suất lao động, giữ chân người lao động ở lại với doanh nghiệp.

'Chốt' đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6%

Mới đây, ngày 12/4, Hội đồng Tiền lương quốc gia họp phiên thứ 2, thống nhất đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1/7/2022 để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Cụ thể:

Vùng 1 tăng 260.000 đồng, từ mức 4,42 triệu đồng lên 4,68 triệu đồng.

Vùng 2 tăng 240.000 đồng, từ 3,92 triệu đồng lên 4,160 triệu đồng.

Vùng 3 tăng 240.000 đồng từ 3,42 triệu đồng lên 3,63 triệu đồng.

Vùng 4, tăng 180.000 đồng từ 3,07 triệu đồng lên 3,250 triệu đồng.

Theo đó, qua 2 năm không tăng lương tối thiểu vùng và đời sống, thu nhập của một bộ phận người lao động đang rất khó khăn. Hơn lúc nào hết, lúc này cần phải tăng lương giúp lao động ổn định cuộc sống, yên tâm gắn bó với doanh nghiệp sản xuất.

Cũng theo ông Ngọ Duy Hiểu, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên 2 năm nay, Chính phủ chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng nên các doanh nghiệp tiếp tục duy trì mức lương tối thiểu theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP, không điều chỉnh tiền lương cho người lao động. Vì vậy, Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất và đã tiến hành thảo luận, thương lượng để tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động ở doanh nghiệp.

Tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1/7, liệu có hợp lý? - Ảnh 1
Chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1/7/2022 để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Chia sẻ về lý do đề xuất tăng lương tối thiểu vùng ngay từ ngày 1/7/2022 thay vì ngày 1/1/2023, Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu cho rằng, lương tối thiểu vùng dựa trên sự thương lượng của lao động, doanh nghiệp và sự khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.

Tiếp đó, trong quý I/2022, tình hình kinh tế Việt Nam đã hồi phục mạnh mẽ. Tăng lương thời điểm này vừa là để hỗ trợ người lao động, nhưng đồng thời cũng để hỗ trợ người sử dụng lao động. Bởi lẽ, tăng lương tạo động lực tăng năng suất lao động, giữ chân người lao động ở lại với doanh nghiệp.

Thời gian qua, lương tối thiểu vùng có 2 năm liên tiếp không tăng do tác động của đại dịch Covid-19. Từ 1/1/2020 đến nay, lương tối thiểu vùng I là 4,42 triệu đồng, vùng II 3,92 triệu, vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng.

Trước đó, để làm căn cứ xây dựng các nội dung về lương tối thiểu vùng năm 2023, từ ngày 1/4, Bộ LĐ&TBXH bắt đầu điều tra lao động, tiền lương và mức sống tối thiểu tại 18 địa phương. Theo đó, sẽ có 2.000 doanh nghiệp được chọn điều tra lần này thuộc nhóm ngành nghề sản xuất kinh doanh như: nông lâm ngư nghiệp; công nghiệp, xây dựng; thương mại, dịch vụ… Doanh nghiệp được điều tra có quy mô từ dưới 100 lao động đến trên 300 lao động. Các nội dung chính được tìm hiểu ở doanh nghiệp là quỹ tiền lương theo công việc hoặc chức danh, quỹ phụ cấp lương, quỹ tiền thưởng, chi phí tuyển dụng đào tạo...

Vì sao cần phải tăng lương tối thiểu vùng?

Được biết, theo thông lệ, trước đây, tăng lương tối thiểu vùng thường được thực hiện từ ngày 1/1 của năm kế tiếp. Nhưng lần này, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chốt thời gian điều chỉnh lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022. Về việc này, ông Ngọ Duy Hiểu giải thích: 1,5 năm qua, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 người lao động không được tăng lương; đến nay kinh tế đã được phục hồi và phát triển tốt, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, do vậy các bên thấy cần thiết phải tăng lương, cho người lao động. Việc tăng lương lúc này là kịp thời để hỗ trợ, giúp người lao động vượt qua khó khăn và là động lực giúp họ nâng cao năng suất lao động, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Tăng lương tối thiểu cũng là thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước, để giúp cho người lao động bước vào giai đoạn phục hồi phát triển lao động với năng suất cao, một người có thể làm việc bằng một, bằng hai. Một trong những việc đó là phải tạo động lực cho họ, mà tăng lương tối thiểu mang lại rất nhiều hiệu quả như nâng cao năng suất lao động...; cũng là động lực gây áp lực cho các doanh nghiệp phải đổi mới khoa học công nghệ, nâng cao năng lực quản trị để giúp triển bền vững.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách - pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, 2 năm qua, lương tối thiểu vùng vẫn áp dụng theo quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ, áp dụng bắt đầu từ ngày 1/1/2020. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, lương tối thiểu vùng vẫn có thể điều chỉnh trước mốc thời gian trên, vì tình hình dịch bệnh đã có những diễn biến tích cực. Ngoài ra, trong lịch sử, đã có nhiều lần tiền lương tối thiểu được điều chỉnh và áp dụng vào giữa năm nên cần điều chỉnh sớm lương tối thiểu vùng để áp dụng cho cả 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhận định, công nhân lao động là nhân tố quan trọng cho việc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Tuy nhiên, trong hơn 2 năm qua, đại dịch đã có tác động rất lớn đến tính mạng, sức khỏe, việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động. Lương tối thiểu vùng của người lao động không tăng khi chỉ số giá tiêu dùng tăng dẫn đến thu nhập thực tế của người lao động giảm khoảng 10% so với năm 2019.

Cũng theo ông Nguyễn Đình Khang, những nỗ lực chăm lo của tổ chức Công đoàn đã giúp đoàn viên, người lao động vượt qua khó khăn của đại dịch, góp phần đảm bảo nguồn nhân lực duy trì chuỗi cung ứng, phục hồi sản xuất, kinh doanh doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn do đại dịch, đã xuất hiện trường hợp người lao động buộc phải chọn các hành vi tiêu cực như: tham gia vào “tín dụng đen”, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội hoặc chọn phương án rút bảo hiểm xã hội một lần… Nhiều người lao động sau khi về quê tránh dịch đã không trở lại thành phố, khu công nghiệp. Tất cả những lý do trên đã tác động tiêu cực đến nguồn nhân lực, gián tiếp ảnh hưởng đến việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chia sẻ khó khăn với người lao động, song đại diện của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tăng lương tối thiểu vùng cần phải tính toán kỹ trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn cần phục hồi sau đại dịch. Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI cho biết, các doanh nghiệp đang tập trung ưu tiên khôi phục sản xuất, phục hồi sau thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh. Hai năm qua, lương tối thiểu vùng không tăng, vì vậy, việc tăng lương là nguyện vọng chính đáng của người lao động. Song nếu tăng lương cũng cần có sự tính toán kỹ lưỡng, hợp lý và lâu dài.

Trao đổi về vấn đề này, TS Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết, lý do cần phải tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 là vì đến thời điểm trên, đã trễ 18 tháng không tăng lương cho người lao động.

“Đáng lẽ phải tăng lương tối thiểu từ ngày 1/1/2021. Chúng ta không thể kéo dài sự chậm trễ này nữa. Cá nhân tôi đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng là 9% thì mới thoả đáng. Nhưng sau khi cân đối với một loạt yếu tố khác thì cũng cần có sự chia sẻ để có sự hài hoà” - ông Tiến cho hay.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1/7, liệu có hợp lý?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới