0915 15 67 76 [email protected]
Chủ nhật, 14/02/2021 10:18 (GMT+7)

Sức sống xanh giữa trùng khơi

Nếu từng đặt chân tới Trường Sa, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc thì hẳn ai cũng ngỡ ngàng trước màu xanh đầy sức sống ở dải đất này.

Màu xanh ấy là thành quả của muôn vàn công sức, hi sinh và tình yêu của những người lính biển, suốt bốn mùa luôn tỏa ra một sức sống mãnh liệt đến diệu kỳ.

“Đảo là nhà, biển cả là quê hương”

Đến với Trường Sa, ít ai ngờ rằng, nơi đây mỗi năm có tới 131 ngày bão, mỗi tháng có 13-20 ngày gió mạnh. Nhưng dẫu có sóng to, gió lớn đến nhường nào thì sức sống vẫn luôn căng tràn ở nơi đầu sóng.

Trên khắp đảo nổi, đảo chìm của quần đảo Trường Sa hôm nay, đâu đâu cũng hiện ra một màu xanh biếc. Đó là xanh của sức sống, của niềm tin và hy vọng.

Thật không khó để bắt gặp trong những ngày nắng nghiêng ngả, dưới những tán bàng vuông, cây phong ba, bão táp, người dân đảo ngồi chuyện trò rôm rả, những vườn rau xanh mướt, từng đàn lợn, gà say sưa giấc ngủ. Thật bình yên, dung dị…!

"Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, dòng chữ vàng được sơn trên nền đỏ có thể bắt gặp ở nhiều địa điểm trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa thân yêu, dù là đảo chìm hay đảo nổi. Ấn tượng của Trường Sa cho những lữ khách từ đất liền đến chính là màu xanh căng tràn sức sống. Màu xanh của những cây bàng vuông, nho biển, của cây cối và những luống rau xanh dần phủ kín các bãi san hô bồi lấp.

Cây phong ba trên đảo Song Tử Tây, một trong bốn loài cây di dản của đảo Trường Sa nơi đầu sóng ngọn gió. (Ảnh: Báo TN&MT)

Từ đảo Đá Tây, Đá Đông hay An Bang, Thuyền Chài, cho tới hai đảo nổi Trường Sa Lớn và Trường Sa Đông, màu xanh ấy nổi bật và hòa cùng màu trắng của cát, của sóng, màu xanh của biển, của trời, sắc vàng của nắng… tạo thành một bức tranh hòa bình vừa gần gũi vừa đầy thương mến.

Thực tế, để có được màu xanh của rau tươi trên đảo, cách trồng rau cũng mang đặc trưng riêng khác nhau tùy theo yếu tố “chìm,” “nổi” của từng đảo. Nếu như ở các đảo nổi Trường Sa lớn, An Bang, rau được trồng trong những khu vườn nhỏ, thì tại các đảo chìm như Thuyền Chài, Đá Lát, Đá Đông,… những người lính đảo lại phải trồng ở trong từng khay nhựa và chậu đá, đặt ở trong phòng và trên nóc nhà.

Ấy vậy mà có những đảo như An Bang, Sinh Tồn Đông, mỗi năm vẫn thu hoạch được hơn 6 tấn rau xanh các loại, qua đó đảm bảo bộ đội trên đảo luôn được ăn rau xanh 3 bữa mỗi ngày.

Không chỉ trồng rau xanh, chăm cây cảnh để tạo cảnh quan giữa trùng khơi, cán bộ, chiến sỹ trên quần đảo Trường Sa còn tích cực triển khai những mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm hiệu quả, góp phần cải thiện bữa ăn, đảm bảo sức khỏe và góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ. Và cũng chính màu xanh của cây cối giúp những người lính đảo bớt đi nỗi nhớ nhà, thêm động lực để gắn bó và từng ngày làm màu xanh dày thêm nơi xứ đảo.

Bảo vệ màu xanh biển đảo

Thêm một khẩu hiệu nữa thật không khó bắt gặp ở huyện đảo Trường Sa: “Xây dựng đảo mạnh về phòng thủ, đẹp về cảnh quan và môi trường”. Quả thực, lối sống xanh, ý thức và hành động bảo vệ môi trường đã gắn bó máu thịt với đời sống bà con và lính đảo nơi đây. Những thói quen như phân loại rác tại nguồn, nói không với rác thải nhựa, túi nilon … đã đi vào nhịp sống hàng ngày như một ý thức thường trực.

Sức sống Xanh giữa trùng khơi... (Ảnh minh họa)

Trung tá Lê Đình Lân, Chính trị viên phó đảo Trường Sa Đông chia sẻ, nhằm xây dựng cảnh quan môi trường trên đảo xanh – sạch – đẹp và chung tay bảo vệ môi trường biển, trong nhiều năm qua, cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã duy trì việc trồng, chăm sóc cây xanh và triển khai các hoạt động làm sạch môi trường. Hàng tuần, cán bộ, chiến sỹ trên đảo sẽ có một buổi tổng vệ sinh khuôn viên đảo và một buổi thu dọn các loại rác thải trôi dạt vào bờ biển. Rác thải hữu cơ sẽ được ủ để làm phân bón cho cây, còn rác thải vô cơ như các loại chai, lọ sẽ được thu gom để chuyển vào đất liền xử lý.

Tại đảo Nam Yết thùng rác công cộng hầu như rất ít bởi công tác phân loại rác tại nguồn đã góp phần thảm thiểu rác thải ở từng đơn vị. Cụ thể, rác thải nhựa trôi dạt vào đảo, phát sinh trong quá trình sinh hoạt được phân loại và được xử lý tại đảo, rác thải rắn được đóng gói để chuyển vào đất liền. Cùng với đó, để đảm bảo vệ sinh đơn vị, các loại rác hữu cơ, dễ phân hủy được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hoặc đốt.

Trung úy Nguyễn Văn Ninh, Phân đội trưởng trên đảo Nam Yết cho biết: “Từ cán bộ cho tới các chiến sỹ được tuyên truyền, giáo dục thường xuyên công tác bảo vệ môi trường nên ý thức vệ sinh ngày càng được nâng cao. Thời gian đầu còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng chỉ một thời gian ngắn, cán bộ, chiến sỹ tới đảo công tác đều chấp hành và tuân thủ nghiêm việc phân loại rác tại nguồn một cách quy củ, bài bản. Xanh, sạch, đẹp đã trở thành tiêu chí cơ bản để các đoàn viên, thành niên trên đảo Nam Yết thi đua”.

Theo Trung tá Nguyễn Văn Dương, Chính trị viên phó, Bí thư Liên chi đoàn Đảo Nam Yết, hoạt động làm sạch bãi biển và phong trào “Nói không với rác thải nhựa” là hoạt động thường xuyên của liên chi đoàn và được coi là hoạt động xung kích. Bên cạnh nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển, những năm vừa qua, thế hệ trẻ trên đảo Nam Yết còn kết hợp với các hoạt động xanh khác như trồng cây xanh, chỉnh trang doanh trại… để tạo cho đảo Nam Yết có cảnh quan thân thiện và có mật độ phủ xanh tốt nhất huyện đảo Trường Sa.

Lối sống xanh, cần cù góp phần tạo thêm cho Trường Sa một nét đẹp, nét đáng yêu. Và những người lính đảo không chỉ kiên cường trong công tác bảo vệ Tổ quốc, mà còn là những tấm gương đi đầu trong bảo vệ màu xanh cho cuộc sống. Trên những hòn đảo nhỏ trước đây vốn cằn khô bởi sỏi đá thì nay các cây lớn hiên ngang trải bóng mát, những cây non từng ngày cứng cáp, tự tin vươn tán trong sự che chở, vững chắc tay súng của người lính đảo. Tất cả góp phần tạo nên món quà xanh vô giá từ xứ đảo: Một hệ thực vật phong phú với nhiều loài cây quý, loài thảo dược hiếm như cây tra, bàng vuông, mù u...

PGS Nguyễn Khắc Khôi và PGS Vũ Xuân Phương (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật) là những người đầy tâm huyết với thiên nhiên quần đảo Trường Sa. Sau khi nghiên cứu, hai vị chuyên gia khẳng định, Trường Sa không hề “nghèo” thực vật so với một số vùng trong đất liền. Với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, nền đất cát san hô nghèo chất dinh dưỡng, số lượng loài và cá thể cây thân thảo chiếm đông đảo nhất, kế đó là cây bụi, còn cây thân gỗ không nhiều. Bàng vuông, mù u, phong ba, dừa, mộc chi, giờ có thêm tra và một số loại khác là đại diện cây thân gỗ. Cây thân thảo phổ biến nhất là muống biển và các loài thuộc họ hòa thảo (các loại cỏ một lá mầm)… Cây bụi phổ biến nhất là hếp và nhàu.

Theo thống kê, Trường Sa có 117 loài thực vật bậc cao thuộc 42 họ trong 3 ngành. Đó là con số ấn tượng, nhưng ấn tượng hơn nữa là chính các chuyên gia cũng phải thừa nhận: Thảm thực vật Trường Sa có được như ngày hôm nay chính là nhờ phần lớn vào bàn tay chăm sóc của cán bộ, chiến sĩ trên đảo hết thế hệ này qua thế hệ khác. Họ là những con người không chỉ “gan bền, chí thép”, chắc tay súng bảo vệ chủ quyền mà còn rất hiền hòa, yêu quý thiên nhiên.

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Bạn đang đọc bài viết Sức sống xanh giữa trùng khơi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới