Siết chặt quản lý thông tin, Trung Quốc 'cấm sóng' hoàn toàn ChatGPT
Mới đây, cơ quan quản lý Trung Quốc đã yêu cầu loạt công ty lớn của nước này ngừng toàn bộ hoạt động cung cấp dịch vụ ChatGPT và các dịch vụ siêu AI tương tự do lo ngại nguy cơ truyền bá 'thông tin sai lệch' cho người dùng Internet.
Theo tin tức được Nikkei Asia đăng tải hôm 22/2 vừa qua, cơ quan chức năng Trung Quốc đã ra thông báo yêu cầu các tập đoàn công nghệ hàng đầu của nước ngày như Tencent hay Alibaba ngừng toàn bộ hoạt động cung cấp dịch vụ ChatGPT.
Cùng với việc cấm ChatGPT, nhà chức trách Trung Quốc cũng thông báo các công ty trong nước muốn ra mắt chatbot hoặc dịch vụ trí tuệ nhân tạo có liên quan, phải báo cáo và xin phép cơ quan quản lý. Không tổ chức hoặc cá nhân nào được tự ý khởi chạy các dịch vụ tương tự chatbot AI của OpenAI.
Ngoài ra, tại bài đăng trên mạng xã hội Weibo, giới chức Trung Quốc cũng thể hiện lo ngại về việc trí tuệ nhân tạo (AI) của OpenAI có thể hỗ trợ Mỹ trong việc truyền bá thông tin sai lệch vì lợi ích địa chính trị.
Tập đoàn công nghệ Tencent hiện đã cấm các bên cung cấp ChatGPT và dịch vụ liên quan tại Trung Quốc nhằm tuân thủ quy định mới.
Ngoài ra, các công ty công nghệ cũng phải báo cáo cho nhà chức trách trước khi cung cấp các dịch vụ tương tự ChatGPT của riêng mình.
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc chặn các trang web hoặc ứng dụng do nước ngoài phát triển. Bắc Kinh đã cấm hàng chục trang web và ứng dụng nổi tiếng của Mỹ. Trong năm 2009-2010, nước này đã chặn Google, Facebook, YouTube vàTwitter, và tiếp tục cấm Reddit và Wikipedia vào năm 2018 và 2019.
Nhận định về động thái mới từ giới chức Trung Quốc, lãnh đạo các công ty lớn của nước này cho biết việc ChatGPT ngay từ đầu đã được nhận định không có khả năng vượt qua vòng kiểm duyệt của nước này. Tuy nhiên, một phiên bản ChatGPT 'made in China' rất có thể sẽ được ra mắt trong tương lai.
Được biết, kể từ ChatGPT xuất hiện và nhanh chóng trở thành hiện tượng phủ sóng toàn cầu, các hãng công nghệ khổng lồ của Trung Quốc như Tencent, Alibaba và Baidu, đều gấp rút công bố kế hoạch phát triển các dịch vụ tương tự. Tuy nhiên, các công ty này cũng thận trọng trong cách diễn đạt khi thông báo về kế hoạch mình. Tất cả đều nhấn mạnh dịch vụ của mình tương tự như ChatGTP nhưng không tích hợp với dịch vụ của Mỹ.
Trong một động thái 'bắt trend' từ các ông lớn công nghệ, mới đây, Baidu đã công bố kế hoạch thử nghiệm nội bộ sự án 'Ernie Bot' tương tự ChatGPT.
Theo một số nguồn tin thân cận, dịch vụ này có thể không phải một phần mềm trí tuệ nhân tạo mà chỉ là một tính năng tích hợp vào một số sản phẩm của công ty.
Hiện ChatGPT vẫn đang là đề tại nhận được nhiều phản ứng trái chiều trên khắp thế giới. Bên cạnh việc hào hứng đón nhận và tìm cách biến ChatGPT trở thành công cụ hỗ trợ thì nhiều ý kiến bày tỏ sự phản đối kịch liệt bởi những quan ngại liên quan tới vấn đề bản quyền, pháp lý và tính chính xác của các thông tin do chatbot AI này cung cấp tới người dùng.
Khánh An