Siết chặt quản lý thị trường mỹ phẩm
Theo quy định hiện hành, các mặt hàng mỹ phẩm muốn lưu thông trên thị trường Việt Nam cần phải được cấp giấy Chứng nhận lưu hành (CFS).
Bà Đinh Thị Thu Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết hiện nay nhu cầu chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp của người dân ngày càng cao, các sản phẩm mỹ phẩm là thứ không thể thiếu của mỗi gia đình. Mỹ phẩm bao gồm chủ yếu các sản phẩm thiết yếu phục vụ cho việc chăm sóc, vệ sinh cá nhân hằng ngày như dầu gội, kem đánh răng, nước rửa tay, sữa rửa mặt...
Một số liệu thống kê cho thấy, gần đây số người sử dụng mỹ phẩm đã tăng lên 30%, trước nhu cầu sử dụng mỹ phẩm gia tăng thì số lượng mỹ phẩm nhập khẩu vào Việt Nam cũng tăng nhiều hơn. Đây là điều kiện để các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu tăng sức cạnh tranh và tăng lựa chọn cho người tiêu dùng.
Đáng nói, theo Ban chỉ đạo 389, mỹ phẩm nhập lậu bằng nhiều hình thức vận chuyển qua đường mòn biên giới để vào nội địa. Thị trường mỹ phẩm rất khó kiểm soát khi nó được gắn mác các thương hiệu nổi tiếng bán với giá thành đắt đỏ.
Kiểm tra, phát hiện lô mỹ phẩm nghi nhập lậu tại chuỗi cửa hàng Ansan
Các đối tượng không ngừng sản xuất mỹ phẩm giả, nhái ở trong nước, thuê khu đất trống, mua nguyên liệu về trộn làm mỹ phẩm. Thậm chí, đầu nậu còn đặt hàng mỹ phẩm của những tên tuổi nổi tiếng sản xuất ở nước ngoài, sau đó nhập lậu vào trong nước, dán nhãn mác giả và bán ra thị trường.
Điển hình là lực lượng chống buôn lậu ở Quảng Ninh liên tiếp phát hiện và bắt giữ các vụ vận chuyển, tập kết mỹ phẩm với khối lượng “khủng” mang nhiều thương hiệu nổi tiếng nhưng sản xuất ở bên kia biên giới.
Ngoài mỹ phẩm nhập lậu thì theo Cục Quản lý dược, qua công tác kiểm tra, từ đầu năm 2019 đến nay, đơn vị phát hiện hàng chục sản phẩm mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng bị buộc đình chỉ lưu hành và thu hồi.
Điển hình trong tháng 10/2019, Cục Quản lý dược ra thông báo đình chỉ lưu hành thu hồi trên toàn đối với 5 công ty đưa mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng ra thị trường.
Lượng lớn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc bị thu giữ
Mới đây nhất, 7 sản phẩm mỹ phẩm của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Châu Thông (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) bị buộc đình chỉ lưu hành và thu hồi. Theo Cục Quản lý dược, lý do thu hồi là vì mỹ phẩm lưu thông được sản xuất tại cơ sở không đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn cơ bản “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (CGMP-ASEAN).
Tình trạng nhập nhèm trong việc ghi nhãn mác sản phẩm của đơn vị nhập khẩu, khi mỹ phẩm bán ra thị trường đã gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, thậm chí có thể bán với giá đắt khiến người tiêu dùng khó phân biệt khá phổ biến.
Theo quy định hiện hành, các mặt hàng mỹ phẩm muốn lưu thông trên thị trường Việt Nam cần phải được cấp giấy Chứng nhận lưu hành (CFS). Để xuất, nhập khẩu thì các sản phẩm cần được cung cấp CFS tại quốc gia nơi xuất xứ của sản phẩm, có nước là Hiệp hội, có nước là cơ quan nhà nước cấp.
Theo ông Cao Đăng Vinh, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp), CFS là giấy phép do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp để chứng nhận sản phẩm, hàng hóa đó được sản xuất và được phép lưu hành tự do tại nước xuất khẩu. Chính vì vậy, nếu các doanh nghiệp Việt Nam muốn đưa được các sản phẩm của mình vào thị trường các nước này thì bắt buộc phải có CFS để ghi nhận là căn cứ rằng sản phẩm đã được phép lưu hành tại Việt Nam và đây là một trong những tiêu chí để đánh giá độ uy tín về sản phẩm.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm