Quý III/2020, kết quả kinh doanh ngành phân bón có sự phân hoá mạnh
Báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2020 của các doanh nghiệp kinh doanh phân bón đã cho thấy những kết quả không đồng nhất.
Doanh nghiệp ngành phân bón báo lãi quý III tăng vọt
CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - Mã: DCM), doanh nghiệp chuyên sản xuất phân Urê ghi nhận mức doanh thu thuần 2.018 tỉ đồng, tăng trưởng đến 36% so với cùng kì và thu về 101 tỉ đồng lãi sau thuế cho cổ đông công ty mẹ, gấp hơn 14 lần giá trị ghi nhận cùng kì năm ngoái.
Theo giải trình của lãnh đạo DCM, mặc dù giá bán Urê thương mại bình quân 9 tháng đầu năm 2020 giảm 12,7% nhưng lãi ròng công ty mẹ tăng nhờ đẩy mạnh xuất khẩu dẫn đến sản lượng bán tăng 35%; bên cạnh đó, một phần nguyên nhân cũng đến từ chi phí khí giảm làm cho giá thành giảm.
Quý III/2020, kết quả kinh doanh ngành phân bón có sự phân hoá mạnh |
Bên cạnh DCM, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ - Mã: DPM) với dòng sản phẩm chính là Urê và phân NPK, cũng báo lãi lớn gấp 3 lần so với cùng kì. Theo đó, tổng doanh thu và lãi trước thuế 9 tháng ước đạt mức 5.978 tỷ đồng và 664 tỷ đồng, lần lượt tăng 9% và 275% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy riêng quý III DPM đạt 2.050 tỷ đồng doanh thu – tăng nhẹ so với quý III/2019, LNTT ước đạt hơn 170 tỷ đồng cao gấp hơn 2,2 lần cùng kỳ năm ngoái.
DPM cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón trong quý III/2020 và 9 tháng đầu năm diễn biến khả quan, các nhà máy sản xuất phân bón và hóa chất được vận hành hiệu quả, đạt công suất tối ưu trong bối cảnh công ty tăng cường kiểm soát chi phí, tiết kiệm định mức năng lượng so với kế hoạch.
Phân bón Bình Điền (Mã: BFC) công bố doanh thu thuần của Công ty trong quý III giảm 9% dẫn đến lợi nhuận sau thuế giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lãi gộp trong quý III và 9 tháng đầu năm 2020 tăng lần lược là 8% và 25% so với cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu do chi phí đầu vào giảm so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó trong 9 tháng đầu năm 2020 do tình hình thị trường tiếp tục khó khăn, cũng như dịch bệnh kéo dài nên Công ty chủ động tiếp tục cắt giảm các chi phí chưa cần thiết. Vì vậy, mặc dù Doanh thu thuần giảm 11% trong 9 tháng đầu năm 2020 những lợi nhuận sau thuế của Công ty tăng 33% so với cùng kỳ.
Nguồn: M.H tổng hợp báo cáo tài chính quý III của các doanh nghiệp ngành phân bón. |
Báo cáo tài chính của Phân lân nung chảy Văn Điển (Mã: VAF) cho thấy doanh thu quý III tăng 23% so với cùng kỳ quý III năm 2019. Tuy nhiên, theo VAF chi phí bán hàng cũng tăng cao so diễn biến dịch Covid-19 rất phức tạp ảnh hưởng toàn diện đến kinh tế-xã hội nên công ty phải chủ động trong việc tập kết hàng hóa các kho trung gian nhằm phân phối hàng hóa đến người dân kịp thời nên về tổng thể, lợi nhuận sau thuế quý III chỉ tăng 12,5% so với cùng kỳ.
Kì vọng lợi kép nhờ chính sách thuế GTGT có hiệu lực
Ngày 28/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kí ban hành Nghị quyết số 159/NQ-CP quyết nghị thông qua hồ sơ trình Quốc hội về Dự án Nghị quyết của Quốc hội về thuế suất giá trị gia tăng (GTGT) đối với mặt hàng phân bón.
Theo báo cáo của CTCP Chứng khoán VNDirect, việc thay đổi chính sách thuế GTGT áp dụng cho ngành phân bón sẽ mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất nội địa cắt giảm chi phí và cải thiện tỉ suất lợi nhuận.
Cụ thể, mặt hàng phân bón sẽ được đánh thuế GTGT ở mức 5% thay vì không chịu thuế như hiện tại. Nhờ đó, các doanh nghiệp sản xuất được hoàn thuế GTGT cho chi phí đầu vào, làm giảm giá vốn hàng bán và cải thiện biên lợi nhuận.
Theo nhận định của VNDirect, các công ty sản xuất phân Urê có thể hưởng lợi nhiều hơn các công ty nhập khẩu và sản xuất NPK.
Trong khi hơn 50% tổng nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất Urê chịu thuế GTGT, phần lớn nguyên liệu sản xuất NPK là các loại phân đơn hiện đang được miễn thuế. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp sản xuất Urê sẽ được khấu trừ thuế cao hơn.
Các nhà sản xuất Urê như DPM và DCM hiện đang chịu thuế GTGT đầu vào 10% cho khí tự nhiên, điện, chất phụ gia,… Trong khi đó, các nhà sản xuất phân lân như LAS và VAF sử dụng nguyên liệu chính như quặng apatit,… chịu thuế đầu vào 5% nên sẽ được khấu trừ thuế thấp hơn, về mặt giá trị tuyệt đối.
Ảnh minh họa |
Theo Bộ Tài chính, việc chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%, các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón.
Việc quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5% là áp dụng ở tất cả các khâu: nhập khẩu, sản xuất, bán buôn, bán lẻ đến tay người tiêu dùng, do đó tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu cùng loại.
Tuy nhiên, giá mặt hàng phân bón được hình thành theo cơ chế thị trường; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng này được quyền tự định giá theo tín hiệu khách quan trên thị trường. Do đó, để không làm tăng chi phí đầu vào cho nông dân thì các doanh nghiệp phân bón phải hạ giá thành sản phẩm để không tăng giá bán mặt hàng phân bón. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón cần phải thực hiện các giải pháp như: tăng cường quản trị, rà soát để tiết giảm chi phí, từ đó giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Về dài hạn, theo nhận định của CTCP Chứng khoán Funan, ngành phân bón tiếp tục đối mặt với các khó khăn: suy giảm diện tích gieo trồng khiến tổng cầu không gia tăng, thời tiết thất thường kéo theo nhu cầu biến động, đồng thời tình trạng cung vượt cầu được dự báo bào mòn biên lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm