Quảng Trị tích cực cứu hồ tiêu khỏi ngập úng do mưa lớn kéo dài
Quảng Trị đang tăng cường cán bộ kỹ thuật về cơ sở để trực tiếp hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây hồ tiêu.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị cho biết, các đợt mưa lũ vừa qua đã làm hàng trăm héc ta hồ tiêu trên địa bàn tỉnh bị ngập úng, một số diện tích đã có hiện tượng rụng lá và chết. Mưa lớn, độ ẩm cao cũng đã tạo điều kiện cho các loại bệnh hại trên cây hồ tiêu như bệnh chết nhanh, chết chậm, thán thư… phát sinh, gây hại với diện tích nhiễm hơn 550 ha; trong đó bệnh chết nhanh có khả năng bùng phát trên diện rộng và gây hại nghiêm trọng các vườn hồ tiêu thoát nước kém, bị ngập úng.
Đơn cử như tại xã Gio An (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), các đợt mưa lớn kéo dài vừa qua đã làm địa bàn xuất hiện nhiều mạch “nước mội” phun lên và chảy tràn trên mặt đất. Bình thường trong mùa mưa các mạch nước này chỉ phun lên trong 5 - 7 ngày là hết nhưng năm nay do mưa quá lớn nên các mạch nước này phun lên mạnh hơn và kéo dài hơn gây ngập úng một số diện tích trồng tiêu trên địa bàn xã và làm cây tiêu bị chết. Trong tổng số 90 ha trồng hồ tiêu toàn xã đã có hơn 10 ha bị ngập úng, trong đó có 3 ha trồng tiêu hữu cơ; gây chết với tỉ lệ từ 30 - 40%, một số vườn bị chết 100%, làm thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân.
Quảng Trị tích cực cứu hồ tiêu khỏi ngập úng do mưa lớn kéo dài |
Lãnh đạo Chi cục TT&BVTV cho biết, đơn vị đang tăng cường cán bộ kỹ thuật về cơ sở để trực tiếp hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây tiêu nói riêng và các loại cây trồng khác nói chung nhằm khắc phục hậu quả và phục hồi sản xuất sau thiên tai.
Để chủ động phòng trừ dịch bệnh trên cây hồ tiêu, với những vườn bị ngập úng nông dân cần thực hiện gấp các giải pháp như nhanh chóng thoát nước cho vườn tiêu sau mưa lũ; đào hệ thống thoát nước theo ô bàn cờ, có độ sâu 40 - 50 cm, nếu đất có độ dốc cao thì đào theo hình xương cá; đào rãnh thoát nước chính sâu trên 50 cm xung quanh vườn; phá bỏ bồn giữ nước quanh gốc tiêu để tránh đọng nước. Thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện bệnh sớm, thu gom tàn dư cây bệnh mang ra khỏi khu vực vườn tiêu để đốt tiêu hủy, xử lý đất tại các gốc tiêu bị bệnh bằng vôi bột. Hạn chế đi lại trong vườn, không được bón thêm các loại phân hoặc phun thuốc kích thích khi chưa xử lý thuốc phòng bệnh.
Khi trời tạnh ráo, người dân có thể tiến hành sử dụng các loại thuốc hóa học đặc hiệu như Agrifos, Ridomil gold, Mataxyl... bằng cách phun lên toàn bộ cây và tưới vào gốc với liều lượng và cách sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Khuyến khích áp dụng các biện pháp trồng hồ tiêu theo hướng bền vững, hữu cơ, sinh học. Sử dụng giống có nguồn gốc, bảo đảm chất lượng; không nên phát triển diện tích hồ tiêu trồng mới ở những vùng không đủ điều kiện canh tác, vùng có mực nước ngầm cao.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm