Quảng Ninh nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng gắn với tiêu thụ sản phẩm
Việc ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất như nuôi thâm canh tôm chân trắng hai giai đoạn là mô hình đầu tư khép kín đã sớm được ngành nông nghiệp Quảng Ninh định hướng, áp dụng.
Ngày 2/10, tại Quảng Ninh, Trung tâm Khuyến nông (TTKN) TP Hải Phòng phối hợp với TTKN tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội thảo sơ kết dự án nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn bằng công nghệ biofloc gắn với tiêu thụ sản phẩm. Sự kiện được tổ chức nhằm đánh giá công nghệ, quy trình đối với ngành chăn nuôi tôm các tỉnh phía Bắc.
Hiện, ngành tôm đang đứng trước cơ hội rất lớn khi hiệp định thương mại tự do với các thị trường nhập khẩu (XK) tôm chủ lực có hiệu lực. Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, xuất khẩu (XK) thủy sản trong tháng 8/2020 tăng khoảng 10% so tháng 7/2020. Đặc biệt là nhóm hàng tôm và mực tăng trưởng rất mạnh. Từ khi Hiệp định EVFTA được thực thi, XK tôm vào thị trường EU trong tháng 8/2020 tăng 20% so cùng thời điểm năm 2019.
Quảng Ninh nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng gắn với tiêu thụ sản phẩm |
Nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng (Lipopenaeus vannamei) đã trở nên phổ biến ở nhiều nước trên thế giới và nhiều mô hình nuôi tôm cũng đã và đang được phát triển từ mô hình đơn giản đến công nghệ cao. Qua đó, người chăn nuôi thúc đẩy giao lưu, chia sẻ, giới thiệu một số kết quả công nghệ, giải pháp kỹ thuật, quản lý tốt giúp hệ sinh thái ngành tôm khỏe mạnh, thích ứng tốt hơn với các rúi ro, thách thức đến từ biến đổi khí hậu, thị trường, dịch bệnh, đạt được tiêu chuẩn quy định XK.
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Dự án “Xây dựng mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn bằng công nghệ biofloc gắn với tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh phía Bắc năm 2020” do TTKN TP Hải Phòng là chủ nhiệm dự án, sau đó phối hợp 5 tỉnh phía bắc bao gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định trực tiếp thực hiện từ năm 2019 đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
“Hiện có 17 hộ thực hiện mô hình với tổng diện tích 6,0495ha. Trong đó, giai đoạn 1 là 5.995m2; giai đoạn 2 là 5,54ha. Đây là mô hình ưu việt, tốn ít chi phí, phù hợp với tất cả các đối tượng nuôi, trồng tôm thuộc các vùng miền. Qua quá trình thực tế mô hình ở hộ gia đình anh Vũ Đình Quyến ở xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) tôi cho rằng đây là mô hình công nghệ cao so với các mô hình ở tỉnh Bạc Liêu, mặc dù đây là mô hình mới thực hiện. Chủ mô hình đã biết cách nắm bắt, vận dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, sản phẩm tôm đảm bảo ATTP”, ông Tiêu nói thêm.
Được biết, Quảng Ninh đã tận dụng phát triển nghề nuôi trồng thủy sản với đa dạng các đối tượng nuôi và đa dạng hình thức nuôi, một trong đó là tập trung vào các đối tượng nuôi đặc thù là tôm nước lợ, bao gồm Tôm Thẻ chân trắng và Tôm Sú, tập trung chủ yếu tại các địa phương Móng Cái, Tiên Yên, Quảng Yên, Hải Hà, Đầm Hà, Hoành Bồ. Tôm thẻ chân trắng được nuôi chủ yếu bằng hình thức bán thâm canh và thâm canh, tập trung tại các địa phương như Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Hoành Bồ, Quảng Yên.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất như nuôi tôm chân trắng hai giai đoạn là mô hình đầu tư khép kín đã sớm được ngành nông nghiệp địa phương định hướng, áp dụng. Qua đó, nâng cao tỷ lệ tôm sống, tạo điều kiện tăng năng suất, sản lượng trên một đơn vị diện tích và đặc biệt là thuận lợi cho việc xử lý chất thải trong vụ, nuôi.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm