PVN ứng phó biến đổi khí hậu
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Xác định mục tiêu và nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu, PVN là đơn vị tiên phong trong Bộ Công Thương đã xây dựng thành công kế hoạch hành động giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030, với các mục tiêu, nhiệm vụ và hành động thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) trên cơ sở cơ sở bám sát mục tiêu của “Quy hoạch phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035”. Các hành động giảm thiểu, thích ứng với BĐKH được triển khai trên cơ sở huy động tiềm năng ở tất cả các lĩnh vực cốt lõi của PVN.
Giảm 15,55 triệu tấn CO2 vào năm 2025
Mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Tập đoàn tới năm 2025 giảm 15,55 triệu tấn CO2 so với năm 2010 tương đương 2,86% so với kịch bản thông thường và tới năm 2030 giảm 23,53 triệu tấn CO2, tương đương 2,44% so với kịch bản thông thường. Chính vì vậy sau khi ban hành Kế hoạch ứng phó BĐKH, Tập đoàn đã triển khai mạnh mẽ các giải pháp.
Việc hạn chế đốt bỏ và triệt để thu hồi, sử dụng khí đồng hành đã được Tập đoàn áp dụng nghiêm ngặt đối với tất cả các nhà thầu dầu khí khai thác ngoài khơi. Lượng khí Hydrocacbon đốt bỏ trên các công trình khai thác ngoài khơi chủ yếu là từ hoạt động duy trì đuốc đốt trên các giàn công nghệ, FPSO và hoạt động đốt khẩn cấp.
Được biết, kể từ năm 2016, lượng khí Hydrocacbon đốt bỏ ngoài khơi tiếp tục xu hướng giảm. Trong tương lai, Tập đoàn cùng với các nhà thầu sẽ cố gắng kiểm soát tốt hơn nữa các hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi, giảm tối đa các sự cố vượt áp nhằm hạn chế tối đa lượng hydrocacbon đốt bỏ. Dự án “Cải hoán và mở rộng công suất nén khí Lô 09-1” của VSP đang thi công sẽ góp phần nâng cao công suất nén khí về bờ và khí gaslift, tận thu khí đồng hành ở vòm Bắc mỏ Bạch Hổ và tăng khả năng khai thác dầu, giảm thiểu đốt bỏ khí ngoài khơi.
Đối với khí thải trên bờ của Tập đoàn phần lớn phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy lọc hóa dầu, nhà máy sản xuất đạm và nhà máy xử lý khí. Năm 2019, khí thải phát sinh từ các công trình/ nhà máy trên bờ với lượng gần 156,7 tỉ m3 , tương đương với giai đoạn 2018. Trong đó các nhà máy điện và lọc hóa dầu chiếm hơn 90% lượng khí thải. Khí thải tại các nhà máy trước khi thải ra môi trường đều được qua các hệ thống xử lý khí thải như: lọc bụi (lọc túi, lọc tĩnh điện ESD), khử SOx (hấp thụ lưu huỳnh FGD bằng nước biển hoặc đá vôi), khử NOx (khử xúc tác SCR)... tùy theo cấu hình của từng loại nhà máy, loại và hàm lượng chất ô nhiễm khi phát thải ra môi trường đều được các đơn vị giám sát chặt chẽ theo đúng tiêu chuẩn môi trường và quy định pháp luật. Các nhà máy nhiệt điện, lọc hóa dầu, sản xuất đạm của Tập đoàn đều được lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương giám sát theo đúng quy định.
Cam kết mạnh mẽ tiết kiệm năng lượng
PVN nhấn mạnh những cam kết mạnh mẽ về tiết kiệm năng lượng, hướng tới sản xuất sạch hơn, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tiết kiệm nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường sống trong các lĩnh vực cốt lõi.
Lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí: Các đơn vị chủ động trong hoạt động nghiên cứu làm lợi hàng trăm tỉ đồng cho Tập đoàn, điển hình như: tập trung thu gom toàn bộ khí khai thác được để đưa về bờ hoặc tiến hành bơm ép khí đồng hành xuống mỏ để hạn chế lượng khí đồng hành đốt bỏ ngoài khơi. Nhiều đơn vị và nhà thầu như PVEP, VSP, JVPC... đều thực hiện chính sách tiết kiệm năng lượng, rà soát, điều chỉnh định mức tiêu thụ nhiên liệu của các giàn, tàu chứa dầu, tàu dịch vụ, giàn khoan tự nâng... Đặc biệt trong lĩnh vực khí chủ yếu tập trung vào tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nguyên nhiên liệu và kiểm soát, cải hoán công nghệ sản xuất. Điển hình Nhà máy Xử lý khí Nam Côn Sơn là đơn vị đi đầu với các giải pháp về theo dõi và giảm thiểu tối đa lượng khí phát thải qua đốt đuốc tại nhà máy và sử dụng công nghệ tận dụng nhiệt thải từ máy phát điện chạy khí qua hệ thống thu hồi nhiệt “Waste Heat Recover Unit-WHRU”, cung cấp nhiệt cho hệ thống dầu nóng công nghệ.
Trong lĩnh vực chế biến dầu khí điển hình là Công ty Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR) là một trong 10 doanh nghiệp được lựa chọn để thực hiện chương trình kiểm toán năng lượng trong khuôn khổ Dự án Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), tháng 12/2018, BSR đã được các chuyên gia năng lượng Hàn Quốc tiến hành kiểm toán năng lượng. Kết quả kiểm toán cho thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng tại BSR là rất lớn. Đơn vị kiểm toán đã đề xuất 25 giải pháp, trong đó tiêu biểu là lắp đặt thêm bộ tách nóng, thu hồi và tận dụng nhiệt thải và sử dụng hệ thống phát điện độc lập PRT. Nếu thực hiện hết 25 giải pháp này, với chi phí đầu tư dự kiến sơ bộ khoảng 78,2 triệu USD, Công ty có tiềm năng tiết kiệm được 27,3 Gcal/h nhiên liệu và 22,5 MW điện năng, tương đương 51,4 triệu USD/năm. Thời gian thu hồi vốn chưa đến 2 năm. Năm 2019, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau triển khai dự án Permeate Gas nhằm tận dụng nguồn khí giá rẻ cho sản xuất, qua đó tiết giảm chi phí thông qua việc tối ưu và tiết kiệm năng lượng.
Việc triển khai dự án thành công không chỉ tiết giảm chi phí sản xuất, làm lợi cho công ty khoảng 50 tỉ VND/năm mà còn thể hiện được chủ trương tối ưu hóa, tiết kiệm năng lượng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và đánh dấu sự trưởng thành củađội ngũ kỹ sư nhà máy Đạm Cà Mau mà đặc biệt việc đưa hệ thống vận hành gas vào đúng thời điểm Công ty đang phải đối mặt với mức giá khí dự báo cao hơn nhiều lần hiện hữu càng làm nổi bật thêm tính hiệu quả của dự án này.
Ở lĩnh vực sản xuất điện: PV Power đã thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm điện như tận dụng tối đa nguồn sáng tự nhiên; thay thế các thiết bị thông thường bằng các thiết bị tiết kiệm điện; bố trí các thiết bị sử dụng điện năng một cách khoa học; lắp đặt thêm các thiết bị phụ trợ nâng cao hiệu suất điện; thường xuyên bảo trì, cải tạo mạng lưới điện, đồng thời vận hành và quản lý kỹ thuật tốt để tránh lãng phí điện năng, thực hiện hợp tác quốc tế để nghiên cứu tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu.
Lĩnh vực dịch vụ dầu khí: PV Trans thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng như tăng chu kỳ bảo dưỡng thiết bị của máy chính, vệ sinh kim phun của máy chính để tiết giảm lượng dầu đốt cho máy chính trong quá trình tàu vận hành, giải pháp bảo dưỡng vỏ tàu hằng năm tiết kiệm được 20-30 tấn dầu DO/FO cùng với giảm chi phí sơn mới; PTSC thực hiện nhiều giải pháp như chiếu sáng tự nhiên, năng lượng mặt trời. PV Oil nghiên cứu giải pháp lắp đặt mái phao cho các kho xăng dầu gồm kho Nhà Bè, kho miền Đông, kho Chân Mây, kho Tây Ninh, kho Đình Vũ, kho Vũng Áng, hằng năm giảm thiểu được bay hơi khoảng 80% so với không lắp đặt.
Phát triển năng lượng tái tạo
Không những cam kết giảm phát thải nhà kính, tiết kiệm năng lượng mà PVN còn đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo. Các nhà máy thủy điện thuộc Tập đoàn như: Nậm Cắt, Đakđrinh, Hủa Na đều được duy trì sản xuất, góp phần vào sản lượng điện của Tập đoàn cho điện lưới quốc gia.
Nhà máy Bio-ethanol Dung Quất đã sản xuất vận hành lại vào tháng 10/2018 và tới tháng 04/2019 đã cung cấp gần 2.000 m3 Ethanol sản phẩm ra thị trường với chất lượng tốt để pha chế xăng sinh học đã thúc đẩy việc phát triển năng lượng sạch và sản xuất kinh doanh nhiên liệu sinh học, góp phần bảo vệ môi trường. Các đơn vị thuộc Tập đoàn là VSP, PVC-MS đã triển khai các dự án điện gió ngoài khơi tỉnh Bình Thuận. PV Power có nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư các dự án điện mới, nghiên cứu mở rộng nguồn nhiên liệu mới, các loại hình năng lượng sạch như điện mặt trời, điện sử dụng khí LNG…
Những hành động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với ứng phó biến đổi khí hậu thể hiện cam kết mạnh mẽ về trách nhiệm và nghĩa vụ liên quan tới vấn đề biến đổi khí hậu gắn chặt với chiến lược cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính đến năm 2030 của Chính phủ Việt Nam.
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường