Pfizer hoàn thành thử nghiệm vaccine Covid-19 với hiệu quả lên tới 95%
Ngày 18/11, Hãng dược Pfizer vaccine BNT162b2 đã hoàn tất giai đoạn thử nghiệm cuối cùng với hiệu quả lên tới 95% và tác dụng phụ không đáng kể.
Đại diện hãng Pfizer cho biết, đây là kết quả hoàn chỉnh đầu tiên của một thử nghiệm giai đoạn cuối. Dữ liệu cho thấy vaccine ngăn ngừa các dạng nhẹ và nghiêm trọng của Covid-19, hiệu quả 94% ở người lớn tuổi, nhóm dễ bị tổn thương khi nhiễm nCoV nghiêm trọng.
Pfizer đang lên kế hoạch nộp đơn xin phê duyệt khẩn cấp lên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) trong vòng vài ngày tới, kỳ vọng sớm cho ra mắt loại vaccine hiệu quả, góp phần chấm dứt đại dịch.
Kết quả thử nghiệm được công bố chưa đầy một năm sau khi các nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu vaccine, phá vỡ mọi kỷ lục về tốc độ phát triển. Quá trình này vốn kéo dài nhiều năm, thậm chí cả thập kỷ.
"Kết quả nghiên cứu đánh dấu mốc quan trọng trong hành trình lịch sử kéo dài 8 tháng để đưa ra một loại vaccine có thể giúp chấm dứt đại dịch tàn khốc này", tiến sĩ Albert Bourla, giám đốc điều hành của Pfizer, cho biết trong một tuyên bố.
Nếu FDA cấp phép, công ty có thể sản xuất tới 50 triệu liều tiêm vào cuối năm, đạt 1,3 tỷ liều vào năm 2021. Chỉ khoảng một nửa nguồn cung đó được phân phối cho Mỹ, đủ dùng cho khoảng 12,5 triệu người. Chính phủ Mỹ dự định tiêm chủng miễn phí cho người dân, theo các điều khoản của thoả thuận trị giá 1,95 tỷ USD mà chính phủ liên bang đã ký kết với Pfizer. Giá bán vaccine Pfizer 39 USD một liều gồm hai mũi (19,5 USD một mũi).
Kết quả khác phù hợp với dữ liệu ban đầu hãng đã báo cáo hồi tuần trước, cho thấy vaccine hiệu quả 90%.
Thử nghiệm giai đoạn ba của Pfizer tiến hành với gần 44.000 tình nguyện viên, chia làm hai nhóm. Một nửa tiêm vaccine, còn lại dùng giả dược. Sau đó, các chuyên gia chờ đợi xem có bao nhiêu người nhiễm nCoV. Đến nay, công ty cho biết trong số 170 tình nguyện viên mắc Covid-19, chỉ 8 người tiêm vaccine, còn lại 162 người dùng giả dược. Trong số 10 trường hợp có triệu chứng nghiêm trọng, chỉ một người tiêm vaccine.
Pfizer và đối tác Đức BioNTech cho biết hiệu quả của vaccine nhất quán trên từng độ tuổi, chủng tộc và dân tộc. Tác dụng phụ nghiêm trọng và thường gặp nhất là mệt mỏi. 3,7% tình nguyện viên cho biết họ bị mệt sau khi tiêm mũi vaccine thứ hai. 2% báo cáo triệu chứng đau đầu. Người lớn tuổi gặp ít tác dụng phụ hơn.
Vaccine BNT162b2 của Pfizer được điều chế dựa trên phân tử di truyền RNA, có khả năng kích thích tế bào người tạo ra protein virus. Sau đó, hệ miễn dịch tiếp xúc với protein và sinh ra kháng thể, các tế bào miễn dịch nhận biết và tiêu diệt mầm bệnh.
Akiko Iwasaki, chuyên gia miễn dịch tại Đại học Yale, cho biết: "Điều này khá tuyệt vời. Chúng tôi hiểu rằng vaccine cúm rất khó đạt hiệu quả ở nhóm tuổi này. Vì vậy con số 94% thực sự ấn tượng".
Giới chức y tế cho biết những liều vaccine đầu tiên rất có thể sẽ dành cho người dễ bị bệnh hoặc các y bác sĩ tuyến đầu, có nguy cơ phơi nhiễm virus cao. Cả Pfizer và Moderna đều thừa nhận tình hình căng thẳng của đại dịch đã thúc đẩy tốc độ phát triển và thử nghiệm vaccine, bởi tình nguyện viên nhiễm nCoV ngày một nhiều.
Sau Pfizer, Nga cũng công bố vaccine Sputnik của họ đạt hiệu quả 92% song không thông tin dữ liệu chi tiết. Hãng dược Moderna vài ngày trước cũng thông báo vaccine của họ hiệu quả 94,5%.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo