Omicron giúp thế giới thoát khỏi giai đoạn đại dịch, COVID-19 rồi sẽ trở thành bệnh đặc hữu?
Biến thể Omicron khiến mức độ lây nhiễm trong cộng đồng gia tăng. Liệu việc miễn dịch tự nhiên và miễn dịch do vaccine cùng với sự xuất hiện của Omicron có giúp thế giới tiến nhanh hơn tới kịch bản COVID-19 là bệnh đặc hữu hay không?
Theo Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA), nhận định ngày 11/1 vừa qua. COVID-19 hiện vẫn là đại dịch nguy hiểm, tuy nhiên sự lây lan của biến thể Omicron đang khiến COVID-19 dần dần trở thành một căn bệnh đặc hữu mà con người có thể sống chung.
Ông Marco Cavaleri, người phụ trách chiến lược vaccine của EMA phát biểu với báo giới, không ai có thể biết chính xác khi nào đại dịch sẽ kết thúc song ông tin tưởng các nước sẽ ở vào thời điểm đó.
Chuyên gia này nhấn mạnh "chúng ta vẫn ở trong giai đoạn đại dịch," số ca nhiễm mới gia tăng do Omicron lây lan đang gây áp lực lớn đối với hệ thống y tế. Tuy nhiên, với số ca lây nhiễm trong cộng đồng ngày một tăng, sự xuất hiện của biến thể Omicron và miễn dịch tự nhiên, miễn dịch do vaccine tạo ra sẽ giúp thế giới tiến nhanh hơn tới kịch bản COVID-19 là bệnh đặc hữu.
Cũng trong ngày 11/1, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, hơn 50% dân số châu Âu có thể nhiễm Omicron trong 2 tháng tới, đồng thời cảnh báo việc tiêm nhắc lại các mũi tăng cường vaccine không phải "chiến lược bền vững."