Nước mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long lên cao dịp Tết Nguyên đán
Theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền nam, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khả năng sẽ chịu cảnh hạn hán, xâm nhập mặn.
Hiện nay, lưu vực sông Mekong đang ở thời kỳ mùa khô năm 2020-2021. Từ ngày 5-24/1 vừa qua, thủy điện Cảnh Hồng ở Trung Quốc giảm xả nước xuống hạ lưu để bảo trì lưới điện, lưu lượng xả giảm xuống còn khoảng 1.000m³/s.
Ngày 28/1, nước xả ra từ thủy điện Cảnh Hồng vẫn thấp, chưa có dấu hiệu tăng trở lại. Nước mặn sẽ lên cao nhất đúng dịp Tết Nguyên đán (từ ngày 8/2 đến 16/2).
Hai yếu tố thượng lưu quan trọng tác động đến diễn biến nguồn nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL là lượng trữ trong Biển Hồ (Tonle Sap) và dòng chảy đến Kratie ở Campuchia. Tại trạm Kratie, mực nước trong tuần qua giảm 0,04m so với tuần trước. Còn tại Biển Hồ, dung tích nước là 5 tỷ m3, mặc dù cao hơn so với năm 2020 và năm 2016 nhưng thấp hơn 2,67 tỷ m3 so với trung bình nhiều năm (7,67 tỷ m3).
Nước mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long lên cao dịp tết Nguyên đán |
Dự báo nguồn nước mùa năm 2020-2021 về đồng bằng thấp, khả năng hạn mặn lịch sử đã được dự báo từ sớm. Việc giảm xả thủy điện Trung Quốc với thời gian kéo dài trong tháng 1 sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn nước và mặn lên cao nhất từ 8-16/2 (nhằm 27 tháng Chạp đến mùng 5 Tết Tân Sửu 2021). Trong thời gian này, mặn 4g/l có thể xâm nhập vào sâu trên dòng chính, các cửa sông Cửu Long 48-70km, 75-90km trên sông Vàm Cỏ và 50-55km trên sông Cái Lớn.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, từ ngày 1 – 10/2, ở thượng nguồn sông Mê Kông và khu vực Nam Bộ tiếp tục phổ biến ít mưa, ban ngày có nắng. Nhiệt độ dao động khoảng 23 – 33 độ C.
Mực nước các trạm trên dòng chính sông Mê Kông tiếp tục giảm dần, mực nước các trạm ở mức thấp hơn TBNN từ 0,1 – 1,0 m. Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu xuống chậm theo triều. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,55 m; tại Châu Đốc 1,65 m, cao hơn TBNN cùng kỳ từ 0,05 – 0,2 m.
Dự báo xu thế xâm nhập mặn từ ngày 1-10/2/2021 có thể sẽ giảm dần trong những ngày cuối tuần và sau đó tăng trở lại. Độ mặn cao nhất tuần tại các trạm ở mức tương đương so với độ mặn cao nhất tuần từ 21 – 31/1.
Chiều sâu ranh mặn 1 g/l trong thời kỳ này có khả năng như sau:
– Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây: Phạm vi xâm nhập mặn 65 – 75 km;
– Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại: Phạm vi xâm nhập mặn 57 – 60 km;
– Sông Hàm Luông, Cổ Chiên: Phạm vi xâm nhập mặn 60 – 70 km;
– Sông Hậu: Phạm vi xâm nhập mặn 55 – 60 km;
– Sông Cái Lớn: Phạm vi xâm nhập mặn 40 – 45 km;
Chiều sâu ranh mặn 4 g/l trong thời kỳ này có khả năng như sau:
– Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây: Phạm vi xâm nhập mặn 53 – 60 km;
– Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại: Phạm vi xâm nhập mặn 45 – 55 km;
– Sông Hàm Luông, Cổ Chiên: Phạm vi xâm nhập mặn 50 – 57 km;
– Sông Hậu: Phạm vi xâm nhập mặn 45 – 53 km;
– Sông Cái Lớn: Phạm vi xâm nhập mặn 30 – 37 km.
Trước tình hình trên, các địa phương tại ĐBSCL đã nắm bắt thông tin và đưa ra các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước sinh hoạt, xâm nhập măn, ... Việc lấy và tích đủ nước muộn nhất trước ngày 7/2 sẽ góp phần giảm thiệt hại khi mặn tăng cao trong dịp Tết.
Trước đó, sau khi có thông tin đập thủy điện Cảnh Hồng ở Trung Quốc giảm lưu lượng xả nước, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo hỏa tốc giao Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT theo dõi chặt chẽ, dự báo kịp thời diễn biến dòng chảy sông Mekong và xâm nhặp mặn tại ĐBSCL, chủ động chỉ đạo, điều hành sản xuất phù hợp, hạn chế thiệt hại.
Còn tại ĐBSCL, để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân trước, trong và sau Tết Tân Sửu 2021, các địa phương lên kế hoạch chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm