Những vụ kiện bản quyền khiến Facebook lao đao trong năm 2019
Facebook không ít lần phải ra tòa vì các vụ tranh chấp bản quyền trong năm 2019. Mới đây, Facebook đã bị một công ty kiện vì ăn cắp bản quyền logo Libra.
Facebook bị kiện vì ăn cắp bản quyền logo Libra
Facebook đã bị Công ty dịch vụ tài chính Finco Services kiện vì ăn cắp bản quyền logo dấu ngã xoáy cho dự án tiền ảo Libra tại một tòa án ở New York, Mỹ. Được biết, đây là công ty cung cấp dịch vụ ngân hàng trực tuyến thông qua một ứng dụng di động, kinh doanh dưới tên Current. Vào năm 2016, họ đã trả tiền cho một công ty có tên là Character SF để thiết kế logo cho thương hiệu mà công ty đã đăng ký với Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu Hoa Kỳ (U.S. Patent and Trademark Office).
Việc đăng ký này bao gồm một số hoạt động kinh doanh, đặc biệt có liên quan đến một ứng dụng thanh toán di động được sử dụng cho các giao dịch dựa trên tiền điện tử. Vấn đề nảy sinh khi Facebook cũng tìm đến Character SF để thiết kế logo cho tiền điện tử Libra. Kết quả, các thiết kế với hình dạng dấu ngã mà Facebook nhận được lại gần như giống hệt với logo được Finco sử dụng cho ứng dụng Curent và thẻ ghi nợ.
CEO của công ty này đã cáo buộc Facebook không chỉ sao chép thiết kế logo của mình mà còn ăn cắp mô hình công ty của mình.
Facebook đáp trả ‘cực gắt’ các website xâm phạm bản quyền
Gã khổng lồ công nghệ đang sử dụng luật bản quyền trong nỗ lực ngăn chặn các trang web lừa đảo và hack tài khoản Facebook...
Trong đơn kiện mà Facebook đã đệ trình mới đây tại California, họ cáo buộc OnlineNIC và ID Shield về vi phạm thương hiệu và bản quyền.
Hai công ty đã lưu trữ các trang web như "HackingFacebook.net" được cho là nơi cung cấp các công cụ để lừa đảo và hack tài khoản Facebook. Theo các hồ sơ tại tòa án, Facebook cho biết họ đã gửi nhiều yêu cầu gỡ xuống hai máy chủ tên miền, cho rằng các trang web này đang xâm phạm nhãn hiệu của công ty.
"Mọi người tin tưởng vào chúng tôi để bảo vệ tính toàn vẹn của các ứng dụng và dịch vụ", một phát ngôn viên của Facebook cho biết. "Chúng tôi không tha thứ cho những người tạo địa chỉ web giả mạo liên quan đến hệ thống ứng dụng của chúng tôi. Vụ kiện hôm nay cho thấy chúng tôi sẽ có hành động chống lại những người đứng sau vụ lạm dụng này".
Trong vụ kiện, Facebook đã liệt kê ít nhất 20 trang web sử dụng tên và hình ảnh của công ty trên các trang web được lưu trữ trực tuyến bởi NIC và ID Shield, nhiều trong số đó được cho là có các hoạt động bất hợp pháp trên Facebook và Instagram. Các tên miền bao gồm: "HackSomeonesFacebook.com" hoặc "BuyInstagramFans.com"…
Trang web này cũng lưu trữ các URL được thiết kế trông giống như các URL chính thức của Facebook và Instagram, được cho là nhằm lừa người dùng truy cập để ăn cắp mật khẩu một cách dễ dàng. Điển hình là trang web có URL "m-facebook-login.com" được thiết kế trông giống hệt trang đăng nhập của Facebook.
Facebook nhận khoản phạt kỷ lục 5 tỷ USD
Khoản tiền phạt với Facebook được Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đưa ra sau cuộc điều tra kéo dài hơn một năm, đánh dấu sự kiện lớn nhất trong lịch sử của cơ quan này.
FTC đã mở cuộc điều tra liên quan tới các hoạt động dữ liệu của Facebook vào 3/2018, một tuần sau khi có thông tin về vụ Cambridge Analytica thu thập dữ liệu của hàng chục triệu người dùng Facebook. Điều tra sơ bộ xác định chính sách lỏng lẻo của mạng xã hội này đã tạo điều kiện cho một học giả lấy thông tin mà người dùng không hay biết.
Năm 2011, Facebook cam kết với FTC rằng sẽ không chia sẻ dữ liệu của người dùng với bên thứ ba khi chưa được sự cho phép của họ. Nó là một phần trong thỏa thuận giải quyết các cáo buộc lừa dối người dùng, bảo mật kém của mạng xã hội này. Tuy nhiên đến tận 2015, Facebook mới thực sự chặn quyền truy cập của Cambridge Analytica.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo