0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ hai, 23/11/2020 18:18 (GMT+7)

Những tín hiệu đáng mừng trong quá trình sản xuất vaccine Covid-19 tại Việt Nam

Sau nhiều tháng huy động các nhà khoa học, sản xuất và nghiên cứu, tiến trình cho ra đời vắcxin COVID-19 ở Việt Nam đã có những tín hiệu tích cực, kỳ vọng cuối tháng 11 có kết quả tiền lâm sàng.

Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Hoa Sơn, Phó trưởng Phòng Quản lý khoa học công nghệ, Cục Công nghệ, Bộ Y tế cho biết: “Việt Nam đã có 3 vaccine tiềm năng đang trong giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng (thử nghiệm trên động vật - PV). Kỳ vọng cuối tháng 11 có kết quả tiền lâm sàng”.

  Hiện vaccine của Công ty Nanogen là ứng viên tiềm năng nhất trong số 4 đơn vị tham gia nghiên cứu vaccine Covid-19. Dự kiến sau khi công ty hoàn thành hồ sơ nghiên cứu trên động vật sẽ chuyển sang thử nghiệm trên người, thời gian dự kiến vào tháng 12/2020.

vaccine

 Những tín hiệu đáng mừng trong quá trình sản xuất vaccine Covid-19 tại Việt Nam

Theo đề xuất của đơn vị sản xuất, tại giai đoạn này, vaccine sẽ được sử dụng để tiêm thử nghiệm trên nhóm nhỏ gồm 60 người tình nguyện. Trước đó, vaccine này cũng đã được gửi ra nước ngoài làm test thử trên động vật linh trưởng để đánh giá tính an toàn, khả năng sinh miễn dịch trên động vật.

Cùng với Nanogen, Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) cũng đang trong quá trình hoàn thiện đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19. Công ty TNHH Một thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) đã bắt đầu thử nghiệm tiền lâm sàng vaccine Covid-19 trên khỉ.

Dự kiến, sau khi tiêm xong, khỉ sẽ được theo dõi thời gian ngắn, sau đó tiếp tục lấy mẫu máu để làm các xét nghiệm miễn dịch. Trước đó, đơn vị này cũng đã thử nghiệm vaccine Covid-19 trên chuột.

“Mặc dù, gặp rất nhiều khó khăn nhưng đến thời điểm này, chúng ta đã nhận tín hiệu đáng mừng khi vaccine Covid-19 made in Việt Nam dần lộ diện, góp mặt cùng 187 công ty, nhóm đang phát triển vaccine ngừa Covid-19 trên thế giới, trong đó có 38 loại đang ở giai đoạn thử nghiệm trên người”, ông Sơn cho hay.

Theo TS. Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Vabiotech, yêu cầu sản xuất vaccine rất cao trong khi thời gian là một áp lực rất lớn đối với các nhà sản xuất vaccine.

“Trong quá trình làm, có những giai đoạn đặt ra yêu cầu chúng tôi phải thành công chỉ trong 1 lần thực hiện, bởi nếu làm sai chúng tôi có thể lại mất vài tháng để đặt hàng nguyên, vật liệu từ nước ngoài về…

Đến giờ, dù các bước đi có chậm hơn so với nhiều nhà sản xuất vaccine khác trong và ngoài nước nhưng chúng tôi quan niệm “làm đến đâu, chắc đến đó”, đồng thời, đặt kỳ vọng vaccine của mình ra sau nhưng có thể giải quyết được cả những câu hỏi còn bỏ ngỏ của những vaccine đã đi trước…”, TS. Đạt cho biết.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam đã tham gia liên minh được quyền ưu tiên tiếp cận vắcxin ngừa COVID-19, ngay sau khi vắcxin của các nhà sản xuất cán đích đầu tiên xuất hiện trên thị trường.

Khi tham gia Liên minh này, Việt Nam có thể mua được vắcxin với giá ưu đãi. Dù vậy, theo ước tính, chi phí để tiêm ngừa vắcxin cho toàn dân sẽ là rất lớn.

Do đó, việc tự chủ được vắcxin là rất cần thiết. Theo Bộ Y tế, mục tiêu đến quý IV/2021 sẽ có vắcxin Việt Nam đã hoàn thành tất cả các khâu thử nghiệm, chuẩn bị cho khâu xuất hiện chính thức phục vụ nhu cầu tiêm chủng.

Trên thế giới, hiện có 187 công ty, nhóm đang phát triển vắcxin ngừa COVID-19, trong đó có 38 loại đang ở giai đoạn thử nghiệm trên người, có 9 sản phẩm đang thử nghiệm ở giai đoạn 3, tức là trên nhóm lớn người tình nguyện.

Đến nay, Việt Nam đã sản xuất được 12 loại vắcxin và là một trong 25 quốc gia trên thế giới sản xuất được vắcxin; một trong 4 nước châu Á có thể tự sản xuất vắcxin phối hợp sởi-rubella sau Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.

Ngay từ năm 1962, dù trong điều kiện đất nước khó khăn nhưng Việt Nam đã nghiên cứu sản xuất thành công vắcxin bại liệt - một loại vắcxin quan trọng.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, những năm 1959-1960 bùng phát dịch bại liệt lớn ở các tỉnh phía Bắc, làm 17.000 người mắc bệnh và 500 người tử vong, mỗi năm hàng nghìn trẻ em bị di chứng bại liệt suốt đời, tỷ lệ mắc lên đến trên 126/100.000 dân. Năm 1961, với vắcxin Liên Xô hỗ trợ, tỷ lệ mắc bại liệt đã giảm xuống 3,09/100.000 dân. Để chủ động phòng, chống, Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch đã yêu cầu sản xuất vắcxin phòng bại liệt.

Năm 1962, vắcxin sabin phòng bại liệt do Việt Nam nghiên cứu sản xuất ra đời, nhờ đó tỷ lệ mắc bệnh bại liệt giảm rõ rệt, đặc biệt từ khi Việt Nam thực hiện Tiêm chủng mở rộng vào năm 1985. Đến năm 2000, Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới công nhận đã thanh toán bệnh bại liệt trên toàn quốc.

Sau đó ngành sản xuất vắcxin tiếp tục phát triển và cho ra đời các sản phẩm chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, như: Đậu mùa, tả, thương hàn, ho gà, giải độc tố bạch hầu, lao, vắcxin phòng dại, viêm não Nhật Bản, viêm gan B... Hầu hết các sản phẩm đều đã được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo

Bạn đang đọc bài viết Những tín hiệu đáng mừng trong quá trình sản xuất vaccine Covid-19 tại Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Mrs Grand Vietnam 2024 chính thức khởi động
Công ty TNHH Truyền thông Phan Oanh Media và BTC cuộc thi Hoa hậu Quý bà Hòa bình Việt Nam vừa chính thức công bố khởi động mùa 2 cuộc thi Mrs Grand Vietnam 2024- Hoa hậu Quý bà Hòa bình Việt Nam 2024.

Tin mới