Những thương hiệu thời trang nào bị làm giả nhiều nhất thế giới?
Xã hội càng phát triển, nhu cầu sử dụng những món đồ cao cấp tăng lên và cũng vì thế mà hàng giả hàng nhái ngày càng trở thành vấn nạn đáng lo ngại.
Mức sống của con người ngày càng được nâng cao đồng nghĩa với nhu cầu sử dụng sản phẩm thời trang cao cấp ngày càng gia tăng. Việc sở hữu những món hàng hiệu đắt tiền hiện đang trở thành xu hướng thời trang của rất nhiều nghệ sĩ, đại gia hay những "dân chơi”, nhưng không phải ai cũng đủ giàu để có thể xách một chiếc túi LV, mang một đôi giày Gucci chính hiệu với giá ngất ngưởng. Cũng có những người đầu tư nhiều tiền vào đồ hiệu nhưng lại không tỉnh táo và tinh tế để phân biệt được thật giả.
Đánh vào tâm lý chuộng đồ hiệu của người tiêu dùng, “ngành công nghiệp” hàng giả, hàng nhái ra đời và phát triển nhanh chóng. Các thương hiệu thời trang trở thành nạn nhân của ngành công nghiệp hàng giả tất nhiên là những cái tên nổi tiếng cao cấp bậc nhất hoặc cực kì phổ biến và được tin dùng.
Dưới đây là top thương hiệu thời trang cao cấp bị làm giả nhiều nhất thế giới hiện nay.
The North Face
The North Face là một trong những thương hiệu toàn cầu chuyên sản xuất quần áo, giày dép và phụ kiện chuyên dụng, mà bất cứ ai yêu thích các môn vận động ngoài trời và thể thao mạo hiểm đều không thể không biết đến. Bởi vậy mà các sản phẩm của The North Face được người tiêu dùng yêu chuộng và cả những kẻ chuyên làm hàng giả vô cùng quan tâm.
The North Face là thương hiệu quần áo được làm giả nhiều nhất thế giới. Năm 2013, cảnh sát bắt giữ 17.955 vụ làm giả quần áo trong đó The North Face chiếm số lượng lớn. Năm 2015, cơ quan Hải quan Hoa Kỳ đã thu giữ 50.000 áo khoác The North Face tại một bang ở New York - nơi tưởng như hàng giả không thể trà trộn vào. Từ đó đến nay, cuộc chiến của The North Face chống lại những kẻ làm giả hàng hóa chưa bao giờ có hồi kết.
Cartier
Cartier là một trong những nhãn hiệu từng được vua King Edward VII trao tặng danh hiệu "trang sức dành cho vua và vua của các loại trang sức", bởi vậy, giá trị các sản phẩm của Cartier đắt đỏ đến mức xa xỉ. Không có gì lạ lùng, khi các cơ sở sản xuất hàng giả lại coi đây là miếng bánh béo bở và cùng nhau tạo ra số lượng lớn đồ nhái để kiếm lời.
Trang sức bị làm giả ở nhiều nơi trên thế giới ảnh hưởng không hề nhỏ tới thương hiệu và doanh thu của Cartier. Công ty này nỗ lực để chống lại những kẻ xấu bằng cách chặn tất cả các trang web chưa được ủy quyền bán hàng chính hãng. Mới đây, Cartier mạnh tay răn đe các công ty sản xuất hàng giả bằng hành động cho nghiền nát 2000 đồng hồ nhái ngay trên đại lộ 5 New York.
Hermès
Hermès là một thương hiệu nổi tiếng xa xỉ đến từ kinh đô thời trang Paris. Các sản phẩm của hãng cho đến giờ vẫn được các người thợ thủ công Pháp thực hiện tỉ mỉ bằng tay từ 18-24 giờ với chất liệu da cao cấp. Tuy nhiên, các chuyên gia làm giả vẫn có thể qua mặt người tiêu dùng để buôn bán trót lọt rất nhiều đồ mang thương hiệu Hermès.
Các sản phẩm bằng da của hãng này là đối tượng bị làm giả nhiều nhất. Tháng 7/2014, một lô thắt lưng Hermes nhái trị giá 3,2 triệu USD đã bị phát hiện và tịch thu tại cảng Los Angeles. Bên cạnh đó, hàng nghìn chiếc ví Hermes giả được bày bán tại Hakodake, Nhật Bản cũng bị bắt giữ.
Levi's
Thương hiệu Levi’s – kẻ khổng lồ trong lĩnh vực đồ jeans/denim, đồng thời là nhà phát minh của những chiếc quần jeans đầu tiên. Quần áo mang Nhãn hiệu Levi’s thường có mức giá không quá cao nhưng hàng giả vẫn luôn ngập tràn trong những cửa hàng quần áo thông thường, tại các chợ đầu mối hay trên internet với giả rẻ gấp nhiều lần so với hàng chính hãng và chất lượng kém.
Adidas
Giải quyết vấn nạn bị làm giả cũng là mối lo quan trọng đối với thương hiệu thời trang thế thao lớn nhất thế giới Adidas. Đối tượng mà những kẻ xấu nhắm tới nhiều nhất là giày thể thao – sản phẩm bán chạy nhất của Adidas.
Trên thị trường, người tiêu dùng có thể dễ dàng mua được một đôi giày gắn mác Adidas ở bất cứ đâu với giá cả vô cùng phải chăng. Một số người chỉ mua nhằm mục đích phục vụ di chuyển, một số khác, bắt đầu có ý thức về thương hiệu và cái đẹp, họ yêu cầu có những phiên bản cao cấp hơn, giống hàng thật hơn. do đó, vào những năm từ 2010-2014, thuật ngữ "fake 1, fake 2, fake 3" về giày Adidas được ra đời và thu hút giới trẻ.
Theo số liệu mới nhất từ Văn phòng Sở hữu trí tuệ của Liên minh châu Âu (EU), giao dịch hàng nhái trên thế giới trị giá tới 462 tỷ USD một năm, dự báo sẽ tăng lên 2,3 nghìn tỷ USD vào năm 2022. Và các nhãn hiệu nổi tiếng sẽ phải tiếp tục gồng mình trong cuộc chiến chống hàng giả không hồi kết để bảo đảm quyền lợi của chính mình.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo