Những công nghệ xe hơi mới nhất của Toyota trong năm 2019
Trong năm 2019, Toyota đã lên kế hoạch để phát triển các mẫu xe đặc biệt với công nghệ hiện đại.
Toyota muốn chế tạo xe điện chạy bằng năng lượng mặt trời có thể hoạt động mãi mãi không cần dừng lại để sạc
Một dự án mới của Toyota, Sharp và Tổ chức phát triển công nghệ và năng lượng mới (NEDO) đang tìm cách xây dựng một mẫu xe mang tên Prius. Điểm đặc biệt của mẫu xe này là có thể chạy mãi mãi. Tất nhiên để chạy được xe cũng cần tới năng lượng nhưng là thông qua hệ thống pin năng lượng mặt trời trên nóc xe.
Koji Makino, một quản lý dự án tại Toyota chia sẻ với trang Bloomberg rằng, ưu điểm của xe dùng pin năng lượng mặt trời là bạn có thể lái xe trên một quãng đường dài mà không cần phải sạc pin.
Tất nhiên Toyota đã tính đến việc tích hợp một hệ thống pin cho xe nên nguồn điện tạo ra từ ánh sáng Mặt Trời có thể được chuyển hóa và tích lũy vào hệ thống pin này để hoạt động về đêm.
Mặc dù vậy Toyota sẽ còn một chặng đường dài để biến ý tưởng đó trở thành sự thật. Hiện tại phiên bản hybrid của chiếc Prius đang được bán với giá hơn 27 ngàn USD và có tùy chọn tích hợp pin năng lượng mặt trời. Nhưng xe chỉ có thể sạc pin trong lúc đỗ và năng lượng tối đa từ pin mặt trời chỉ có thể giúp xe di chuyển được khoảng 6km.
Toyota hợp tác sản xuất xe sử dụng pin nhiên liệu với hãng ô tô Trung Quốc
Vào tháng 4/2019, tập đoàn sản xuất ô tô hàng đầu Nhật Bản Toyota Motor Corp. cho biết, sẽ cung cấp công nghệ xe sử dụng pin nhiên liệu cho nhà sản xuất xe Beijing Automotive Group Co. khổng lồ của Trung Quốc nhằm mở rộng kinh doanh ở thị trường ô tô lớn nhất thế giới.
Theo thỏa thuận hợp tác đầu tiên về xe chạy bằng hyđrô giữa Toyota với một hãng sản xuất ô tô Trung Quốc, bộ phận kinh doanh xe thương mại của Beijing Automotive Group sẽ sản xuất xe buýt sử dụng hệ thống pin nhiên liệu của Toyota. Hoạt động sản xuất loại xe buýt này có thể được triển khai vào thời điểm diễn ra Thế vận hội mùa Đông tại Bắc Kinh vào năm 2022.
Công nghệ pin nhiên liệu chuyển đổi hy-đrô và ô-xy thành điện đang thu hút sự chú ý của Trung Quốc trong quá trình phát triển xe điện như một giải pháp để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí.
Toyota sở hữu công nghệ độc quyền có một không hai
Toyota đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho một hệ thống phun nước hoa với mùi hương được tùy biến theo hướng cá nhân hóa (personalized fragrance dispenser system). Theo nội dung công bố trên mạng trong tuần trước, cơ chế hoạt động của hệ thống này tương đối đơn giản: Khi nhận ra người dùng đã được ủy quyền, nó sẽ xịt mùi hương yêu thích của họ; còn trong trường hợp bị đột nhập, nó sẽ ngay lập tức phun ra một luồng hơi cay khiến kẻ xấu khó chịu và không thể tập trung tác nghiệp.
Tạp chí CNET cho biết, hiện đã có không ít mẫu xe đã được trang bị tính năng phun nước hoa, nhưng sáng chế mới của Toyota thì gần như là nỗ lực đầu tiên nhằm cá nhân, hoặc thậm chí là vũ khí hóa chúng. Trong tương lai gần, nếu Toyota chọn triển khai bằng sáng chế này cho bất cứ chiếc xe hơi nào của hãng, thì khả năng cao là người dùng sẽ mong muốn được thấy một hệ thống phun nước hoa được cải tiến mà không có hơi cay.
Theo bằng sáng chế này, khi bạn rời khỏi xe, hệ thống nước hoa sẽ xả hương khử mùi dạng trung tính có thể hợp với bất cứ ai lên xe. Việc này khá chu đáo khi không phải ai cũng thích tất cả các mùi hương khác nhau, họ có thể khó chịu hoặc không thấy hấp dẫn nếu gặp mùi lạ. Với những khách quen, chiếc xe sẽ tự động mang đến mùi hương yêu thích của họ thông qua kết nối với smartphone người lái.
Toyota sẽ áp dụng công nghệ tự lái tiên tiến vào dòng xe thương mại
Phát biểu với báo giới khi khai trương các văn phòng mới tại Tokyo, Giám đốc Viện nghiên cứu và phát triển nâng cao của Toyota (TRI-AD), ông James Kuffner ngày 17/12 cho biết Toyota dự định ra mắt dòng xe ô tô tự lái "cấp độ 2" đầu tiên của mình, có khả năng tự lái trên đường quốc lộ.
Đây là một phần trong chiến lược phát triển xe ô tô tự lái trong vài thập kỷ tới.
Theo ông Kuffner, việc áp dụng công nghệ tự lái sẽ dễ dàng hơn vì không đòi hỏi người giám sát trực tiếp, thường trực đối với xe taxi và các xe mà Toyota đang chế tạo, như dịch vụ lái theo yêu cầu, cửa hàng di động và bệnh viện di động.
Các nhà vận hành phương tiện có thể kiểm soát ở bất cứ đâu và vào bất cứ lúc nào, và có thể giám sát việc bảo dưỡng xe.
Tuy nhiên, ông Kuffner cho biết: "Sẽ cần nhiều thời gian hơn để đạt 'cấp độ 4' đối với một xe cá nhân." Cấp độ 4 là bậc tự động, theo đó các phương tiện có thể tự hành trong một số điều kiện hạn chế.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo