Nhiều loại thuốc được Bộ Y tế thêm vào điều trị bệnh nhân Covid-19
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Bộ Y tế đã có kế hoạch phân bổ cho một số tỉnh, thành phố 2.000 liều thuốc kháng thể kép vào điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng nhằm giảm tỷ lệ tử vong.
Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác điều trị Covid-19 do Bộ Y tế tổ chức sáng 25/11, theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Bộ Y tế đã có kế hoạch phân bổ cho một số tỉnh, thành phố 2.000 liều thuốc kháng thể kép vào điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng nhằm giảm tỷ lệ tử vong.
Thứ trưởng Sơn cho biết, trong thời gian qua Bộ Y tế phân bổ thuốc kháng virus Molnupiravir đến các địa phương trong chương trình thí điểm quản lý, chăm sóc F0 không triệu chứng tại nhà và cộng đồng (với gần 250.000 liều được sử dụng).
Theo đánh giá sơ bộ, tỷ lệ âm tính khi sử dụng Molnupiravir sau 5 ngày là từ 72% đến 93%, giảm 50% tỷ lệ tử vong so với nhóm không sử dụng.
Bộ Y tế đang tiến hành các bước để tiến tới cấp phép lưu hành cho các công ty có thể nhập khẩu, sản xuất thuốc này sau khi có kết quả thử nghiệm bước đầu của các đơn vị sử dụng thuốc. Được biết, Anh đã cấp phép lưu hành cho Molnupiravir tại nước này.
Ngoài ra, các thuốc hiệu quả tốt trong điều trị bệnh nhân nặng cũng được sử dụng như các thuốc kháng thể đơn dòng, đã đem lại thành công.
Bộ Y tế cũng chuẩn bị một số phương án về thuốc khác để phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 như Favipiravir (Avigan). Khoảng 2 triệu liều thuốc này sẽ được phân bổ cho các địa phương theo kế hoạch của Bộ Y tế.
Trong giai đoạn đầu thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, tỷ lệ ca mắc, tử vong ở các địa phương có thể giảm hơn so với làn sóng thứ 4.
Tuy nhiên, trong một tuần gần đây số ca mắc và tử vong do Covid-19 đã gia tăng trở lại. Trong đó, ngày 24/11 là thời điểm có số mắc và số người tử vong cũng cao nhất trong hơn một tháng qua.
Cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có hơn 1,1 triệu ca mắc, với hơn 24.000 ca tử vong, hơn 78.000 bệnh nhân đang điều trị. Trong số này, khoảng hơn 4.000 ca nặng phải thở oxy, thở máy. Tỷ lệ tử vong trên số ca mắc là 2,1% tương đương so với thế giới. Trường hợp tử vong chủ yếu tập trung ở đợt 4, trong khi 3 đợt đầu chỉ có 35 ca tử vong trên tổng số gần 3.500 ca mắc (khoảng 1%).
Tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, có thể xuất hiện làn sóng mới với biến chủng mới. Theo các nhà chuyên môn, nhà khoa học, Việt Nam phải rất cảnh giác, một đợt dịch mới luôn rình rập. Vì thế, chúng ta không được lơ là mất cảnh giác, phải luôn sẵn sàng ứng phó với dịch.