Người từng mắc Covid có nguy cơ tái nhiễm sau bao lâu?
Những người từng mắc Covid-19 sẽ có khả năng miễn dịch tự nhiên nhưng chính xác miễn dịch kéo dài bao lâu thì đến nay chưa có câu trả lời rõ ràng.
Kháng thể là các protein được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể để giúp bạn chống lại bệnh tật. Cơ thể chúng ta thường sinh ra kháng thể với virus sau khi khỏi bệnh hoặc đã được tiêm vắc-xin. Các kháng thể có thể bảo vệ bạn khỏi bị bệnh trong một thời gian sau đó.
Do đó những người từng mắc Covid-19 sẽ có khả năng miễn dịch tự nhiên sau khi tiếp xúc với virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, miễn dịch với SARS-CoV-2 không bền vững và miễn dịch kéo dài bao lâu thì đến nay chưa có câu trả lời chính xác.
Theo những phát hiện trước đây, khả năng miễn dịch tự nhiên ở mức cao nhất trong 3-5 tháng sau khi khỏi bệnh rồi bắt đầu giảm xuống. Số lượng kháng thể ít dần và mức độ miễn dịch thấp gây ra rủi ro tái nhiễm.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cũng cho biết kết quả của nghiên cứu Đánh giá khả năng miễn dịch và tái nhiễm SARS-CoV-2 - SIREN tại Anh cho thấy người từng mắc Covid-19 thì nguy cơ nhiễm lại virus giảm thấp hơn 83% so với người chưa từng nhiễm trong thời gian ít nhất là 5 tháng.
Một số nghiên cứu khác còn cho thấy diễn biến bệnh và tỷ lệ diễn biến nặng ở những người tái nhiễm cũng không khác biệt so với người mới nhiễm lần đầu.
Ngoài ra, miễn dịch tự nhiên cũng suy giảm sau 6 tháng nên cần tiêm vắc-xin để tăng cường khả năng chống lại Covid-19.
Các chuyên gia y tế nhận định phục hồi sau nhiễm Covid-19 không chỉ tăng cường khả năng bảo vệ cơ thể mà còn làm cho vắc-xin hoạt động tốt hơn.
Một số nghiên cứu nhỏ đã ghi nhận những người khỏi bệnh được tiêm một liều vắc-xin sẽ có tỷ lệ đáp ứng miễn dịch cao hơn những người chưa được chủng ngừa hoặc đã được tiêm mà không có tiền sử bệnh. Điều này do cơ thể có thời gian quay vòng nhanh hơn để nhận ra protein gai và tạo ra các kháng thể bảo vệ mạnh mẽ hơn.
"Hiện tại, chúng tôi tin rằng tất cả các loại vắc-xin trong danh sách sử dụng khẩn cấp từ WHO đều ngăn ngừa được bệnh nặng và nhập viện do tất cả các biến thể hiện có của virus SARS-CoV-2", chuyên gia WHO cho biết.
Bên cạnh đó các chuyên gia vẫn nhấn mạnh việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa cá nhân trong thời điểm hiện tại là hạn chế tiếp xúc nhiều người, ở nơi công cộng và thực hiện tốt các bước bảo vệ bản thân như:
Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài
Rửa tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn
Súc họng bằng dung dịch nước súc miệng có chứa 0.05% CPC và CHX (chlorhexidine)
Khai báo y tế đầy đủ và trung thực khi di chuyển ở những nơi có nguy cơ dịch bệnh
VÌ SAO NGƯỜI HỒI PHỤC CÓ THỂ TÁI NHIỄM NCOV?
- Các chuyên gia y tế đã cảnh báo về việc những bệnh nhân từng mắc phải virus Corona đã khỏi bệnh vẫn có nguy cơ tái phát nhiều lần.
- Nhà miễn dịch học Nikolai Kryuchkov nhận xét rằng việc tái phát có thể xảy ra sau khoảng 2 đến 3 tháng khi bệnh nhân được công bố là hết bệnh, theo nghiên cứu của ông, trong giai đoạn này, mức kháng thể trong người bệnh nhân chưa đủ mạnh và tồn tại chỉ một thời gian ngắn trong cơ thể trước khi bị suy giảm đột ngột.
"Ở một số người, mức độ kháng thể giảm rất nhanh sau khi họ khỏi bệnh. Chỉ sau từ hai đến ba tháng mức độ kháng thể đã trở nên quá thấp. Hiện vẫn chưa rõ vì sao xảy ra tình trạng này", ông Nikolai Kryuchkov nói.
- Họ virus Corona bao gồm virus gây dịch SARS, MERS và cảm lạnh thường. Phần lớn lây nhiễm qua đường hô hấp trên. Khi virus xâm nhập vào cơ thể, chúng tìm cách bám vào và xâm chiếm tế bào vật chủ. Đáp lại, hệ miễn dịch của con người tạo ra kháng thể, những protein có khả năng nhận biết và tiêu diệt virus. Đó là cách con người trở nên miễn dịch với một số loại bệnh.
- Nhưng với nCoV, các bác sĩ cho rằng kháng thể mà bệnh nhân tạo ra không đủ mạnh hay không tồn tại đủ lâu để giúp bệnh nhân miễn nhiễm hoàn toàn với bệnh trong thời gian dài. Sau khi nhiễm bệnh, virus có thể ở trạng thái bất hoạt với rất ít triệu chứng, sau đó bệnh tình sẽ trở nên trầm trọng nếu virus tìm đường vào phổi, Giáo sư Philip Tierno thuộc Đại học New York, cho biết.