Người dân có bị xử lý khi sử dụng pháo chưa được phép lưu hành?
Với các sản phẩm pháo hoa chưa được phép lưu hành ở đây cụ thể là pháo dàn phun hoa sẽ bị thu hồi, tiêu hủy theo quy định.
Ngày 17/1 Công ty TNHH MTV Hóa chất 21(Công ty Hóa chất 21) có Thông báo số 142/TB-HC21 về việc dừng bán sản phẩm pháo giàn phun hoa.
Nội dung văn bản nêu rõ: “Căn cứ theo nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quản lý sử dụng pháo hoa; Căn cứ biên bản làm việc kiểm tra về việc thực hiện các quy định về sản xuất kinh doanh pháo hoa ngày 17/1 giữa Cục Cảnh sát QLHC về TTXH và Công ty TNHH MTV Hóa chất 21.
Trong thời gian chờ đánh giá yêu cầu kỹ thuật về độ ồn đối với sản phẩm giàn phun hoa, Công ty TNHH MTV Hóa chất 21 yêu cầu các cửa hàng dừng bán sản phẩm giàn phun hoa. Số sản phẩm nhà máy đã cấp cho các cửa hàng yêu cầu kiểm kê, niêm phong để Nhà máy tổ chức thu hồi.
Công ty Hóa chất 21 cũng yêu cầu các cửa hàng nghiêm túc thực hiện thông báo trên. Toàn văn nội dung thông báo từ phía Công ty Hóa chất 21 cũng không đề cập đến việc xử lý các sản phẩm pháo dàn phun hoa đã bán cho người tiêu dùng trước đó.
Ngoài việc không đề cập đến hướng xử lý đối với các sản phẩm đã được cửa hàng bán ra thị trường trước đó, thì hiện nay các sản phẩm pháo dàn phun hoa của Công ty Hóa chất 21 vẫn được “cò” buôn bán qua tay ngay khu vực cửa hàng, trên mạng xã hội với giá chênh lệch từ vài chục nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho biết: Theo Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng pháo nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm như: Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo.
Ngoài ra thì việc nghiên cứu, sản xuất pháo hoa, thuốc pháo hoa do tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện và phải bảo đảm các điều kiện sau đây: - Tổ chức, doanh nghiệp được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất pháo hoa, thuốc pháo hoa; - Phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường; - Phải có phương tiện, thiết bị phù hợp để kiểm tra, giám sát các thông số kỹ thuật và phục vụ công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm trong quá trình nghiên cứu, sản xuất; có nơi thử nghiệm riêng biệt; - Sản phẩm phải bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; sản phẩm phải có nhãn hiệu, nước sản xuất, năm sản xuất, hạn sử dụng...
Cũng theo Luật sư Diệp Năng Bình, việc kinh doanh pháo hoa phải bảo đảm các điều kiện đó là chỉ được kinh doanh pháo hoa bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định. Việc sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo phải bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chủng loại, nhãn hiệu, nước sản xuất, năm sản xuất, hạn sử dụng...
Với các sản phẩm pháo hoa chưa được phép lưu hành ở đây cụ thể là pháo dàn phun hoa sẽ bị thu hồi, tiêu hủy theo quy định. Về trình tự, thủ tục tiêu hủy pháo, thuốc pháo theo Nghị Định 137/2020/NĐ-CP quy định thủ trưởng cơ quan Quân sự cấp huyện hoặc Công an cấp huyện trở lên phê duyệt phương án gồm:
Thời gian, địa điểm, phương pháp, cách thức tiêu hủy, thành phần Hội đồng tham gia tiêu hủy, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố trong quá trình tiêu hủy và hạn chế ảnh hưởng đến môi trường.
Địa điểm tiêu hủy phải biệt lập, cách xa nơi dân cư, công trình công cộng và hạn chế ảnh hưởng đến môi trường. Trình tự, thủ tục tiêu hủy được thực hiện như sau: Sau khi có quyết định tiêu hủy của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan Quân sự cấp huyện hoặc cơ quan Công an cấp huyện trở lên phải thành lập Hội đồng tiêu hủy và xây dựng phương án tiêu hủy.
Thành phần Hội đồng tiêu hủy bao gồm: Đại diện cơ quan tiêu hủy là Chủ tịch Hội đồng; Đại diện cơ quan kỹ thuật chuyên ngành và cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về môi trường cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có địa điểm tiêu hủy là thành viên Hội đồng.
Như vậy, khi người dân mua phải các loại pháo không đúng tiêu chuẩn, chưa có giấy phép sản xuất ở đây là pháo dàn phun hoa thì có thể đem đến các địa điểm đã mua để hoàn trả lại. Trong trường hợp đã có quyết định thu hồi của cơ quan chức năng nhưng người dân vẫn cố tình không giao nộp thì sẽ phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Pháp luật hiện hành và Nghị định số137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 về quản lý, sử dụng pháo quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng pháo, theo đó mọi hành vi sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại pháo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự tùy tính chất, mức độ của hành vi.
Nếu nhẹ, có thể bị xem xét xử lý hành chính theo Nghị định 167 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống, chống bạo lực gia đình.
Nếu có đủ căn cứ có thể bị xử lý hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190), Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191).