Mua hàng trực tuyến và rào cản hàng giả, hàng nhái
Theo khảo sát, hơn 45% người dùng cho rằng rào cản lớn nhất khi mua hàng trực tuyến là sợ "lừa đảo giao hàng sai, chất lượng tệ, hàng giả".
Hệ thống Lắng nghe và Giám sát danh tiếng ứng dụng trí tuệ nhân tạo của Viettel vừa công bố báo cáo "Toàn cảnh Thị trường TMDT Việt Nam 2020 trên Social Media" nhằm cung cấp cho cộng đồng bức tranh TMDT và xu hướng người dùng trong việc sử dụng các dịch vụ mua bán trực tuyến.
Theo phân tích từ báo cáo, liên quan đến các yếu tố hình thành động lực mua hàng trên các sàn thương mại điện tử thì giao hàng nhanh chóng là động lực quan trọng nhất (25.09%), tiếp đến là uy tín thương hiệu của các sàn (20.5%) và hàng hóa đa dạng, nhiều lựa chọn (19.05%).
Trong đó, Lazada bị khách hàng phàn nàn nhiều nhất ở khía cạnh "Shop lừa đảo" trên sàn TMĐT này (61,29%). Có một điểm đáng lưu ý là Tiki bị phàn nàn nhiều nhất vì lí do "Giao hàng chậm" (32,6%), mặc dù khi so sánh với các đối thủ khác về mức độ hài lòng thì Tiki cũng chiếm lợi thế trong yếu tố "Dịch vụ giao hàng nhanh, tiện lợi". Điều đó phản ánh sự đa dạng và khó chiều của khách hàng trong các yêu cầu về tốc độ giao hàng.
Cũng theo báo cáo, việc lo lắng về chất lượng hàng hóa và lừa đảo khi mua hàng trực tiếp là rào cản lớn nhất ảnh hưởng đến trải nghiệm mua sắm trực tuyến (34.99%). Điều này dẫn đến uy tín và niềm tin vào các sàn TMDT là một yếu tố rất quan trọng đến việc ra quyết định của người tiêu dùng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Đạt, giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng Di động Việt, cho rằng với sự phát triển mạnh mẽ của các sàn TMĐT, người tiêu dùng mua sắm dễ dàng và thuận tiện hơn, nhất là những sản phẩm có giá trị thấp.
Nhưng cũng chính việc này đã tạo nên một làn sóng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường online. Trong khi đó, việc đổi trả hàng hay phản ảnh của nạn nhân chỉ được thông qua sàn, người bán không cần quan tâm đến khách, không ai bảo vệ người tiêu dùng rõ ràng giữa sàn TMĐT và người bán.
"Hàng hóa trên các sàn không được các sàn kiểm định chất lượng, người bán mặc sức đăng một đằng bán một ngã. Chính vì những kẽ hở này, thiệt thòi cuối cùng thường khách hàng là người phải gánh chịu. Bản thân tôi cũng từng gặp oái oăm khi mua hàng online, lúc nhận hàng xong mới biết mình mua trúng hàng giả" - ông Đạt nói.
Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng cũng cho biết cần nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng về thương mại điện tử
Thương mại điện tử là mô hình kinh doanh có mức tăng trưởng mạnh mẽ, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế hiện đại. Trong thời gian đến, thương mại điện tử dự kiến sẽ trở thành kết cấu hạ tầng quan trọng của lĩnh vực thương mại Việt Nam. Đứng ở góc độ là cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD), Sở Công thương sẽ tăng cường thông tin, tuyên truyền, nhằm nâng cao sự hiểu biết của NTD về thương mại điện tử; một số lưu ý khi mua hàng trên mạng, cũng như cách đề phòng một số hành vi tinh vi như đánh cắp tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân khi mua hàng trực tuyến; vận động NTD hình thành thói quen cẩn trọng trong mua sắm hàng hóa và sử dụng dịch vụ, lựa chọn các doanh nghiệp tin cậy để thực hiện giao dịch nhằm tự bảo đảm quyền lợi của chính mình.
Đồng thời, Sở Công thương tiếp tục phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tham gia bổ sung, hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý và cơ chế, chính sách trong việc bảo vệ quyền lợi NTD; tăng cường phối hợp với lực lượng quản lý thị trường trong công tác thanh kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiểm soát việc sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nhằm đấu tranh chống gian lận thương mại, mua bán, cung cấp hàng nhái, hàng giả, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, ngăn chặn các loại hình lừa đảo trực tuyến để hỗ trợ và tạo niềm tin cho NTD.
Minh Hà/Sở Hữu Trí Tuệ