Meta kháng cáo không thành trước đơn kiện vi phạm sáng chế của Voxer
Mới đây, thẩm phán liên bang ở Austin, Texas đã từ chối đơn kháng cáo của công ty Meta Platform - công ty mẹ của Facebook liên quan đến kết luận vụ kiện do Meta vi phạm bản quyền sáng chế của Voxer Inc.
Năm 2006, người sáng lập Voxer, Tom Katis và nhóm của ông đã phát triển công nghệ truyền video và âm thanh trực tiếp nhằm xử lý các vấn đề liên lạc của quân đội Hoa Kỳ ở Afghanistan. 6 năm sau, năm 2011, Voxer cho ra mắt ứng dụng Walkie Talkie.
Năm 2020, Voxer đệ đơn kiện Meta. Đến tháng 9 năm ngoái, tòa án phán quyết Meta phải bồi thường 175 triệu USD phí bản quyền cho Voxer Inc. vì vi phạm hai bằng sáng chế của Voxer liên quan tới công nghệ truyền phát video và nhắn tin.
Theo đơn kiện, vào năm 2012, công ty Voxer có trụ sở tại San Francisco đã được Meta - Facebook lúc bấy giờ đề nghị hợp tác. Voxer tiết lộ công nghệ độc quyền và danh mục bằng sáng chế, tuy nhiên, hai bên không đi đến được một thoả thuận chung.
Theo thông tin của Voxer, Facebook đã lạm dụng công nghệ của Voxer trong tính năng phát trực tuyến Live của Facebook và Instagram, ra mắt lần lượt vào năm 2015 và 2016.
Sau khi nhận phán quyết, Meta đề nghị toà án huỷ bỏ bản án hoặc tổ chức một phiên toà mới. Thẩm phán Lee Yeakel tại Austin đã từ chối yêu cầu của Meta và xác định có đầy đủ bằng chứng để hỗ trợ phán quyết của bồi thẩm đoàn.
Hiện tại, Meta và Voxer đều chưa đưa ra bất cứ bình luận nào cho quán quyết của toà. Tuy nhiên, Meta vẫn có thể kháng cáo lên toà án cấp cao hơn.
Trước đó, Meta cũng vướng nhiều vụ kiện cáo phải bồi thường. Đầu tháng 2 vừa qua, công ty công nghệ này đã nhất trí chi trả 90 triệu USD nhằm giải quyết vụ kiện kéo dài 10 năm qua với các cáo buộc trang mạng xã hội này đã theo dõi hoạt động trực tuyến của người dùng, ngay cả khi họ đã chủ động đăng xuất khỏi nền tảng.
Một vụ kiện Facebook xâm phạm quyền riêng tư khác diễn ra vào 2021. Trong đơn kiện tập thể Facebook, hơn 1,6 triệu người ở bang Illinois (Mỹ) cáo buộc Facebook đã thu thập và lưu trữ dữ liệu sinh trắc học của người dùng mà không thông báo đến họ. 'Gã khổng lồ' chỉ chịu nhượng bộ sau hơn 5 năm thưa kiện tới lui và chấp nhận chi 650 triệu USD bồi thường.
Đăng ký và bảo hộ độc quyền sáng chế ngày càng quan trọng. Năm 2021 ghi nhận số lượng hồ sơ đăng ký sáng chế, nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp trên thế giới cao kỉ lục. Trong đó, số đơn đăng ký sáng chế đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc chiếm một tỷ lệ tương đối lớn. Số lượng đơn đăng ký sáng chế của Việt Nam đứng thứ 5 ASEAN vào năm 2019, và đứng thứ 3 trong các năm 2020 và 2021.
Hải Hà