Lợi nhuận BIDV dự kiến đạt 19,4 nghìn tỷ đồng năm 2022, đâu là yếu tố hỗ trợ?
Số lượng cổ phiếu phát hành thêm cao hơn dự kiến; thoái vốn khỏi BIDV-Metlife; ký hợp đồng bancassurance độc quyền,... sẽ là các yếu tố hỗ trợ.
Lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng 42,4%, đạt 19.400 tỷ đồng
Ngày 29/4 tới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường năm 2022. Ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền tham dự Đại hội đồng cổ đông năm 2020 của BIDV là ngày 22/3/2022.
Nội dung đại hội bao gồm: Thông qua Báo cáo tổng kết hoạt động của Hội đồng quản trị giai đoạn 2017 – 2021, định hướng hoạt động 2022 – 2027 và trọng tâm hoạt động năm 2022; thông qua Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2021 và định hướng kế hoạch kinh doanh năm 2022; thông qua báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 đã được kiểm toán, phương án trích lập các quỹ, phân phối lợi nhuận và chi trả cổ tức năm 2021.
Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) mới đây đã có báo cáo cập nhật về BIDV. Theo đó, số lượng cổ phiếu phát hành thêm cao hơn dự kiến; thoái vốn khỏi BIDV-Metlife; ký hợp đồng bancassurance độc quyền; và các khoản vay tái cơ cấu phục hồi nhanh hơn so với kỳ vọng sẽ là các yếu tố hỗ trợ trong thời gian tới.
Trong năm 2022, SSI Research ước tính BIDV sẽ đạt 19.400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2022 (tăng 42,4% so với cùng kỳ), chủ yếu do các chỉ số chất lượng tín dụng tốt tại thời điểm cuối năm 2021. Theo đó, chi phí tín dụng năm 2022 ước tính đạt 1,76%.
Nhóm chuyên gia cho biết BIDV vẫn giữ nguyên kế hoạch phát hành 8,5% cổ phiếu để tăng vốn. Ngân hàng cũng dự định phát hành trái phiếu chuyển đổi để cải thiện hệ số CAR.
Nhìn lại, việc tăng 17,6% vốn chủ sở hữu vào cuối năm 2019 cũng chỉ giải tỏa nhu cầu vốn của BIDV trong 1-2 năm qua. Vì vậy, SSI tin rằng dù kế hoạch phát hành hoàn tất trong năm nay, nhu cầu vốn của ngân hàng sẽ vẫn duy trì ở mức cao trong dài hạn.
Ngoài ra, công ty chứng khoán cũng đưa ra giả định ngân hàng sẽ phát hành thêm 5% cổ phiếu với mức giá là 40.000 đồng/cp.
Tăng trưởng tín dụng ước tính ở mức 10% so với cùng kỳ, tương đương với hạn mức tăng trưởng tín dụng hiện hành; tăng trưởng tiền gửi ở mức 10,4%. NIM giảm 0,12 điểm % do lãi suất huy động tăng nhẹ và cần duy trì hệ số LDR quanh mức hiện tại.
Chi phí dự phòng dự báo ở mức 25.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 1,32%. Hệ số CIR tăng lên 35% do chi phí cho nhân viên và quản lý khôi phục về mức trước dịch COVID-19; và tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng CNTT và các dự án số hóa.
Tăng trưởng tín dụng ở mức thấp do đâu?
Theo quan điểm của nhóm phân tích, hệ số an toàn vốn hạn chế là rào cản khiến tăng trưởng tín dụng của BIDV ở mức thấp hơn so với các ngân hàng cùng ngành trong 3 năm qua.
Năm 2021, tăng trưởng tín dụng tại BIDV và toàn ngành lần lượt đạt 11,2% và 13,6% so với cùng kỳ. Thị phần cho vay của ngân hàng dần dần thu hẹp từ 14% trong năm 2018 xuống 13,1% trong năm 2021, nhưng mảng cho vay bán lẻ mở rộng khá tốt.
Cho vay cá nhân năm 2021 tăng 21,7% so với cùng kỳ đạt 538.500 tỷ đồng. Đây là mức dư nợ lớn nhất trong toàn hệ thống, trong khi cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và cho vay doanh nghiệp lớn (CIB) lần lượt chỉ tăng 1,3% và 8,6% so với cùng kỳ, SSI nhận định.
Bên cạnh đó, CASA của ngân hàng tại thời điểm cuối quý IV/2021 ở mức cao nhất trong 10 năm, nhưng hầu hết các ngân hàng cũng đã cải thiện mạnh mẽ CASA trong năm qua.
Tính trung bình, CASA tại tất cả các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu tăng 2,6% so với cùng kỳ trong năm 2021 (từ 22,8% lên 25,5%). CASA của BIDV vẫn thấp hơn cả về tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ hiện tại.
Thứ hạng của BIDV sẽ có những thay đổi bất ngờ?
Giữ ngôi vô địch cả về thị phần tín dụng, doanh thu và lợi nhuận trước dự phòng rủi ro song BIDV đang thua nhiều ngân hàng do trích lập dự phòng rủi ro lớn cao.
Dù vậy, giai đoạn "còng lưng" trích lập dự phòng của BIDV có thể sẽ không còn kéo dài quá lâu. Thứ hạng của BIDV trong top 10 lợi nhuận có thể sẽ chứng kiến nhiều bất ngờ những năm tới.
Báo cáo tài chính quý IV/2021 của BIDV cho thấy, năm 2021, ngân hàng này có sự tăng trưởng ấn tượng và đang là quán quân của toàn hệ thống về nhiều phương diện.
Cụ thể, đến hết năm 2021, BIDV tiếp tục là ngân hàng thương mại có tổng tài sản lớn nhất hệ thống với 1,76 triệu tỷ đồng. Đồng thời, BIDV cũng là ngân hàng có thị phần cho vay lớn nhất hệ thống (trên 13% thị phần).
Giữ thị phần cho vay lớn nhất trong khi các lĩnh vực kinh doanh ngoài lãi khác đều tăng mạnh nên năm 2021, BIDV cũng là ngân hàng có tổng thu nhập hoạt động lớn nhất hệ thống với gần 62.400 tỷ đồng.
Tín dụng vẫn là mảng mang lại lợi nhuận lớn nhất cho BIDV với thu nhập lãi thuần đạt 46.817 tỷ đồng, tăng 30,7% so với năm trước. Nguyên nhân khiến lợi nhuận từ mảng cho vay tăng mạnh trong khi thu nhập từ lãi hầu như không tăng là do chi phí lãi và chi phí tương tự giảm 16,5%.
Bên cạnh đó, thu nhập ngoài lãi của ngân hàng cũng tăng trưởng rất tốt: Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ là 6.614 tỷ đồng, tăng 25,6%; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối là 1.896 tỷ đồng, tăng 9,45; lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh là 582 tỷ đồng, tăng gần 22%; lãi thuần từ hoạt động khác đạt hơn 6.000 tỷ đồng, tăng 19%. Riêng lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư giảm mạnh 84%, chỉ còn 236 tỷ đồng.
Sau khi trừ chi phí hoạt động 19.361 tỷ đồng (tăng 9,4% so với năm 2020), lợi nhuận thuần trước dự phòng rủi ro của BIDV vẫn đạt hơn 43 nghìn tỷ đồng, cao nhất hệ thống, bỏ xa nhiều ngân hàng liền kề như Vietcombank, Techcombank, VietinBank, VPBank…
Tuy vậy, năm 2021, ngân hàng chi trích lập dự phòng rủi ro tới 29.432 tỷ đồng (tăng 26,2% so với năm 2020) nên lợi nhuận trước thuế chỉ còn 13.601 tỷ đồng, tăng 50,7% so với năm 2021, xếp thứ 7 toàn hệ thống thay vì vị trí thứ 8 năm trước đó.
Xét về thứ hạng lợi nhuận, BIDV đứng sau nhiều ngân hàng khác, song BIDV đang có sự chuyển biến mạnh mẽ. Tại thời điểm cuối năm 2021, nợ xấu của BIDV là 0,97%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng vọt kỷ lục (bao phủ nợ xấu của BIDV năm 2021 là 235%, tăng mạnh so với con số 89% tại thời điểm cuối năm 2020).
Trước đó, nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, bước sang năm 2022, các chương trình phục hồi nền kinh tế sẽ tác động tích cực lên ngành ngân hàng.
Không chỉ tăng trưởng nhờ kỳ vọng của các chính sách hỗ trợ từ tài khóa đến tiền tệ giúp cho các điều kiện kinh doanh toàn ngành được cải thiện, mà các ngân hàng còn có động lực từ những câu chuyện riêng. Trong đó, kết quả kinh doanh năm 2022 của BIDV có thể đột biến phụ thuộc vào các định hướng tới đây của ngân hàng.